Du lịch Đắk Lắk: Đổi mới về quà lưu niệm?

16:00 22/09/2022

Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cho biết, ngành du lịch địa phương đang tìm hướng thay đổi các kịch bản sản phẩm tour tuyến, điểm đến trên địa bàn, nhằm nhanh chóng hồi phục hoạt động, thu hút du khách trở lại sau đại dịch. Trong đó, một kịch bản về quà lưu niệm, thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa truyền thống vùng cao nguyên đang được đặt ra.

Du khách đến với Đắk Lak sẽ chọn được những quà lưu niệm gì thể hiện bản sắc văn hóa bản địa?
Du khách đến với Đắk Lak sẽ chọn được những quà lưu niệm gì thể hiện bản sắc văn hóa bản địa?

Ông Hồng Hà giải thích, lâu nay du lịch Đắk Lắk bị nhìn nhận là kém khả năng níu giữ, cuốn hút du khách quay lại. Hiện trạng này gắn với thực tế nhiều năm, theo dòng du khách đến và đi, địa phương không xây dựng và xâu chuỗi được các sản phẩm du lịch đặc thù, chưa thực sự tạo được điểm nhấn hấp dẫn ở mỗi điểm tham quan, các điểm đến cho du khách.

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hoàn toàn hiện trạng đó, buộc ngành du lịch khi muốn hồi phục lại phải xem xét kỹ hơn năng lực phục vụ của mình. Các yêu cầu khắt khe và bài bản hơn, về tổ chức các tour tuyến, điểm đến, các khu vực trải nghiệm du lịch, nhất là du lịch gắn liền nền tảng văn hóa cao nguyên đặc thù, đã lần lượt được đặt ra. Với sự phê duyệt của chính quyền, ngành du lịch Đắk Lắk đã nhanh chóng đưa ra nhiều đề án phát triển, đổi mới chất lượng hoạt động du lịch, như các kịch bản phát triển văn hóa cồng chiêng, du lịch văn hóa truyền thống với hình tượng voi, suối thác… Những câu chuyện, trường ca Tây Nguyên từng bước được nghiên cứu lại, qua đó xây dựng kịch bản ở từng điểm đến bản địa, để thu hút du khách. “Đơn cử về câu chuyện người anh hùng Đam San, ngành văn hóa và du lịch tỉnh đã cùng phối hợp các doanh nghiệp, đoàn nghệ thuật, xây dựng những kịch bản diễn xướng, sân khấu hóa chuyên nghiệp gắn với địa danh, địa điểm phù hợp, từ đó tạo được điểm đến hấp dẫn cho du khách muốn tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa Tây Nguyên”. Ông Hà chia sẻ.

Tuy nhiên, việc xây dựng các điểm đến, điểm trải nghiệm văn hóa chỉ mới là một phần lộ trình mời gọi, níu giữ du khách đến Đắk Lắk. Ông Đặng Gia Duẩn, Phó giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk nhìn nhận, bài học từ các quốc gia, vùng du lịch nổi tiếng cho thấy, cách khơi gợi du khách trở lại tốt nhất, chính là phải có được hệ thống các sản phẩm quà lưu niệm ấn tượng, độc đáo, giàu ý nghĩa. Một khi du khách mang theo những sản phẩm lưu niệm về nhà, tặng người thân, họ đã là một đại sứ quảng bá tốt hình ảnh du lịch ở điểm đến. Huống chi, trong cuộc sống vội vàng, sẽ có lúc du khách nhìn lại món quà lưu niệm, nhớ lại không gian ký ức của mỗi chuyến đi, chính là động lực quan trọng để họ lựa chọn quay lại nơi đã đến.

Ngành du lịch Đắk Lắk cần thay đổi, phát triển hệ thống quà lưu niệm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu du khách.
Ngành du lịch Đắk Lắk cần thay đổi, phát triển hệ thống quà lưu niệm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu du khách.

Đây là lý do, để những thành phố du lịch như Tô Châu, Hàng Châu (Trung Quốc) hay Ayutthaya (Thái Lan) luôn cuốn hút được một lượng đông đảo những du khách đã quay lại đến lần 2, lần 3… Những kịch bản sân khấu biểu diễn như vở kịch Tống thành với slogan “Hãy để tôi kể cho bạn một câu chuyện” đã dẫn dắt du khách vào một thế giới lịch sử hoành tráng và tươi đẹp, đầy chất thần thoại và diễm tình. Tương tự, một sân khấu biểu diễn võ thuật Muay Thái song được cải biên thành câu chuyện tình yêu, tình bạn, tình đồng đội bảo vệ quê hương, đã khiến hàng ngàn du khách cảm động. Phía sau những cảm xúc này, du khách dễ dàng chọn mua các sản vật lưu niệm về văn hóa Trung Hoa, Thái Lan, những tượng sứ, phù điêu đồng… hấp dẫn gắn liền các sử tích, huyền thoại…

Vậy tại sao Đắk Lắk không thể biến những tour du lịch cưỡi voi không còn phù hợp, thành những sân diễn về văn hóa voi, về câu chuyện người đồng bào xem voi là anh em trong nhà mình chứ không phải vật nuôi, dựng những huyền thoại mới về cuộc sống Tây Nguyên. Qua đó, hình ảnh voi Tây Nguyên dễ dàng biến thành những tượng gỗ, bức tranh, mẫu khăn dệt thổ cẩm truyền thống? Những ché rượu cần, cồng chiêng tại sao không thể chuyển hóa thành những món đồ chơi xinh xẻo, những móc khóa, chặn giấy… để du khách thuận tiện mang đi?

Với cách tư duy mới này, du lịch Đắk Lắk rõ ràng sẽ có một hướng cải biến độc đáo dựa trên nền tảng văn hóa bản địa, viết nên những câu chuyện mới, thi vị độc đáo hơn về  vùng đất Tây Nguyên. Ông Duẩn thổ lộ, chỉ nói riêng chuyện ngành du lịch phối hợp một số đơn vị nghệ thuật đến từ Hàn quốc, tổ chức diễn xướng cồng chiêng trong cộng đồng, thí điểm trong tháng 8/2022 vừa qua, đã là một góc cạnh mới rất thuận tiện quảng bá, cuốn hút thêm du khách. Những chương trình hợp tác giữa du lịch Đắk Lak, Tây Nguyên với các tỉnh thành miền Trung, với Hà Nội thời gian qua, đang tiếp tục “truyền lửa” để định hình thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, những mẫu vật hàng hóa lưu niệm mới, hấp dẫn hơn và giá trị cao hơn.

Chúng tôi tin tưởng rằng, với những định hướng đổi mới này, du lịch Đắk Lak sẽ in dấu tốt hơn trong lòng du khách, từ những món quà lưu niệm trao tay cho đến những kịch bản văn hóa, điểm đến mới đầy chất liệu văn hóa đặc sắc”. Ông Thái Hồng Hà đánh giá như vậy. Ông mong rằng, đến cuối năm 2022, Đắk Lắk sẽ có được những đúc kết, thành phẩm mới về quà lưu niệm cho du lịch, từ đó mở ra một hướng tích cực cho mục tiêu thu hút du khách đến với cao nguyên.

Nguyên Đức