Nguyên nhân gì khiến tốc độ 5G có lúc chậm hơn 4G? |
Sau 10 ngày cung cấp dịch vụ 5G tại Việt Nam, Viettel cho biết, lưu lượng người dùng data trên mạng 5G cao gấp 2,5 lần so với 4G, đối với 4G, bình quân một khách hàng tiêu dùng khoảng 8,5 GB data/tháng với 5G, bình quân trên thế giới đang khoảng 20 - 25 GB/tháng, tức gấp 2,5 lần trung bình thế giới.
Về tốc độ 5G, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm di động của Tổng công ty Viễn thông Viettel cho biết, tốc độ lý thuyết của 5G lên đến 10 Gbps. Viettel đang thử nghiệm tùy từng khu vực, đang khoảng tầm 300-500 Mbps, rất vượt trội, rất lớn. Đến thời điểm hiện tại, Viettel đã phủ đến 95% khu vực thủ phủ, tỉnh và thành phố cơ bản đều có thể trải nghiệm và sử dụng được sóng 5G.
"Hiện tại khó khăn là tỷ lệ thiết bị đầu cuối hỗ trợ 5G ở Việt Nam mới đang khoảng 15-18%, khoảng 10 triệu thiết bị. Tuy nhiên, trong thời gian tới các nhà cung cấp trên thị trường sẽ đẩy rất nhiều các thiết bị 5G nên tỷ lệ thâm nhập máy 5G sẽ tăng rất nhanh trong những tháng tới", ông Sơn cho biết.
Chia sẻ một số nguyên nhân khiến tốc độ 5G chưa ổn định, ông Hoàng Đức Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật toàn cầu, Tổng công ty Mạng lưới Viettel chỉ rõ, tốc độ chưa ổn định chủ yếu do trạm phát còn hạn chế, vị trí sử dụng và lưu lượng truy cập cùng lúc.
Ông Thanh cho biết thêm, số trạm phát 5G hiện còn hạn chế, chưa tương đương 4G.
"Với trạm 5G khi đo trải nghiệm trong khung giờ thấp tải và chỉ có một thuê bao, tốc độ có thể đạt 300-500 Mbps tùy vị trí. Điều này đồng nghĩa tốc độ khi đo phụ thuộc rất nhiều vào vị trí khách hàng gần hay xa trạm, sóng tốt hay không", ông Thanh chia sẻ.
Đại diện Viettel đề cập một số lý do khác, chẳng hạn như máy chủ lựa chọn khi dùng công cụ đo tốc độ, cũng như lượng người đồng thời truy cập dịch vụ.
Theo lý giải của đại diện Viettel, người dùng thường truy cập Speedtest.net để đo tốc độ. Nếu một người dùng Speedtest và đứng tại vị trí sóng tốt, tốc độ chắc chắn sẽ cao. Ngược lại, quá nhiều người cùng truy cập sẽ xảy ra hiện tượng thuê bao này được cấp nhiều tài nguyên hơn thuê bao khác, dẫn đến cảm giác tốc độ thời điểm đấy có thể chỉ tương đương 4G.
"Có những thời điểm nếu quá nhiều người test đồng thời thì sẽ xảy ra hiện tượng có thuê bao này được cấp tài nguyên nhiều, thuê khác được cấp tài nguyên ít hơn, dẫn đến cảm giác về mặt trải nghiệm tốc độ chỉ tương đương 4G. Do có quá nhiều người vào test đồng thời trong bối cảnh là trạm 5G chưa nhiều như trạm 4G nên số lượng thuê bao có nhu cầu test đồng thời dồn vào trạm 5G nhiều hơn. Đấy cũng là một điểm mà chúng tôi cho rằng, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến 5G nhiều lúc cảm nhận tương đương 4G", ông Thanh cho biết.
Về lộ trình phủ sóng 5G tại Việt Nam, đại diện Viettel cho biết, nhà mạng này đang ưu tiên triển khai tại các khu vực thành thị. Theo đó, hơn 6.000 trạm phát sóng 5G đã được lắp đặt, phủ 95% dân số ngoài trời.
Đến năm 2025, nhà mạng sẽ tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng trong nhà. Theo kế hoạch 3 - 5 năm tới, người dùng ở các khu vực thành thị có thể sử dụng mạng 5G trong nhà giống như trải nghiệm 4G ở thời điểm hiện tại.
Chia sẻ về vấn đề người dùng phản ánh về việc cùng một nhu cầu sử dụng, liệu 5G có tốn data hơn 4G, đại diện Viettel khẳng, định 5G không tốn data hơn 4G nếu sử dụng tác vụ và nội dung với cùng một chất lượng, đặc biệt với nhu cầu cơ bản của người dùng như truy cập mạng xã hội, tải tài liệu.
Một số nguyên nhân được đại diện nhà mạng này chỉ ra có thể do người dùng có thể trải nghiệm một số dịch vụ cần tốc độ siêu nhanh mà 4G trước đây khó đáp ứng, như xem video độ phân giải cao 4K, sử dụng ứng dụng thực tế ảo AR/VR...