Chiến lược kinh doanh năm 2019 của một số doanh nhân tiêu biểu

00:00 12/10/2020

Năm 2019 được đánh giá là năm khó khăn chung đối với kinh tế toàn cầu. Nguyên nhân của vấn đề không chỉ do các dấu hiệu chững lại của kinh tế thế giới, mà còn bởi quan hệ quốc tế giữa các cường quốc tiếp tục có nhiều chuyển biến tiêu cực nối tiếp năm 2018. Mặc dù vậy, vẫn còn rất nhiều dự án thú vị đang được triển khai và sau đây là một vài dự định của một số doanh nhân tiêu biểu cho năm 2019.

Richard Branson: Bay vào vũ trụ

Tỷ phú người Anh Richard Branson nổi tiếng là người dám thách thức mọi giới hạn truyền thống và luôn tìm ra những phương thức mới mẻ để làm việc, nay lại tiếp tục tạo dựng con đường riêng tiếp theo của mình trong lĩnh vực vũ trụ. Mục tiêu của Richard Branson trong năm nay là tập trung nguồn lực để phóng thành công tàu vũ trụ của riêng mình vào giữa năm 2019 – đúng dịp kỉ niệm 50 năm con người lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Hiện tại lĩnh vực du lịch khám phá vũ trụ giàu tiềm năng mới chỉ có một số công ty tham gia như SpaceX của tỷ phú Elon Musk, Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos và Virgin Galactic của Richard Brandon. Khác với mục tiêu tham vọng của SpaceX là có thể đưa người lên mặt trăng sớm nhất vào năm 2023, Virgin Galactic và Blue Origin hướng đến mục tiêu du lịch ngắn hơn và rẻ hơn khi đặt mục tiêu đưa được con người vào khoảng không vũ trụ trong thời gian khá ngắn – chỉ vài phút. Công ty Virgin Galactic được thành lập năm 2004 và đến nay đã tiêu tốn của Branson hơn 1 tỷ USD với trung bình 35 triệu USD mỗi tháng .

Ông chủ của Virgin Group hiện là người giàu thứ 388 trong danh sách tỷ phú năm 2018 của Tạp chí Forbes với khối tài sản trị giá 5,1 tỷ USD.

Jack Ma: Đi sâu vào giáo dục

Jack Ma cũng là một tỷ phú thành công nhờ dấn thân làm mọi thứ từ đầu như Richard Branson, song không như Branson, Jack Ma đã có khoảng thời gian làm giáo viên tiếng Anh tại một trường đại học ở Hàng Châu trước khi rẽ ngang sang thương mại điện tử. Jack Ma hiện đang dần dần thực hiện chuyển giao vị trí chủ tịch Alibaba cho Daniel Zang và đến ngày 10/9/2019, ông sẽ chỉ còn làm thành viên hội đồng quản trị. Jack Ma cũng từng cho biết ông chỉ thực sự cảm thấy hạnh phúc hồi còn đi dạy học và đã có quá trình chuẩn bị khoảng 10 năm cho mục tiêu này. Bản thân Alibaba cũng đã tham gia cung cấp các chương trình đào tạo về thương mại điện tử và năng lực kinh doanh từ lâu. Với câu chuyện thành công của bản thân, có thể dự đoán Jack Ma sẽ rất thành công trong việc đào tạo các doanh nhân trẻ vốn luôn muốn được như mình.

Một trong số những bài học quan trọng nhất mà các doanh nhân có thể học được từ Jack Ma, chính là quan điểm không chờ đợi xã hội sẵn sàng để đón nhận ý tưởng của mình, mà sẽ bắt tay hoàn thiện nó để nhanh chóng đứng đầu lĩnh vực hứa hẹn này trong tương lai. Điều này thực sự rất đúng khi Jack Ma đã sớm thành lập Alibaba vào năm 1999, khi bản thân người dân khi đó vẫn còn tiếp xúc rất ít với internet, chưa kể đến việc tìm và mua hàng trực tuyến. Nhờ vậy mà chỉ sau 20 năm, Aibaba đã trở thành một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới trong lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, truyền thông và nhiều lĩnh vực khác nữa.

Jeff Bezos: Phát triển các cửa hàng không thu ngân

Gã khổng lồ trong dịch vụ bán lẻ trực tuyến Amazon hiện đang thử nghiệm hệ thống cửa hàng tiện lợi Amazon Go không cần nhân viên thu ngân vào đầu năm 2018 và đây là dự án đã được thai nghén gần 5 năm của hãng. Hệ thống camera của cửa hàng sẽ cho biết khách hàng lựa chọn hoặc quan tâm đến các sản phẩm nào và khách hàng chỉ cần tải ứng dụng Amazon Go, chọn lấy đồ trên kệ và bước ra ngoài mà không phải xếp hàng chờ thanh toán. Đây được coi là phép thử cho chiến lược đột phá của hãng nhằm nhắm đến nhóm khách hàng muốn mua sắm tại các cửa hàng thật, mở rộng sản phẩm của hãng đến nhóm thực phẩm và đồ tạp hóa.

Có thể thấy các cửa hàng thực phẩm và tạp hóa truyền thống đang lọt vào “tầm ngắm” của ông trùm bán lẻ này. Nếu thành công, Amazon Go sẽ dẫn đầu một trào lưu tự động hóa mới và tiếp tục “thay đổi thói quen của người tiêu dùng” vốn đã giúp hãng cạnh tranh thành công với các đối thủ bán hàng truyền thống lớn như Sears trước đó.

Sang năm 2019, Amazon dự định sẽ mở rộng thêm 50 cửa hàng tại các khu vực đô thị dày đặc và mục tiêu là mở 3.000 cửa hàng trước năm 2021.

Elon Musk: Tự tin tiến vào Trung Quốc

Sau bốn năm lên kế hoạch, Tesla đã tiến thêm một bước đi vững chắc vào thị trường xe điện tiềm năng Trung Quốc khi khởi công nhà máy sản xuất xe điện đầu tiên của hãng bên ngoài nước Mỹ vào ngày 7/1/2019 tại Thượng Hải. Nhà máy sẽ có thể hoạt động ngay trong năm nay với mục tiêu sản xuất được 250.000 xe mỗi năm trong giai đoạn đầu và 500.000 xe mỗi năm trong giai đoạn tiếp theo, bao gồm các dòng Model 3 và Model Y.

Đây là bước khởi đầu nhằm mở rộng khách hàng xe điện của Elon Musk, với mục tiêu mỗi nhà máy sẽ cung cấp được sản phẩm cho tối thiểu 1 quốc gia hay thậm chí 1 châu lục. Được biết đây cũng chưa phải là điểm dừng của Tesla khi hãng thậm chí còn có kế hoạch xây dựng 10 đến 12 nhà máy sản xuất ô tô điện tại khắp nơi trên thế giới.

Khác với mối lo ngại về nạn ăn cắp sở hữu trí tuệ của các công ty nước ngoài, Elon Musk hầu như không lo lắng về bản quyền công nghệ khi đã công bố mọi bằng sáng chế mình có về thông số kỹ thuật của xe Tesla, cũng như có được lợi thế và quy mô sản xuất đối với giá thành khi sản xuất pin điện tại Trung Quốc. Bản thân chính phủ Trung Quốc cũng rất muốn thúc đẩy sử dụng các loại phương tiện thân thiện với môi trường nhằm giảm phát thải ô nhiễm và phát triển theo hướng công nghệ cao. Thị trường xe điện tại Trung Quốc hiện cũng đang có sức phát triển nhanh nhất thế giới.

Đây là bước đi hết sức có ý nghĩa với Tesla, trong bối cảnh nhu cầu xe điện tại Mỹ giảm và các đối thủ cạnh tranh đang ngày một nhảy vào thị trường này nhiều hơn. Các đối thủ như General Motors, Toyota Motor và Volkswagen AG đã rót hàng tỷ USD vào lĩnh vực xe điện song đang chậm chân hơn Trung Quốc. Xây dựng nhà máy cũng sẽ giúp Tesla tránh được phần nào hệ quả nếu có từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, giúp giảm chi phí và thuế suất của hãng tại Trung Quốc.

Phạm Nhật Vượng: Tiếp tục dấn thân vào lĩnh vực công nghệ

Năm 2018 là một năm tương đối thành công với tỷ phú Phạm Nhật Vượng với sự ra mắt của xe điện và xe hơi VinFast, điện thoại thông minh VinSmart cùng sự kiện khánh thành thành công hạng mục đầu tiên của tòa nhà chọc trời Landmark 81. Hiện tổng giá trị tài sản chứng khoán của Phạm Nhật Vượng đã đạt hơn 190.000 tỷ đồng, tương đương hơn 8,2 tỷ USD, giúp ông bỏ xa bất kỳ đối thủ nào khác trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tiếp tục mục tiêu đưa Vingroup thành tập đoàn công nghệ - công nghiệp – dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó tập trung đầu tư trọng điểm vào mảng công nghệ, Vingroup đã ra mắt thêm 3 công ty con lần lượt là VINCSS – nghiên cứu và phát triển an ninh mạng, HMS – nghiên cứu và phát triển phần mềm, và VinConnect – hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin – vào cuối năm 2018.

Đến đầu năm 2019, tập đoàn đã thành lập công ty VinDigix – chuyên hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin. Các công ty này có ưu điểm là tự do hoạt động độc lập theo chiến lược định sẵn, và chỉ chịu sự giám sát, đánh giá và hỗ trợ khi cần. Trước mắt các sản phẩm phần mềm sẽ phục vụ trực tiếp cho hoạt động của tập đoàn, từ đó phát triển sản phẩm công nghệ Việt Nam đạt tầm quốc tế.

 Đây là chiến lược dài hơi, tốn kém và mạo hiểm, được Vingoup đặt ra không chỉ nhằm khẳng định sự trí tuệ, đẳng cấp của người Việt Nam, mà còn có tác động phục vụ lâu dài các mục đích xã hội cũng như nhu cầu phát triển của đất nước trong tương lai.

Nguyễn Đăng Quang: Cao cấp hóa các mặt hàng thực phẩm

Mặc dù doanh thu của tập đoàn Masan chịu ảnh hưởng lớn bởi khủng hoảng giá thịt heo năm 2018, xong lợi nhuận sau thuế của Masan năm 2018 vẫn đạt mức kỷ lục 5.622 tỷ đồng. Điều này đã góp phần không nhỏ đưa ông chủ của đại gia mỳ gói Nguyễn Đăng Quang lọt top tỷ phú đô la tiếp theo của Việt Nam. Hiện tại, ông Quang đang gián tiếp sở hữu Masan Group thông qua 2 pháp nhân là CTCP Masan (Masan Corp) và Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương – công ty mà Masan Corp sở hữu 100% vốn. Masan Group là tập đoàn hoạt động trên nhiều lĩnh vực chủ chốt như: thực phẩm, đồ uống, thức ăn chăn nuôi – chế biến thịt và khoáng sản.

Sang năm 2019, Masan tiếp tục chiến lược “cao cấp hóa” và mở rộng ngành hàng tiêu dùng nhanh (FCMG) tại mảng đồ uống với mục tiêu đưa Masan Group chiếm vị trí kinh doanh thịt tươi sống hàng đầu, đạt mức tăng trưởng 2 con số từ năm 2019 và gấp 2 – 3 lần mức tăng trưởng trung bình của ngành FMCG trong các năm sau đó. Masan cũng đặt tham vọng tạo ra dòng tiền vững mạnh nhờ đầu tư khai thác và mở rộng thị phần vonfram ra ngoài Trung Quốc.

Nguyễn Trần Minh Trí