Lệ Thủy đánh thức tiềm năng để phát triển du lịch

17:00 20/05/2024

Huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) là nơi hội tụ các điều kiện để phát triển Du lịch lịch sử văn hóa, du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng. Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy đã có cuộc trao đổi với Tạp chí DNHN về cơ hội để phát triển du lịch.

Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủ
Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy.

Lệ Thủy là vùng đất “Địa linh, nhân kiệt” nơi hội tụ đủ các thế mạnh về rừng núi, sông ngòi, đồng bằng và bờ biển. Nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa và các làn điệu hò khoan… Xin ông vui lòng chia sẻ thêm về những tiềm năng này?

Ông Đặng Đại Tình: Lệ Thủy là huyện phía Nam của tỉnh Quảng Bình, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Là địa phương hội đủ các yếu tố để phát triển du lịch các loại hình về lịch sử văn hóa, du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng. 

Lệ Thủy có bờ biển trải dài, cát trắng mịn với nhiều đồi cát và bãi tắm đẹp kéo dài từ xã Ngư Thuỷ Bắc đến xã Ngư Thủy. Phía Tây có Khu du lịch nghỉ dưỡng Suối nước nóng Bang với nhiệt độ sôi khoảng 105 độ C, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe nước Trong, Hồ An Mã, Khe nước lạnh và một số hang động đang được khám phá tại xã Ngân Thủy… là những điểm đến hấp dẫn đối với loại hình du lịch khám phá cảnh quan thiên nhiên, trãi nghiệm và du lịch mạo hiểm.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 21 di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó có 10 di tích lịch sử cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt, 11 di tích lịch sử xếp hạng cấp tỉnh; có 03 Di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VHTT&DL ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là: Hò khoan Lệ Thủy, Lễ hội Đua bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang và Lễ hội Mừng cơm mới của người Bru Vân kiều xã Ngân Thủy". Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn duy trì và bảo tồn 02 loại hình sinh hoạt văn hóa được ghi danh vào danh mục Văn hóa phi vật thể quốc gia và được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đó là: Lễ hội cầu ngư của ngư dân miền Biển tỉnh Quảng Bình và Nghệ thuật hô Bài chòi các tỉnh Trung bộ. Trên địa bàn, một số di tích lịch sử có nhiều giá trị về mặt lịch sử văn hóa, tâm linh thu hút nhiều du khách đến tham quan như: Di tích lịch sử cấp Quốc gia chùa Hoằng Phúc, Khu lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Chùa An Xá, Miếu Thần Hoàng... Đặc biệt, Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại xã Lộc Thủy là một điểm đến du lịch lịch sử hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. 

Hàng năm, huyện Lệ Thủy tổ chức hai Lễ hội lớn thu hút hàng ngàn du khách đến tham gia là Lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang (tổ chức vào dịp Lễ Quốc khánh 02/9) và Lễ hội DTLS chùa Hoằng Phúc (tổ chức vào Rằm tháng Giêng hàng năm) góp phần thúc đẩy du lịch huyện nhà phát triển. 

Động Châu - Khe Nước trong. Điểm du lịch cộng đồng.jpg
Động Châu - Khe Nước trong.
  1. Trước tiềm năng và lợi thế du lịch của huyện, Lãnh đạo huyện Lệ Thủy đã xây dựng nhiều dự án mời gọi đầu tư, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện như thế nào, thưa ông?

Ông Đặng Đại Tình: UBND huyện chúng tôi đã xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương theo định hướng của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, UBND huyện đã rà soát, đề xuất quy hoạch các khu, tuyến, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn huyện nhằm kêu gọi, thu hút đầu tư với danh mục các dự án: 

- Khu vực Bàu Sen, xã Sen Thủy với tổng diện tích khoảng 280ha đề xuất đầu tư hạng mục khách sạn, khu nghỉ dưỡng, bất động sản đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ 4-5 sao có tổng mức khoảng 50 tỷ đồng/ha.

- Bãi biển Tân Hòa, xã Ngư Thủy Bắc với tổng diện tích khoảng 50ha đề xuất đầu tư hạng mục khách sạn, khu nghỉ dưỡng, bất động sản đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ 4-5 sao có tổng mức khoảng 50 tỷ đồng/ha.

- Tuyến Kiến Giang - An Mã kết nối với Khu lăng mộ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh với chiều dài 26km đề xuất đầu tư hạng mục thuyền du lịch, bến thuyền và các dịch vụ hỗ trợ đường sông có tổng mức khoảng 25-100 tỷ đồng.

- Khu vực du lịch sinh thái Phá Hạc Hải (xã Hoa Thủy, Hồng Thủy) với tổng diện tích khoảng 180ha đề xuất đầu tư hạng mục thuyền du lịch, bến thuyền và các dịch vụ hỗ trợ có tổng mức khoảng 30 tỷ đồng/ha.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Lệ Thủy có các dự án du lịch - thương mại đang triển khai như: Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang, xã Kim Thủy (hoàn thành giai đoạn 1 đưa vào khai thác và đang tiếp tục hoàn thiện); dự án Nhà hàng, khách sạn và khu nghỉ dưỡng sinh thái Đàn Điểm xã Cam Thủy. Các dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư như: Dự án Điểm dịch vụ thương mại tại Km688+250 (P) tuyến đường tránh lũ Quảng Bình, xã Hồng Thủy; dự án Resrot xanh, xã Ngư Thủy Bắc.

Chùa Hoằng Phúc, điểm du lịch tâm linh không thể bỏ qua mỗi khi du khách đến với huyện Lệ Thủy.jpg
Chùa Hoằng Phúc, điểm du lịch tâm linh không thể bỏ qua mỗi khi du khách đến với huyện Lệ Thủy.

Thu hút đầu tư được coi là “cú hích” cho sự phát triển kinh tế - xã hội, về vấn đề này Lệ Thủy đã có những chính sách gì để thu hút đầu tư và những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ?

Ông Đặng Đại Tình: Với phương châm luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp, UBND huyện đã ban hành các cơ chế chính sách nhằm thực hiện tốt nội dung ưu đãi đầu tư theo Nghị quyết số 19/2017/NQ-HĐND ngày 18/7/2017 của HĐND tỉnh, Quyết định số 45/2017/QĐ-UBND ngày 07/11/2017 của UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Quy định thủ tục thực hiện một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Tiếp tục cùng với nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án trên địa bàn. 

UBND huyện đã tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, phổ biến rộng rãi chính sách của nhà nước về đầu tư; công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục đầu tư, cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp các quy hoạch, kế hoạch của huyện; thành lập Tổ tư vấn kêu gọi đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Thường xuyên phối hợp với các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác thẩm định dự án, giải phóng mặt bằng xây dựng công trình đảm bảo tiến độ.

Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến, liên kết du lịch và hỗ trợ du khách được xác định và một nhân tố quan trọng, góp phần vào sự phát triển của ngành du lịch địa phương. Qua đó, giới thiệu đến du khách những tiềm năng, thế mạnh cùng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, mở ra các cơ hội hợp tác đầu tư, khẳng định vị thế du lịch Lệ Thủy trong cả nước và khu vực. 

Tăng cường cung cấp thông tin du lịch trên mọi phương diện, nâng cao chất lượng công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý du lịch. Tăng cường quảng bá “Cẩm nang du lịch Lệ Thủy”; Xây dựng Pano quảng bá du lịch, phối hợp sản xuất các clip giới thiệu về vùng quê, điểm đến, lễ hội, giá trị văn hóa độc đáo của huyện Lệ Thủy. Thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa trong quảng bá, xúc tiến du lịch, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong việc xây dựng, thực hiện các hoạt động quảng bá du lịch tại huyện, liên kết với các Công ty lữ hành để quảng bá, kết nối các điểm du lịch.

Hạn chế của du lịch Lệ Thủy là lao động trong lĩnh vực du lịch còn thiếu chuyên môn nghiệp vụ. Để thu hút cũng như nâng cao chất lượng phục vụ cho khách du lịch nhiều hơn, huyện cần phải đào tạo nhân lực cho ngành Du lịch ở các cấp trình độ khác nhau, chuyên ngành khác nhau. Cần hết sức chú trọng việc đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp và những người dân làm du lịch. Cùng với đó là làm tốt công tác liên kết trong đào tạo, tập trung vào các lĩnh vực: Lễ tân, buồng, bàn, bar, kỹ thuật chế biến món ăn, thuyết minh viên, bán hàng, chụp ảnh, vận chuyển khách. Chú trọng đến việc đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, các loại hình du lịch mới, các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc biệt là các dự án xây dựng các tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng ở khu vực ven biển đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Trọng Lãnh (thực hiện)