Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao trong 8 tháng đầu năm

23:05 05/09/2022

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu, từ nay đến cuối năm, các địa phương tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; đồng thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm... bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường.

Trong 8 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, như: cà phê trên 2,8 tỉ USD; cao su trên 2 tỉ USD; gạo trên 2,3 tỉ USD; tôm gần 3 tỉ USD, gỗ và sản phẩm gỗ trên 11 tỉ USD; cá tra trên 1,7 tỉ USD; hồ tiêu khoảng 712 triệu USD; sắn và sản phẩm sắn 941 triệu USD; mây, tre, cói thảm 592 triệu USD; phân bón các loại 780 triệu USD; thức ăn gia súc 770 triệu USD.

Về thị trường xuất khẩu, các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 43,1% thị phần; châu Mỹ 28,9%; châu Âu 11,8%... Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành khi đạt gần 9,6 tỉ USD; đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 6,5 tỉ USD; thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 2,7 tỉ USD; thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với kim ngạch đạt trên 1,7 tỉ USD.

Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao trong 8 tháng đầu năm
Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao trong 8 tháng đầu năm.

Theo ông Phùng Đức Tiến, trong bối cảnh phức tạp và đầy ắp khó khăn nhưng ngành đã vượt khó, đạt được nhiều kết quả tích cực, khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông - lâm thủy sản ước đạt khoảng 66,2 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu ước khoảng 36,3 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước khoảng 29,9 tỉ USD, tăng 3,9%; xuất siêu trên 6,3 tỉ USD, tăng 94,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhận định, thời gian tới, tại thị trường trong nước, mặt hàng rau củ quả có nguồn cung dồi dào, tương đối ổn định. Giá các loại trái cây dự báo tăng nhẹ do nhu cầu tiêu dùng tăng phục vụ dịp lễ Rằm Trung thu. Tuy nhiên, chi phí vật tư đầu vào phục vụ sản xuất còn ở mức cao dẫn đến tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng mặt bằng giá nhóm hàng thực phẩm có tỷ trọng tiêu dùng lớn (gạo, thịt lợn, rau củ, trái cây...). Từ tháng 9 bước vào mùa mưa bão nên dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, ảnh hưởng sản xuất nông, lâm, thủy sản...

Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp năm 2022 đạt 2,8-3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 55 tỷ USD, tại buổi họp báo thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu, từ nay đến cuối năm, các địa phương tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; đồng thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm... bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường. Cùng với đó, ngành tích cực triển khai chủ động có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương; chuẩn bị tốt hồ sơ kỹ thuật, tích cực đàm phán để mở cửa thị trường cho nông sản xuất khẩu chính ngạch tại các thị trường lớn và tiềm năng; giải quyết vấn đề rào cản kỹ thuật phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu...

P.V