Ông chủ Ladoda - Đinh Quang Bào: Thành công là phải có đam mê và tâm huyết với nghề

08:30 10/04/2021

Ở độ tuổi nhiều người bắt đầu ham hưởng thụ và nghỉ ngơi thì trong doanh nhân Đinh Quang Bào, Chủ tịch HĐQT Công ty may Ladoda vẫn rực cháy ngọn lửa nhiệt huyết, khát khao cống hiến và nỗ lực học hỏi không ngừng. Có lẽ, vì ngọn lửa ấy mà Ladoda liên tục duy trì tăng trưởng và giữ vững được vị trí về ngành hàng đồ da trong lòng người tiêu dùng Việt Nam.

 

Doanh nhân Đinh Quang Bào, Chủ tịch HĐQT Công ty may Ladoda. Nguồn ảnh: Internet
Doanh nhân Đinh Quang Bào, Chủ tịch HĐQT Công ty may Ladoda. Nguồn ảnh: Internet.

Doanh nhân Đinh Quang Bào sinh ra và lớn lên tại Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội), mảnh đất giàu truyền thống với những bàn tay khéo léo của những người thợ làng nghề truyền thống làm đồ da và nghề quỳ. Mồ côi cả bố lẫn mẹ từ khi còn nhỏ, nhưng với nghị lực, vượt khó vươn lên, Đinh Quang Bào ngày ấy đã tự kiếm những đồng tiền đầu tiên và học nghề tại Tiệm may da Hồng Phát ở Hà Nội, rồi trở thành cán bộ trong ngành tiểu thủ công nghiệp Hà Nội.

"Năm 12 tuổi tôi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, cuộc sống hết sức khó khăn. Đó cũng là lúc tôi ra Hà Nội bắt đầu học nghề may da và kiếm những đồng tiền đầu tiên tại cửa hàng may da Hồng Phát. Nhưng tôi chỉ làm được vài năm sau thì ông chủ quyết định giải thể cơ sở”. ông Đinh Quang Bào chia sẻ.

Cuộc đời ông Bào vì thế rẽ sang một hướng khác. Sau khi được bà con ở phố Hàng Điếu bầu làm Trưởng ban đại biểu thanh niên, chàng trai trẻ Đinh Quang Bào đã xây dựng được tổ may quân nhu rồi tiến dần lên mô hình hợp tác xã. Đến năm 1963, ông chuyển vào làm Nhà nước, rồi trở thành cán bộ cốt cán trong ngành tiểu thủ công nghiệp Hà Nội. 

Gắn bó với cơ quan cho tới lúc nghỉ hưu nhưng trong ông luôn thôi thúc, mong muốn vực lại nghề may da cũng là nghề truyền thống của quê hương Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội), để tạo công ăn việc làm cho người dân quê mình. Đến năm 1992, có thêm sự động viên của bạn bè ông quyết định thành lập doanh nghiệp, thương hiệu Ladoda ra đời từ đó. 

Suốt chặng đường kinh doanh không ít khó khăn do những biến động của thị trường, những khó khăn về thị hiếu người tiêu dùng, nhiều rào cản trong quá trình hội nhập nhưng ông Bào vẫn chèo lái công ty và thương hiệu của mình vững vàng đến hôm nay. Điều ấy cũng có những bí kíp mà không phải ai cũng học được.

Ông Bào kể: “Tôi là người khởi nghiệp muộn – về hưu mới khởi nghiệp, với số vốn ít ỏi chỉ 40 triệu đồng. Số tiền đó, tôi dành mua 3 chiếc máy khâu, nơi làm việc là ngay tại nhà riêng ở 39 Phủ Doãn, Hà Nội (hiện tại ngôi nhà này là Đại lý chính hãng của Ladoda). Nhân sự cũng chỉ có 5-6 người. Nhưng với lòng đam mê và nhiệt huyết, chúng tôi đã gây dựng phát triển thương hiệu từ đó. Chúng tôi đã tập trung sản xuất, thuê mướn thêm công nhân. Đặc biệt là tôi phải mở các khóa đào tạo nghề cho công nhân, khóa đầu tiên được khoảng 50 người. Nhà xưởng cùng dần được mở mang từ nhà cấp 4 rồi xây lên 2 đến 3 tầng. Công việc thuận lợi, các đơn hàng ngày càng nhiều hơn, số lượng công nhân được tuyển dụng lên đến gần 400 người. Lúc đó, xin đất ở Hà Nội để mở rộng nhà xưởng sản xuất rất khó nên tôi đã sang Hưng Yên xin được 3ha và xây dựng nhà máy từ năm 2003”. 

Ông Đinh Quang Bào kiểm tra chất lượng sản phẩm. Nguồn ảnh: Internet
Ông Đinh Quang Bào kiểm tra chất lượng sản phẩm. Nguồn ảnh: Internet.
Chậm mà chắc đối với nhiều người, ở tuổi nghỉ hưu là an dưỡng tuổi già, nhưng với ông Bào đây lại là bước đầu khởi nghiệp làm kinh tế. Trong 24 năm qua, ông đã tuyển dụng và đào tạo được trên 50 khóa công nhân cho công ty, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người dân ở xã Kiêu Kỵ và các khu vực xung quanh. Đến nay thương hiệu làm đồ da (Ladoda) đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới và tạo được công ăn việc làm cho nhiều công nhân. Có thể nói rằng, ông đã đóng góp công sức không nhỏ trong việc phục hồi nghề truyền thống của quê hương, nhiều gia đình ở xã Kiêu Kỵ đã mở công ty sản xuất hàng da. Ông đã được nhân dân tín nhiệm bầu vào HĐND huyện 3 khóa liên tiếp.

Tâm huyết với thương hiệu và chất lượng sản phẩm, ông Bào luôn xác định phương châm “chậm mà chắc”, lấy chữ tín làm đầu nên các sản phẩm của Ladoda luôn bền, đẹp. Ngay từ những ngày đầu, từ lúc công ty chỉ có 6,7 người, ông Bào luôn xác định chất lượng là sự sống còn của doanh nghiệp. Với phương châm đó, đến nay, thương hiệu Ladoda không chỉ được người tiêu dùng trong nước yêu mến mà đã từng bước chinh phục cả thị trường quốc tế. Sản phẩm của công ty được sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 từ năm 2001 và 20 năm liên tục được người tiêu dùng bình chọn là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”... Trong nhiều năm qua, sản phẩm của công ty cũng vinh dự được phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc, Quốc hội, các hội nghị, hội thảo quốc tế như ASEM5, AIPO, AIPA và hội nghị ASEAN 17. 

Chia sẻ bí quyết khởi nghiệp thành công, ông Bào nói: “Bất cứ làm nghề gì, điều đầu tiên cần phải có là sự đam mê và tâm huyết với nghề. Trong quá trình khởi nghiệp sẽ không tránh khỏi sự thất bại nhưng thất bại cũng phải rút ra bài học. Nếu rút ra được bài học và có quyết tâm làm lại thì vẫn thành công”.e

Tôi có 5 người con, thì có 4 người rất đam mê nghề da. Phương châm của tôi là: “Làm kinh tế luôn luôn phải lấy chữ tín. Trong cuộc sống thì phải luôn quan tâm, giúp đỡ mọi người, ai gặp khó khăn mà mình có thể giúp đỡ được thì phải cố gắng giúp đỡ”.

Hiện nay, tôi đã vượt qua độ tuổi xưa nay hiếm. Nếu còn sống ngày nào có thể cống hiến được, tôi sẽ cống hiến hết mình cho đất nước, nhất là góp sức đưa ngành da của Thủ đô Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung tiếp tục phát triển. Tất cả những kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm về nghề tôi sẽ truyền lại cho các anh em trong công ty để duy trì và phát triển ngành da”.

TH