Phát triển văn hóa doanh nghiệp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

15:19 13/10/2022

Thời gian qua, trước những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của bối cảnh tình hình trong và ngoài nước, nhất là những tác động của đại dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp tục giữ gìn, kiến tạo bản sắc văn hóa doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào việc xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Để phát triển nhanh và bền vững đất nước, việc huy động sức mạnh, sức sáng tạo, tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Thời gian qua, trước những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của bối cảnh tình hình trong và ngoài nước, nhất là những tác động của đại dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp tục giữ gìn, kiến tạo bản sắc văn hóa doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào việc xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Bài viết tìm hiểu quan điểm về phát triển doanh nghiệp và xây dựng văn hóa doanh nghiệp được thể hiện trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Ảnh minh họa

Quan điểm của Đảng về vai trò của doanh nghiệp và văn hóa doanh nghiệp

Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước không ngừng được củng cố, tăng cường; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao. Đánh giá về những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế những năm qua, Đảng ta nhấn mạnh: “Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 6%/năm (riêng năm 2020 tăng trưởng GDP đạt 2,91% là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới). Quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người tăng lên (năm 2020, GDP đạt 271,2 tỉ USD và thu nhập bình quân đầu người đạt 2.779 USD/người). Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011 - 2015 lên khoảng 6%/năm giai đoạn 2016 - 2020”(1). Có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự tham gia, đóng góp của toàn xã hội, trong đó có vai trò, nỗ lực to lớn của cộng đồng các doanh nghiệp.

Bàn về mô hình, thể chế phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay, Đảng ta nhấn mạnh, đó là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữa Nhà nước, thị trường và xã hội có quan hệ chặt chẽ. Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; tạo môi trường thuận lợi, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và thị trường hoạt động; điều tiết, định hướng, thúc đẩy kinh tế phát triển, gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đánh giá cao vai trò, vị thế của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng về đổi mới thể chế, cơ chế, hoàn thiện chính sách pháp luật một cách đồng bộ, đầy đủ, phù hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp bứt phát, tăng tốc, phát triển.

Về những thành tựu đạt được trong hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển trong thời gian qua, Đảng ta khẳng định: “Doanh nghiệp nhà nước từng bước được sắp xếp, tổ chức lại có hiệu quả hơn; kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế tập thể từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển nhanh, là bộ phận quan trọng của nền kinh tế nước ta”(2).

Nhiều giải pháp về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được triển khai tích cực, tập trung vào những nhóm giải pháp nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng, mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường cũng như những giải pháp nhằm giảm chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhà nước đã dành nhiều nguồn lực, thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn; giảm, giãn thuế, phí, lệ phí; giảm giá điện, nước, dịch vụ viễn thông; hỗ trợ lãi suất tín dụng. Giai đoạn 2016 - 2020, “trung bình mỗi năm có 128,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp tăng hơn 2,6 lần so với năm 2015. Lũy kế đến hết năm 2020, số doanh nghiệp đã đăng ký (đã trừ các doanh nghiệp giải thể) là 1,4 triệu doanh nghiệp. Nhiều mô hình kinh doanh mới dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã hình thành, nhất là công nghệ thông tin. Kinh tế tư nhân đóng góp quan trọng trong phát triển, nhất là dịch vụ du lịch, sản xuất ô tô, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại hiện đại, dịch vụ y tế, giáo dục và các khu đô thị. Đã hình thành và phát triển một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có khả năng ứng dụng khoa học, công nghệ, có thương hiệu và năng lực cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế"(3).

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành doanh nghiệp cũng như thực tiễn phát triển của nhiều doanh nghiệp còn bộc lộ những bất cập, hạn chế. Nhiều doanh nghiệp nhà nước chậm thực hiện cơ cấu lại và đổi mới cơ chế quản trị; thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước còn gặp một số vướng mắc cả về thể chế và tổ chức thực hiện; hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn thấp; tình trạng nợ, thua lỗ, lãng phí còn lớn; việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp còn hạn chế. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp, năng lực tài chính và quản trị yếu. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài công nghệ trung bình, gia công, lắp ráp, thiếu gắn kết, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển. Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác còn chậm, nhiều hợp tác xã chưa làm tốt vai trò liên kết, hỗ trợ kinh tế hộ.

Để khắc phục những bất cập, hạn chế, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và khát vọng phát triển, cống hiến của cộng đồng các doanh nghiệp, Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra quan điểm, mục tiêu đẩy nhanh phát triển doanh nghiệp, đồng thời quan tâm, chú trọng xây văn hóa doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm như:

“Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”(4).

Cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp, phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước. Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng tập trung vào những lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh; lành mạnh hoá tài chính, nâng cao trình độ công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước.

Đặc biệt trong phát triển doanh nghiệp, Đảng yêu cầu các cấp các ngành và mỗi đơn vị, doanh nghiệp cần tập trung “xây dựng văn hoá doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh”(5) - những yếu tố quan trọng, đóng vai trò nền tảng, lực lượng tinh thần và là nhân tố đặc biệt trong việc truyền cảm hứng, dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức để khẳng định uy tín, hình ảnh tốt đẹp trong cộng đồng.

Việc xây dựng và thực thi tốt văn hóa doanh nghiệp sẽ có tác động lớn đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; khẳng định thương hiệu sản phẩm; củng cố và thiết lập giá trị, niềm tin giữa doanh nghiệp với người dân, khách hàng, tạo sức mạnh để doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức, thích ứng linh hoạt trong bối cảnh, tình hình phức tạp hiện nay. 

Lãnh đạo Bộ Xây dựng và tỉnh Bình Dương tham quan mô hình nhà ở xã hội An Sinh tại Lễ khởi công xây dựng dự án nhà ở xã hội An Sinh ở phường Chánh Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương _Nguồn: thanhnien.vn
Lãnh đạo Bộ Xây dựng và tỉnh Bình Dương tham quan mô hình nhà ở xã hội An Sinh tại Lễ khởi công xây dựng dự án nhà ở xã hội An Sinh ở phường Chánh Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương/Nguồn ảnh: thanhnien.vn.

Tình hình phát triển doanh nghiệp và xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Về tình hình phát triển doanh nghiệp

Những năm gần đây, hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức do những tác động của bối cảnh, tình hình khách quan, như cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cuộc chiến quân sự giữa Nga và Ukraina, đặc biệt là đại dịch Covid-19, đã tác động nặng nề đến doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế, lạm phát toàn cầu, khan hiếm nguồn nguyên liệu đầu vào, nguồn nhân lực có sự xáo trộn với tâm lí bất ổn, lo lắng của người lao động… Trước tình hình đó, Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã chủ động đề ra và thực hiện hiệu quả các giải pháp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, như: Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 01/01/2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 09/4/2020 của Chính phủ; Công văn số 622/TTg-KTTH và số 623/TTg-KTTH ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, …

Nhờ những quyết sách kịp thời của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các bộ ngành và chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp thích ứng linh hoạt với bối cảnh, tình hình mới, năm 2020, “Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ tư ASEAN. Theo công bố của Tạp chí The Economist, Việt Nam trong nhóm 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Góp phần quan trọng vào kết quả tăng trưởng kinh tế của cả nước trong thời gian qua phải kể đến sự phát triển tích cực, hiệu quả của khu vực doanh nghiệp với đóng góp trên 60% vào tổng sản phẩm trong nước (GDP)”(6).

Về tình hình hoạt động, phát triển doanh nghiệp

Theo số liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến thời điểm 31/12/2020, “cả nước có 811.538 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 7,0% so với cùng thời điểm năm 2019”(7).

Bình quân giai đoạn 2016-2020 hàng năm cả nước “có 128.263 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 1,5 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng số doanh nghiệp
thành lập mới bình quân giai đoạn 2016-2020 là 7,3%. Năm 2020 có 44.096 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,9% so với năm 2019”(8). Đây là năm có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao nhất trong giai đoạn 2016-2020

Cũng theo số liệu điều tra của ngành Thống kê tại thời điểm 31/12/2019, “cả nước có 668.505 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, tăng 9,5% so với thời điểm 31/12/2018. Trong đó, năm 2019 tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi chiếm 43,0%; tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn chiếm 8,2%; tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh lỗ chiếm 48,8%”(9)

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2021
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2021.

Về số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh tại thời điểm 31/12/2019 là 15,15 triệu người, tăng 2,4% so với cùng thời điểm năm 2018. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước thu hút 1,1 triệu lao động, chiếm 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, giảm 2,9% so với cùng thời điểm năm 2018; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và khu vực doanh nghiệp FDI thu hút lần lượt 9,1 triệu lao động và 5,0 triệu lao động, chiếm tương ứng 59,9% và 32,8% trong tổng số lao động khu vực doanh nghiệp; tăng 1,5% và 5,4% so với cùng thời điểm năm 2018(10).

Bình quân giai đoạn 2016-2019 các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh cả nước thu hút 14,6 triệu lao động, tăng 25,6% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.

Bình quân giai đoạn 2016-2019, mỗi năm các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh tạo ra 22,0 triệu tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 77,1% so với bình quân giai đoạn 2011-2015. Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra doanh thu chiếm tỷ lệ cao nhất trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp, bình quân mỗi năm khu vực này tạo ra 12,5 triệu tỷ đồng, chiếm 56,8% doanh thu toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 91,3% so với bình quân giai đoạn 2011-2015; khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra 6,3 triệu tỷ đồng, chiếm 28,4%, tăng 106,2%; khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra 3,2 triệu tỷ đồng, chiếm 14,7%, tăng 13,8% (trong đó khu vực doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tạo ra 2,0 triệu tỷ đồng, chiếm 9,3%, tăng 14,6%)(11).

Thu nhập bình quân tháng một lao động của doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2019 đạt 9,3 triệu đồng, tăng 5,8% so với năm 2018. (tr. 53)Thu nhập bình quân tháng một lao động làm việc trong các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh cả nước giai đoạn 2016-2019 đạt 8,5 triệu đồng, tăng 44,6% so với thu nhập bình quân giai đoạn 2011-2015(12).

Về tình hình xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Song song với việc phát triển doanh nghiệp về quy mô, chất lượng sản phẩm, đóng góp góp tích cực vào sự phát triển nền kinh tế quốc gia, thì các doanh nghiệp trong quá trình hình thành, phát triển đều đặc biệt quan tâm, chú trọng đến việc xây dựng, kiến tạo bản sắc văn hóa doanh nghiệp, qua đó khẳng định uy tín của thương hiệu sản phẩm, hình ảnh của đơn vị và niềm tin, trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng, xã hội.

Văn hóa doanh nghiệp là tổng hòa của những giá trị vật chất và tinh thần do đội ngũ doanh nhân, công nhân viên, người lao động trong doanh nghiệp sáng tạo lên, thể hiện qua những giá trị ngầm ẩn (như triết lý, mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn, chiến lược hành động của doanh nghiệp; những khuôn mẫu, hành vi ứng xử, quan hệ giao tiếp…) và những giá trị hữu hình (không gian, môi trường, cảnh quan văn hóa; cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa trong doanh nghiệp; lôgô biểu trưng, trang phục của đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động…).

Trải qua lịch sử hình thành và phát triển, nhiều doanh nghiệp kiên định, quyết tâm thực hiện các cam kết về giá trị và tuân thủ nghiêm những nguyên tắc phát triển bền vững, đã khẳng định được giá trị, uy tín, hình ảnh doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm, tạo được niềm tin, sự ủng hộ của đông đảo công chúng, người tiêu dùng; tạo điểm nhấn trên thị trường trong và ngoài nước, tiêu biểu có thể kể đến các doanh nghiệp như: FPT, TH Truemilk, Vinamilk, Viettel, VNPT, Công ty cổ phần xây dựng Coteccons, Công ty ô tô Trường Hải, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, Hãng hàng không Vietjet, các Tập đoàn VinGroup, Thành Công, Hoa Sen, Hoà Phát, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoà Bình Minh, Công ty thép Pomina, Công ty cổ phần thép Nam Kim…

Không chỉ tạo uy tín, hình ảnh trong nước và nhiều doanh nghiệp đã vươn tầm ra thế giới để hỗ trợ, chuyển giao công nghệ cho các quốc gia, thiết lập các mối quan hệ, tìm kiếm những đối tác mới, từ đó gia tăng sức mạnh, tiềm lực kinh tế cho doanh nghiệp cũng như quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (VIETEL) đã tiến hành đầu tư ra thị trường nước ngoài tại 9 quốc gia. Tập đoàn VNPT từng bước triển khai hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư ra nước ngoài, đồng thời, thành lập các chi nhánh hoặc mở văn phòng đại diện tại 6 nước. FPT chính thức trở thành doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên được Mi-an-ma cấp giấy phép triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông NFS.

Tùy vào lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh mà trong quá trình đầu tư, xây dựng, sản xuất, các doanh nghiệp đã xây dựng những lôgô, hình ảnh mang tính biểu trưng văn hóa với những thông điệp nhân văn, vừa để nhận diện thương hiệu sản phẩm, vừa thể hiện khát vọng, mong muốn của doanh nghiệp muốn cống hiến, đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Những thông điệp, triết lý kinh doanh của một số doanh nghiệp được thể hiện sinh động qua những sologan ấn tượng, tạo hiệu ứng tích cực đối với người tiêu dùng, như: VIETTEL: Hãy nói theo cách của bạn; Hòa Phát: Hòa hợp cùng phát triển; VNPT: Cuộc sống đích thực; Vinaconex: Xây những giá trị, dựng những ước mơ; Biti’s: Nâng niu bàn chân Việt; Vinaphone: Không ngừng vươn xa; Mobifone: Kết nối giá trị - khơi dậy tiềm năng; Vietinbank: Nâng giá trị cuộc sống; Vietcombank: Chung niềm tin, vững tương lai; Cà phê Trung Nguyên: Khơi nguồn sáng tạo; Vinamilk: Niềm tin Việt Nam; Vietnam Ariline: Sải cánh vươn cao; FPT: Tiếp nguồn sinh khí; BigC: Giá rẻ cho mọi nhà; Cienco5: Bền vững tương lai; VINGROUP: Nơi tinh hoa hội tụ cùng phát triển; TH true MILK: Thật sự thiên nhiên; Kids plaza: An toàn cho bé, giá rẻ cho mẹ; Agribank: Mang phồn thịnh đến khách hàng; Kinh đô: Trao thành ý, bền tâm giao; Chăn ga gối đệm Hanvico: Ấm áp như lòng mẹ,…

Nhằm tạo môi trường làm việc năng động, sáng tạo, hướng đến hiệu quả, hiệu suất làm việc và chất lượng sản phẩm, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng những cơ chế, chính sách thông thoáng để trọng dụng, thu hút, khuyến khích người tài; thành lập các không gian sáng tạo, khởi nghiệp, tạo môi trường làm việc khoa học, lành mạnh, minh bạch, công khai, liêm chính. Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến việc xây dựng, ban hành bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp, những chuẩn mực trong giao tiếp, quan hệ; xây dựng được những bộ trang phục với thiết kế đặc trưng, thể hiện niềm tự hào, sự gắn bó, đoàn kết, chia sẻ giữa các thành viên trong doanh nghiệp.

Một số doanh nghiệp đã xây dựng được các thiết chế văn hóa hiện đại, phù hợp với tính chất đặc thù lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phong phú, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, thư giãn, nâng cao thể lực và đời sống văn hóa tinh thần phong phú cho công nhân viên.

Bên cạnh việc chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong và ngoài nước, các doanh nghiệp còn tích cực tham gia các hoạt động công ích, đảm bảo an sinh xã hội, vì sự phát triển của cộng đồng. Nhiều chương trình thiện nguyện, xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, đồng hành cùng chính quyền vượt qua những khó khăn, thử thách, nhất là trong tình hình dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt… Những hành động, nghĩa cử cao đẹp, thiết thực của doanh nghiệp đã để lại những ấn tượng tốt, truyền đi những thông điệp nhân văn trong cộng đồng, xã hội.

Có thể nói, việc quan tâm xây dựng, định hình văn hóa doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, đặc biệt khi gặp khó khăn, thử thách, doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, đồng hành của Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự ủng hộ nhiệt tình của người lao động.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được thì việc phát triển doanh nghiệp cũng như xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng đứng trước những khó khăn, thách thức từ những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới với những bất ổn, xung đột về chính trị, chiến tranh thương mại, quân sự, tình hình thiên tai, dịch bệnh.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp thiếu triết lý kinh doanh, thiếu nền tảng văn hóa, người đứng đầu doanh nghiệp thiếu gương mẫu, sa vào chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm. Vì lợi nhuận và mục tiêu kinh tế, sẵn sàng dùng mọi chiêu trò, thủ đoạn để lách luật, chà đạp lên những giá trị văn hóa truyền thống, đi ngược lại chuẩn mực đạo đức và lợi ích cộng đồng; sa vào tham nhũng, tiêu cực, phạm pháp. Một số doanh nghiệp thiếu hiểu biết pháp luật, cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây ô nhiễm và hủy hoại môi trường, kinh doanh theo kiểu chụp giật, nhất thời, lách luật, trốn thuế; kinh doanh, sản xuất những mặt hàng kém chất lượng, gây tổn hại đến sức khỏe, tâm lý, cuộc sống của người tiêu dùng.

Thời gian qua, nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực, nhiều vụ đại án liên quan đến doanh nghiệp bị khởi tố, xét xử, điều tra với những hành vi phạm pháp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, gây hậu quả lớn cho nền kinh tế, làm chậm nhịp phát triển của đất nước, làm suy giảm niềm tin của nhân dân, gây bức xúc dư luận. Những vụ việc, hành động đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xây dựng, thực thi văn hóa doanh nghiệp.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Để phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục những bất cập, hạn chế, đảm bảo doanh nghiệp phát triển bền vững, việc xây dựng, giữ gìn và phát triển văn hóa doanh nghiệp có nghĩa quan trọng, cấp thiết. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp đòi hỏi quyết tâm chính trị của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị và cộng đồng xã hội, trong đó cần thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản như:

Một là, nâng cao nhận thức, quán triệt sâu rộng về vai trò văn hoá doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp và trong từng doanh nghiệp từ khi thành lập và trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hai là, xây dựng và phát triển văn hoá doanh nghiệp gắn với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Coi phát triển văn hoá doanh nghiệp là yêu cầu cơ bản và cấp thiết để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ba là, phát huy tích cực, đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từng doanh nhân và mỗi doanh nghiệp kiên quyết nói không với hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh, gây tổn hại cho xã hội.

Bốn là, lành mạnh môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và liêm chính trong kinh doanh; tuân thủ các chuẩn mực kinh doanh quốc tế; khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, lao động sáng tạo.

Năm là, nâng cao văn hoá tinh thần, tăng cường thể lực cho cán bộ nhân viên và người lao động thông qua xây dựng các thiết chế văn hoá và môi trường làm việc.

Xây dựng văn hoá doanh nghiệp với các nguyên tắc cơ bản, giá trị cốt lõi, gắn với tầm nhìn dài hạn và sứ mệnh tốt đẹp của doanh nghiệp trên nền tảng văn hoá là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Đảm bảo tốt mối quan hệ hài hoà, cân bằng các lợi ích giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, giữa lợi nhuận có  được với lợi ích của cộng đồng, giữa các mục tiêu ngắn hạn với các phương châm phát triển bền vững. Xây dựng và thực thi tốt văn hoá doanh nghiệp sẽ tạo những đột phá mới để xây dựng thành công Chính phủ kiến tạo, quốc gia khởi nghiệp và hiện thực hóa khát vọng xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. 

ThS. Lương Quỳnh Hoa, Viện Xã hội học và Phát triển, 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

-------------

Chú thích

(1), (2), (4), (5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,  Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 61, 60, 121, 144.

 (3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 2, tr. 30.

(6), (7), (8), (9), (10), (11), (12) Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2021,  Nxb Thống kê, Hà Nội, 2021, tr. 3, 20, 26-27, 35, 38, 45-46, 55.