Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk hướng tới “Không gian sinh thái - Bản sắc - Kết nối sáng tạo”

17:29 25/04/2023

Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới xây dựng Đắk Lắk trở thành tỉnh có “Không gian sinh thái - Bản sắc - Kết nối sáng tạo”.

Tại “Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch)”, ngày 25/4, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk đã trình bày tóm tắt các nội dung chính của Quy hoạch.

Theo đó, bám sát với định hướng phát triển của quốc gia và định hướng phát triển vùng Tây Nguyên tại Nghị quyết 23/NQ-TW ngày 6/10/2022, trên cơ sở các nền tảng đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk, Quy hoạch đã xây dựng triết lý và mô hình phát triển, từ đó xây dựng tầm nhìn đến năm 2050 và xác định các quan điểm, đột phá và nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021-2030.

Ảnh minh họa
Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk hướng tới “Không gian sinh thái - Bản sắc - Kết nối sáng tạo”.

Về tầm nhìn phát triển đến năm 2050, Quy hoạch xác định tỉnh Đắk Lắk trở thành tỉnh có “Không gian sinh thái - Bản sắc - Kết nối sáng tạo”, lấy con người là trung tâm của mọi quá trình phát triển, người dân tỉnh Đắk Lắk cùng nhau thụ hưởng thành quả của quá trình phát triển, sinh thái tự nhiên được phục hồi và gìn giữ.

Bản sắc văn hóa được bảo tồn trên hệ giá trị nhân văn độc đáo, riêng có của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; kết nối và hội nhập quốc tế. Người dân Đắk Lắk “Văn minh - Thân thiện - Hội nhập”, có đời sống khá giả, thụ hưởng môi trường sống xanh, sạch, hòa mình vào thiên nhiên và đời sống văn hóa tinh thần phong phú trong không gian sáng tạo đặc trưng Tây Nguyên...

 Quy hoạch ưu tiên định hình rõ nét các chức năng ở cả cấp độ quốc tế, quốc gia, vùng Tây Nguyên.

Trong đó, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của những người yêu thích cà phê, nơi hội tụ các thương hiệu cà phê quốc tế. Xây dựng Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ nông nghiệp quốc tế thông minh.

Nhiệm vụ trọng tâm của Quy hoạch tập trung vào sản xuất hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn hướng tới các thị trường xuất khẩu; phát triển mạng lưới đô thị, trước hết ưu tiên nguồn lực đầu tư, mở rộng địa giới hành chính thành phố Buôn Ma Thuột để sớm trở thành trung tâm đô thị vùng Tây Nguyên.

Cùng với đó là bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; ưu tiên các ngành sản xuất và các lĩnh vực dịch vụ phù hợp xu hướng phát triển theo hướng tăng trưởng xanh như: công nghiệp chế biến tiêu chuẩn cao, phát triển năng lượng sạch (tái tạo), phát triển du lịch và dịch vụ logistics.

Hà Anh