Phải đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo đúng quy định

10:00 15/03/2023

Ký Hợp đồng lao động, có trừ tiền nhưng không đóng BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động, doanh nghiệp có thể bị khởi kiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là quyền lợi của người lao động khi ký hợp đồng lao động với người sử dụng lao động, trợ cấp thất nghiệp sẽ giúp người lao động giảm bớt khó khăn về tài chính khi chưa tìm kiếm được việc làm. Căn cứ Điều 43, Luật Việc làm 2013, việc tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp là trách nhiệm của cả người lao động và người sử dụng lao động theo tỷ lệ do pháp luật quy định.

Trường hợp đã ký Hợp đồng lao động, có trừ tiền nhưng không đóng BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động, doanh nghiệp có thể bị khởi kiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật như vụ án Tòa án nhân dân TP Bạc Liệu vừa xét xử dưới đây.

Ảnh minh họa

Cụ thể theo Bản án số: 08/2022/LĐ-ST ngày 31/8/2022 về việc tranh chấp về bảo hiểm xã hội, nguyên đơn là ông Nguyễn Văn N (trú tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) đã khởi kiện Công ty Cổ phần thức ăn Thủy sản T (trụ sở tại thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu).

Theo lời khai của nguyên đơn, ngày 29/8/2016, nguyên đơn và bị đơn có ký Hợp đồng lao động, theo nội dung thỏa thuận trong hợp đồng, mức lương tại thời điểm ký kết hợp đồng là 2.700.000 đồng/tháng. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thực hiện theo quy định nhà nước, hàng tháng công ty trích 10,5% từ lương tháng của người lao động, người sử dụng lao động đóng 22% trên mức tiền lương tháng của người lao động để đóng các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Ảnh minh họa

Đến tháng 01/2022, công ty và ông N thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động nhưng công ty không thực hiện việc chốt sổ bảo hiểm xã hội cho ông. Quá trình hòa giải tranh chấp lao động nguyên đơn biết được bị đơn không đóng bảo hiểm xã hội cho nguyên đơn từ tháng 08/2017 đến tháng 12/2021 đến khi thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.

Nay nguyên đơn yêu cầu bị đơn có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho nguyên đơn từ tháng 09/2020 đến hết tháng 12/2021 và xác nhận sổ bảo hiểm xã hội cho nguyên đơn.

Tòa án nhân dân TP Bạc Liêu nhận định: Giữa nguyên đơn và bị đơn có ký kết hợp đồng lao động, thỏa thuận mức đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đã chấm dứt hợp đồng lao động vào tháng 12/2021, tuy nhiên bị đơn không nộp bảo hiểm xã hội cho nguyên đơn từ tháng 09/2017 đến hết tháng 12/2021 là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động “Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội”. Việc bị đơn trừ lương của nguyên đơn hàng tháng nhưng không trích nộp tiền bảo hiểm xã hội cho nguyên đơn, không chốt sổ bảo hiểm xã hội là vi phạm quy định pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn nên nguyên đơn yêu cầu bị đơn có nghĩa vụ trích nộp bảo hiểm xã hội từ tháng 09/2017 đến 12/2021 vào Quỹ bảo hiểm xã hội là có cơ sở chấp nhận.

Ảnh minh họa
Công ty Cổ phần Thức ăn thủy sản T bị buộc phải có nghĩa vụ truy nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và tiền lãi chậm đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội của Bảo hiểm xã hội tỉnh Bạc Liêu.

Căn cứ Khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019 đã nêu rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau: Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động. Đồng thời, khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về việc người sử dụng lao động phải phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội trả sổ Bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

Công ty T đã trích tiền lương hàng tháng của người lao động để nộp bảo hiểm xã hội nhưng không thực hiện nghĩa vụ nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động từ tháng 09/2017 đến tháng 12/2021 là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Từ những căn cứ trên, Tòa án nhân dân TP Bạc Liêu quyết định: Buộc Công ty Cổ phần Thức ăn thủy sản T có nghĩa vụ truy nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và tiền lãi chậm đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội của Bảo hiểm xã hội tỉnh Bạc Liêu cho ông Nguyễn Văn N. Mức đóng và số tiền phải đóng được thực hiện theo quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Phán quyết của Tòa án nhân dân TP Bạc Liêu cho thấy, Công ty Cổ phần Thức ăn thủy sản T hay bất cứ doanh nghiệp nào cũng đều phải đóng BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động theo quy định của pháp luật.

Hương Linh