Thứ tư 04/12/2024 00:13
Hotline: 024.355.63.010
Kinh tế số

Thương mại hóa 5G tại Việt Nam: Cơ hội phát triển và những thách thức trong đầu tư

18/10/2024 10:51
Dịch vụ 5G tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn thương mại hóa. Tuy nhiên, các nhà mạng đang đối mặt với thách thức lớn về chi phí đầu tư và khả năng sinh lợi.
Thương mại hóa 5G tại Việt Nam: Cơ hội phát triển và những thách thức trong đầu tư
Thương mại hóa 5G tại Việt Nam: Cơ hội phát triển và những thách thức trong đầu tư.

Song hành cùng xu hướng mạng 5G đang được triển khai rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã chính thức gia nhập cuộc chơi này với sự ra mắt mạng 5G của Viettelvào ngày 15/10.

Đó là một bước tiến quan trọng cho việc chính thức thương mại hóa dịch vụ 5G. Vào năm 2019, Viettel Telecom cũng là nhà mạng đầu tiên ở Việt Nam thử nghiệm thành công cuộc gọi trên sóng 5G NSA. Tập đoàn Viettel cũng đã phát triển được chip 5G và trạm gốc BTS 5G Open RAN đạt quy chuẩn quốc gia. Không chỉ là nhà mạng đã giành được quyền khai thác khối "băng tần vàng" B1 (2500-2600 MHz), Viettel còn là nhà mạng di động lớn nhất Việt Nam (năm 2023 chiếm 56,5% thị phần thuê bao di động) và đã có thể cung cấp dịch vụ 5G trên toàn quốc và dự kiến phủ sóng 5G tại tất cả 63 tỉnh, thành ngay trong tháng 10.

Nhà mạng di động VNPT VinaPhone với khối băng tần C2 (3700 - 3800 MHz) từ ngày 13-10 đã bắt đầu triển khai cho các thuê bao dùng thử miễn phí 5G tại các khu vực có sóng 5G. Sau khi được cấp phép chính thức, Tập đoàn VNPT đã triển khai lắp đặt hạ tầng và trạm thu phát sóng VinaPhone 5G trên toàn quốc. Hiện nay, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã có sóng VinaPhone 5G. Theo kế hoạch, đến hết năm 2024, VNPT sẽ hoàn thành lắp đặt trên 3.000 trạm phát sóng VinaPhone 5G nhằm bảo đảm phủ sóng mạnh, ổn định và liên tục, đặc biệt tại các khu vực đô thị và trung tâm kinh tế lớn trên toàn quốc. Nhà mạng MobiFone với khối băng tần C3 (3800 - 3900 MHz), dự kiến sẽ cho khách hàng được thử nghiệm dịch vụ 5G từ tháng 11. Ngoài ra, để tăng cường hiệu quả triển khai 5G, MobiFone hợp tác chia sẻ hạ tầng với các nhà mạng có băng tần 5G phù hợp.

Viettel chính thức khai trương mạng 5G đầu tiên tại Việt Nam
Viettel chính thức khai trương mạng 5G đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 15/10.

Thực tế, ba nhà mạng lớn đều thử nghiệm 5G từ năm 2020 nhưng chưa thể thương mại hoá. Tháng 3 năm nay, Viettel và VNPT mới hoàn tất đấu giá tần số 5G trong khi MobiFone đấu giá vào tháng 7.

Trên trường quốc tế, công nghệ 5G đã được ứng dụng rộng rãi từ lâu. Cũng vì vậy mà ở lần ra mắt chính thức của mạng 5G tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đặt ra những yêu cầu rất cao đối với hạ tầng số Việt Nam bắt kịp xu hướng chung này. Theo đó, hạ tầng số cần phải đáp ứng các yêu cầu về dung lượng lớn, băng thông rộng, đồng thời phải đảm bảo tính phổ cập, bền vững, thân thiện với môi trường, thông minh, mở và an toàn. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai mạng 5G, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế số cũng như xã hội số.

Theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), đến năm 2025, 100% tỉnh, thành phố; các khu công nghệ cao; khu công nghệ thông tin tập trung; trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo; khu công nghiệp; nhà ga, cảng biển, sân bay quốc tế sẽ có dịch vụ di động 5G. Tốc độ tối thiểu của mạng này cần đạt 100Mbps. Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT-TT), khẳng định: "Triển khai mạng 5G đã đến thời điểm chín muồi. Các nhà mạng Việt Nam cũng đã triển khai thử nghiệm 5G trong vài năm vừa qua. Tất cả nhà mạng lớn ở Việt Nam trong năm 2024 đã sẵn sàng cho việc thương mại hóa 5G".

Theo nhà phát triển chip di động Qualcomm, mạng 3G đã mang đến dữ liệu di động và 4G mở ra kỷ nguyên băng thông rộng di động. 5G là giao diện không dây thống nhất, có khả năng kết nối nhiều hơn với khả năng mở rộng để người dùng trải nghiệm; trao quyền cho các mô hình triển khai mới và cung cấp các dịch vụ mới.

Cũng theo Qualcomm, 5G sẽ tạo ra giá trị kinh tế khoảng 13.100 tỷ USD và hơn 22,8 triệu việc làm trên toàn cầu vào năm 2035, với tác động lên nhiều lĩnh vực như sản xuất, y tế và giáo dục.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 5G dự kiến tạo ra giá trị kinh tế khoảng 113 tỷ USD vào năm 2030. Riêng tại Việt Nam, theo Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, 5G có thể đóng góp vào tăng trưởng GDP khoảng 7,34% vào năm 2025.

Tuy nhiên, để đạt được lợi ích kinh tế, chi phí mà nhà mạng phải bỏ ra để triển khai 5G là không nhỏ. Sở hữu băng tần càng cao thì doanh nghiệp sẽ phải đầu tư càng nhiều trạm thu phát sóng khiến chi phí cho đầu tư hạ tầng tăng lên.

Ngược lại, nếu băng tần thấp sẽ tiết kiệm được chi phí đầu tư hạ tầng, nhưng chi phí đấu giá rất cao. Chẳng hạn, Viettel chi số tiền hơn 7.500 tỷ đồng để sở hữu băng tần 2500-2600 MHz, gấp ba lần số tiền VNPT trả để sử dụng băng tần 3700-3800 MHz.

Theo Hiệp hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), các nhà mạng đang gặp khó khăn trong việc tối ưu chi phí đấu giá băng tần 5G, cũng như chi phí triển khai hạ tầng để cung cấp dịch vụ với mức giá hấp dẫn và cạnh tranh.

Bên cạnh chi phí đầu tư ban đầu, việc thương mại hóa 5G còn gặp thách thức từ phía người tiêu dùng. Nhiều người dùng vẫn sử dụng các thiết bị cũ chỉ hỗ trợ 3G hoặc 4G, dẫn đến việc họ phải nâng cấp thiết bị để sử dụng 5G. Điều này có thể ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng của người dân trong việc tiếp cận công nghệ mới.

Ngoài ra, phần lớn hạ tầng thông tin hiện tại của các doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ cũ. Để ứng dụng 5G, các doanh nghiệp này sẽ phải nâng cấp hệ thống, gây ra chi phí đáng kể và làm chậm quá trình triển khai.

Về dịch vụ nội dung trên 5G, hiện chỉ có các dịch vụ như video 4K, 8K và live streaming, trong khi các ứng dụng như AR, VR vẫn còn khá hạn chế, tạo ra thách thức cho việc chuyển đổi từ 4G sang 5G.

VDCA dẫn lời ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNPT nhận định, vấn đề khó nhất đối với các nhà mạng khi triển khai 5G là phương án kinh doanh hiệu quả, chứ không phải tần số hay hạ tầng. Triển khai 5G đòi hỏi đầu tư lớn nhưng có doanh thu, có lợi nhuận hay không là câu hỏi khó, không chỉ với VNPT, mà với tất cả các nhà mạng.

Những thách thức này không chỉ các nhà mạng Việt Nam gặp phải mà các công ty viễn thông trên thế giới cũng có chung câu hỏi. Theo Mckinsey&Company, khi 4G ra mắt vào năm 2009, các nhà mạng không đạt được lợi nhuận cao như với các thế hệ trước. Dù đã đầu tư vào hạ tầng 4G, doanh thu chỉ tăng trưởng chậm hoặc không đáng kể. Ở một số khu vực như châu Âu và Mỹ Latinh, doanh thu thậm chí còn giảm sau khi 4G được triển khai.

Hiện tại với công nghệ 5G, các nhà mạng trên thế giới đang rục rịch chuẩn bị với cảm xúc pha trộn giữa hy vọng và lo lắng. Họ nhận thức rõ rằng 5G sẽ mở ra cơ hội khai thác giá trị từ các ứng dụng mới và sự phát triển của Internet vạn vật (IoT).

Tuy nhiên, họ cũng hiểu rằng, việc đầu tư vào hạ tầng 5G sẽ tăng lên đáng kể. Đồng thời, các nhà mạng vẫn phải nâng cấp mạng 4G để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao. Theo phân tích tại một quốc gia châu Âu, Mckinsey&Company dự đoán rằng chi phí đầu tư mạng sẽ tăng 60% trong giai đoạn 2020 - 2025, gần như gấp đôi tổng chi phí trong giai đoạn này.

Tại Việt Nam, các nhà mạng không thể trì hoãn việc đầu tư vào 5G, bởi quy định yêu cầu nhà thầu trúng đấu giá băng tần 5G phải triển khai dịch vụ trong vòng 12 tháng từ khi nhận được giấy phép. Trong 2 năm đầu tiên, doanh nghiệp phải cam kết triển khai ít nhất 30% số trạm phát sóng vô tuyến điện và lắp đặt tối thiểu 3.000 trạm phát sóng 5G.

Nếu vi phạm cam kết về số lượng trạm phát sóng, doanh nghiệp sẽ bị đình chỉ 50% độ rộng băng tần trong 12 tháng. Nếu sau thời gian này không khắc phục được, giấy phép sẽ bị thu hồi.

Để sử dụng mạng 5G, người dùng không chỉ cần đăng ký gói cước mà còn phải sở hữu thiết bị tương thích với công nghệ mạng thế hệ mới. Các điện thoại cao cấp như iPhone 12, Galaxy S20 Ultra và Galaxy Z Fold2 trở về sau đều hỗ trợ 5G. Bên cạnh đó, nhiều mẫu Android tầm trung và giá rẻ ra mắt trong khoảng 2-3 năm qua cũng đã được trang bị kết nối này.

Theo các chuyên gia, mạng 5G mở ra nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng đòi hỏi phải chú ý đến một số vấn đề để tránh sai lầm và hiểu lầm. Cụ thể, các nhà bán hàng và doanh nghiệp cần đánh giá đúng về hạ tầng kỹ thuật và nâng cấp thiết bị để đảm bảo tương thích với công nghệ 5G. Bên cạnh đó, khi các thiết bị và hệ thống quản lý được chuyển sang sử dụng mạng 5G, các công ty cần xem xét việc xây dựng giải pháp bảo mật mạnh mẽ nhằm bảo vệ an toàn dữ liệu. Do đó, sự phối hợp với các chuyên gia an ninh mạng là rất cần thiết để bảo vệ hệ thống.

Cuối cùng, các công ty nên nghiên cứu và áp dụng thêm các công nghệ tiên tiến như AI và IoT, vì những công nghệ này hoạt động hiệu quả trên nền tảng 5G. Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu suất sản xuất mà còn tăng cường tính cạnh tranh và khả năng đổi mới trong tương lai.

Tin bài khác
Đến năm 2025, xe sử dụng năng lượng sạch tại Việt Nam sẽ có tem kiểm định

Đến năm 2025, xe sử dụng năng lượng sạch tại Việt Nam sẽ có tem kiểm định

Từ năm 2025, xe sử dụng năng lượng sạch, thân thiện môi trường khi tham gia giao thông sẽ được nhận biết bằng tem kiểm định có nền màu xanh lá cây.
VNPT Phú Thọ triển khai giải pháp chữ ký số SmartCA

VNPT Phú Thọ triển khai giải pháp chữ ký số SmartCA

Trong nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ dành cho công dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, VNPT Phú Thọ đã chính thức triển khai giải pháp chữ ký số SmartCA.
Mỹ tăng cường hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc

Mỹ tăng cường hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc

Gói biện pháp mới của Mỹ là minh chứng rõ ràng cho quyết tâm kiềm chế sức mạnh công nghệ của Trung Quốc, đồng thời bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế.
Galaxy S25 Slim có thể sẽ ra mắt vào năm 2025, cạnh tranh với iPhone 17 Air

Galaxy S25 Slim có thể sẽ ra mắt vào năm 2025, cạnh tranh với iPhone 17 Air

Nếu Samsung phát hành Galaxy S25 Slim trên toàn cầu, nhà sản xuất sẽ phải khá tự tin về thiết kế và thông số kỹ thuật của điện thoại, đủ để tạo ra nhu cầu.
Elon Musk bất ngờ dành lời khen cho sản phẩm của Apple

Elon Musk bất ngờ dành lời khen cho sản phẩm của Apple

Elon Musk đã bất ngờ dành lời khen cho tính năng trợ thính trên AirPods Pro 2 của Apple. Đây là lần hiếm hoi ông chủ Tesla tán dương sản phẩm của “táo khuyết”.
Huawei Mate 70 - "Át chủ bài" mới chưa đủ sức hút để vượt qua Mate 60

Huawei Mate 70 - "Át chủ bài" mới chưa đủ sức hút để vượt qua Mate 60

Trong khi Mate 60 tạo sự phấn khích từ người dùng và là điện thoại đầu tiên được Huawei trang bị chip tự nghiên cứu, Mate 70 lại không có nhiều điểm cải tiến.
iPhone 17 Pro dự kiến sẽ có thiết kế khung nhôm và camera ngang đầy ấn tượng

iPhone 17 Pro dự kiến sẽ có thiết kế khung nhôm và camera ngang đầy ấn tượng

Mặc dù phải đến tháng 9/2025 mới chính thức trình làng, nhưng iPhone 17 Pro đã bắt đầu gây sốt với loạt tin đồn về thiết kế và hệ thống camera được cải tiến.
Meta đầu tư hơn 10 tỷ USD xây dựng tuyến cáp quang biển quanh thế giới

Meta đầu tư hơn 10 tỷ USD xây dựng tuyến cáp quang biển quanh thế giới

Dự án do Santosh Janardhan, người đứng đầu bộ phận hạ tầng toàn cầu của Meta, giám sát. Văn phòng Meta tại Nam Phi được cho là đang dẫn dắt quá trình này.
Apple đang chuẩn bị các bước cho việc ra mắt iPhone gập đầu tiên

Apple đang chuẩn bị các bước cho việc ra mắt iPhone gập đầu tiên

Dù chưa có thời gian ra mắt cụ thể, nhưng việc Apple hợp tác với các nhà sản xuất màn hình cho thấy công ty đang dần biến ý tưởng iPhone gập thành hiện thực.
Người dùng Samsung tại Việt Nam bị khóa máy sau khi đăng ký One UI 7 beta giả mạo

Người dùng Samsung tại Việt Nam bị khóa máy sau khi đăng ký One UI 7 beta giả mạo

Đây được cho là chiêu lừa tinh vi khi kẻ gian đầu tư website, chạy quảng cáo, thậm chí nhắm tới người am hiểu công nghệ và dùng mồi nhử là One UI 7 beta.
Threads tăng trưởng bứt phá nhờ bầu cử Mỹ và Elon Musk

Threads tăng trưởng bứt phá nhờ bầu cử Mỹ và Elon Musk

Với tăng trưởng ấn tượng, nền tảng Threads của Meta được kỳ vọng sẽ đạt 1 tỷ người dùng tương tự Facebook, Instagram và WhatsApp trước đây.
iPhone 16, Galaxy S24 đồng loạt giảm giá sốc dịp cuối năm 2024

iPhone 16, Galaxy S24 đồng loạt giảm giá sốc dịp cuối năm 2024

Hàng loạt ưu đãi hấp dẫn từ cả Samsung và Apple được đánh giá là cơ hội vàng để người dùng sở hữu những thiết bị chính hãng với mức giá tốt nhất trong năm.
Hàn Quốc chi hơn 10 tỷ USD hỗ trợ nhà sản xuất chip trong nước

Hàn Quốc chi hơn 10 tỷ USD hỗ trợ nhà sản xuất chip trong nước

Động thái này cho thấy Hàn Quốc đang tăng cường hỗ trợ cho ngành công nghiệp chip, lĩnh vực được coi là "viên ngọc quý" của nền kinh tế nước này.
Quốc gia đầu tiên thực thi lệnh cấm đối với trẻ dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Quốc gia đầu tiên thực thi lệnh cấm đối với trẻ dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Australia chính thức thông qua dự luật cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Trên lý thuyết, đây là một trong những lệnh cấm nghiêm ngặt nhất thế giới.
Lệnh cấm mạng xã hội đầu tiên tại Australia sắp được thông qua

Lệnh cấm mạng xã hội đầu tiên tại Australia sắp được thông qua

Khi dự luật tại Australia được thông qua, các nền tảng mạng xã hội sẽ chịu khoản tiền phạt lên tới 33 triệu USD nếu không ngăn chặn trẻ em sở hữu tài khoản.