Phú Thọ: Tỉ lệ hồ sơ TTHC tiếp nhận và giải quyết trực tuyến cấp huyện đạt 74,39%

11:31 01/03/2022

Xác định việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên nhiều lĩnh vực, ngay từ đầu năm, nhiều địa phương trong tỉnh Phú Thọ đã đề ra các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng cung cấp, đồng thời khuyến khích, hỗ trợ người dân thực hiện TTHC trực tuyến, nhất là tại cấp xã.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) hướng dẫn người dân kê khai thông tin, đăng ký tài khoản nộp hồ sơ trực tuyến và thực hiện các TTHC đảm bảo nhanh, gọn
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) hướng dẫn người dân kê khai thông tin, đăng ký tài khoản nộp hồ sơ trực tuyến và thực hiện các TTHC đảm bảo nhanh, gọn.

Năm 2021, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC huyện Cẩm Khê và các xã, thị trấn đã tiếp nhận 31.865 hồ sơ, trong đó hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt 11.280 hồ sơ, chiếm 35,4%; tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt hơn 98%.

Trước tình hình bệnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngay từ đầu năm, huyện đã chỉ đạo Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC từ huyện đến cơ sở tăng cường triển khai DVCTT mức độ 3, 4, mở tài khoản thanh toán trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích. Các cơ quan, đơn vị trên toàn huyện đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp nộp hồ sơ điện tử để tránh tập trung đông người tại bộ phận “Một cửa” và thực hiện tốt nguyên tắc 5K của Bộ Y tế để phòng dịch. Nhờ đó, việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ diễn ra thông suốt, an toàn, tỉ lệ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến tăng cao, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.

Ông Cao Ngọc Khánh - Phó Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Cẩm Khê cho biết: Huyện hiện đang cung cấp 176 DVCTT mức độ 3, 77 DVCTT trực tuyến mức độ 4. Với phương châm lấy người dân làm trung tâm, cung cấp DVCTT mức độ cao để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, ngay từ đầu năm, huyện đã chú trọng đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC từ huyện đến cơ sở, đảm bảo hội đủ các yếu tố về trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm phục vụ người dân. Các cơ quan, đơn vị thường xuyên cập nhật thông tin về TTHC trên hệ thống Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt, phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp trong việc giải quyết các TTHC qua hệ thống một cửa, một cửa liên thông, tạo thuận lợi nhất cho người dân thực hiện DVCTT. 

Cán bộ tại Bộ phận Một cửa huyện Yên Lập hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để gửi, nhận kết quả hồ sơ TTHC
Cán bộ tại Bộ phận Một cửa huyện Yên Lập hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để gửi, nhận kết quả hồ sơ TTHC.

Để đẩy mạnh sử dụng DVCTT, nhiều xã, thị trấn của huyện Yên Lập đã triển khai biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế địa phương để nâng tỉ lệ sử dụng DVCTT, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa người sử dụng điện thoại thông minh hay máy tính còn ít. Đội ngũ cán bộ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC UBND xã tích cực hướng dẫn người dân lập tài khoản, thao tác gửi hồ sơ qua mạng, giúp họ quen dần với việc sử dụng DVCTT. Văn phòng HĐND &UBND huyện, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và 100% xã, thị trấn đã ký hợp đồng tạo lập, duy trì biên lai điện tử, mở tài khoản ngân hàng, tài khoản VNPT-PAY để người dân giao dịch thuận tiện hơn.

Ông Đinh Thế Anh - Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lập cho biết: Để đẩy mạnh thực hiện DVCTT, chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền về lợi ích của DVCTT đến người dân, doanh nghiệp; đồng thời cán bộ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC của UBND thị trấn trực tiếp hướng dẫn người dân tạo lập tài khoản, thao tác nộp hồ sơ trực tuyến, nhờ đó tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến tăng dần trong những tháng gần đây.

Nhiều người dân chưa hình thành thói quen sử dụng DVCTT khi có nhu cầu giải quyết hồ sơ TTHC là thực tế diễn ra tại không ít địa phương trong tỉnh. Để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT, xã Vạn Xuân (huyện Tam Nông) đã đưa việc huy động các nguồn lực trong đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để giải quyết TTHC là nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ông Triệu Công Hoan - Chủ tịch UBND xã Vạn Xuân cho biết: Xã hiện có 4 cán bộ công chức đã được cấp chứng thư số; 100% văn bản được ký số và xử lý trên môi trường mạng. Chúng tôi thường xuyên bố trí cán bộ thường trực tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC để hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản, sử dụng DVCTT và liên kết với ngân hàng để người dân thanh toán lệ phí hồ sơ qua QR-Code; đồng thời luôn có sự kiểm tra, giám sát để kịp thời khắc phục các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận và sử dụng DVCTT.

Chị Hoàng Thị Ngọc Ánh, khu 1, xã Vạn Xuân chia sẻ: Tôi biết thao tác nộp hồ sơ trực tuyến là nhờ được thực hành thường xuyên mỗi khi đến giao dịch tại UBND xã. Nếu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tôi nghĩ sẽ có thêm nhiều người có thể nộp hồ sơ trực tuyến như tôi bởi thao tác không khó, lại thuận lợi nhiều mặt. 

Chị Hoàng Thị Ngọc Ánh được cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến, kiểm tra tình trạng hồ sơ qua điện thoại thông minh
Chị Hoàng Thị Ngọc Ánh được cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến, kiểm tra tình trạng hồ sơ qua điện thoại thông minh.

Nỗ lực khắc phục khó khăn, quyết liệt trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện với mục tiêu hướng về cơ sở là phương châm hành động mà Phú Thọ đặt ra trong xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số năm 2022. Với quyết tâm cao ngay từ đầu năm, tỉ lệ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC trực tuyến mức độ 3, 4 có nhiều chuyển biến tích cực. Đến hết ngày 28/2/2022, tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến cấp huyện đạt 74,39%, tăng 1,83% so với tháng trước; tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến cấp xã đạt 32,49%, tăng 1,02% so với tháng trước.

Một số địa phương có tỉ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến cao như: Thị xã Phú Thọ đạt 99,36%, Tân Sơn đạt 99,09%, Hạ Hòa đạt 99,03%, Thanh Ba đạt 98,55%, Đoan Hùng đạt 97,95%, Phù Ninh đạt 97,69%, Tam Nông đạt 97,33%. 11/13 huyện, thành, thị có tỉ lệ giải quyết trực tuyến đạt trên 50%. 100% UBND cấp xã, phường đã mở tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt.

Tuy nhiên, số lượng TTHC được thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 vẫn còn ở mức độ thấp; việc giao tiếp giữa cơ quan nhà nước và người dân qua mạng internet chưa thuận tiện; các hệ thống thông tin được quan tâm đầu tư nhưng còn thiếu đồng bộ, liên thông, thống nhất… - là một trong những khó khăn cần phải tiếp tục nỗ lực tháo gỡ trong thời gian tới.

Với sự vào cuộc quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, tin tưởng rằng chính quyền điện tử sẽ ngày đi vào thực chất, tạo nền tảng vững chắc cho chính quyền số. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.

PV