'Người khổng lồ" trong lĩnh vực vận tải biển - tỷ phú Hi Lạp John Angelicoussis

16:56 12/05/2023

Tỷ phú Hy Lạp John Angelicoussis - chủ sở hữu của Angelicoussis Shipping Group (ASG), một trong những đội tàu tư nhân lớn nhất thế giới và là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong ngành vận tải biển hiện đại.

Tỷ phú vận tải biển người Hy Lạp John Angelicoussis. Ảnh: Angelicoussis Shipping Group (ASG)
Tỷ phú vận tải biển người Hy Lạp John Angelicoussis. Ảnh: Angelicoussis Shipping Group (ASG).

Tỷ phú vận tải biển người Hy Lạp John Angelicoussis. Ảnh: Angelicoussis Shipping Group (ASG)

Chủ tịch Phòng Vận chuyển Quốc tế Esben Poulson đã nói về ông như sau: “Angelicoussis chắc chắn là một người khổng lồ, không chỉ của ngành vận tải biển Hy Lạp mà còn của ngành công nghiệp vận tải toàn cầu. Thật khó để không phóng đại những thành tựu của ông.”

Kyriakos Mitsotakis, thủ tướng Hy Lạp đã ca ngợi: "John Angelicoussis đã tôn vinh truyền thống hàng hải và quê hương của chúng ta trên mọi phương diện. Ông đã chinh phục các đại dương bằng cách giương cao lá cờ Hy Lạp và đưa cơ sở kinh doanh của mình về quê hương."

John Angelicoussis được công nhận rộng rãi là một trong những người Hy Lạp thành công nhất trong cùng thế hệ, ông đã mở rộng đáng kể đội tàu được thừa hưởng từ cha mình để trở thành hãng vận chuyển đa dạng từ tàu chở hàng khô đến tàu chở khí đốt và tàu chở dầu.

Với đội tàu ASG hơn 130 chiếc treo cờ Hy Lạp, riêng ông đã chiếm gần 1/3 tổng số tàu viễn dương đăng ký tại quê nhà. Tổng số tàu trong hạm đội Angelicoussis gồm 140 tàu và 10 tàu đóng mới, cho đến nay là hạm đội lớn nhất do Hy Lạp kiểm soát với tổng trọng tải lên tới 28 triệu tấn, nhiều hơn 10 triệu tấn so với nhóm công ty đứng thứ hai do gia đình George Procopiou sở hữu, theo số liệu của các ngân hàng dữ liệu vận chuyển.

Hãng ASG hiện nay đang sử dụng khoảng 300 nhân viên bờ biển và hơn 3.700 thủy thủ đoàn.

Ngành vận tải biển Hi Lạp

Hy Lạp là một quốc gia có truyền thống hàng hải, vận tải biển được cho là yếu tố chính trong hoạt động kinh tế của Hy Lạp từ thời cổ đại. Ngày nay, vận tải biển là ngành công nghiệp quan trọng nhất của đất nước trị giá 21,9 tỷ đô la vào năm 2018. Nếu cộng thêm các doanh nghiệp liên quan, con số này là 23,7 tỷ đô la, sử dụng khoảng 392.000 người - tương đương 14% lực lượng lao động cả nước và doanh thu từ vận tải chiếm khoảng 1/3 nhập siêu của cả Hy Lạp.

Con thuyền chuyên chở rượu nho của người Hy Lạp cổ đại năm 530 TCN. Ảnh: Alamy Stock Photo
Con thuyền chuyên chở rượu nho của người Hy Lạp cổ đại năm 530 TCN. Ảnh: Alamy Stock Photo.

Từ thời cổ đại, do địa hình nhiều núi non, diện tích canh tác hạn chế và bờ biển kéo dài đã khiến người Hy Lạp phát triển vận tải hàng hóa bằng đường biển. Vị trí địa lý của khu vực nằm trên giao lộ của các tuyến đường biển cổ đại ở phía đông Địa Trung Hải, với số lượng lớn các hòn đảo và sự gần gũi với các nền văn minh tiên tiến khác đã giúp hình thành bản chất hàng hải của quốc gia trong giai đoạn đầu. Ở Hy Lạp, thương mại quốc tế đã tồn tại từ thời Minoan và Mycenean trong Thời kỳ đồ đồng. Sự hiện diện của hàng hóa như đồ gốm, vàng, các đồ vật bằng đồng cách xa khu vực xuất xứ của chúng là minh chứng cho mạng lưới vận chuyển và thương mại bằng đường biển rộng khắp này đã tồn tại giữa đất liền Hy Lạp và các đảo. Người Hy Lạp nhanh chóng thống trị thương mại hàng hải trong khu vực, dần dần mở rộng nó dọc theo bờ biển Địa Trung Hải đến Ai Cập, Phoenicia, Tiểu Á, Biển Đen và thành lập các thuộc địa. Sức mạnh của hải quân Hy Lạp cổ đại chủ yếu được thể hiện trong các trận hải chiến trong các cuộc chiến tranh Ba Tư và chiến tranh Peloponnesian. Trong những thế kỷ tiếp theo, một phần lớn thương mại đường biển của Đế chế La Mã được thực hiện bởi người Hy Lạp, trong khi họ tiếp tục tham gia và đóng vai trò chính trong việc vận chuyển vào thời đại của Đế chế Byzantine.

Vào thời của Đế chế Ottoman, sự tham gia của người Hy Lạp vào thương mại hàng hải quốc tế cũng rất nổi bật. Người ta có thể tìm thấy các con tàu của Hy Lạp, đặc biệt là ở các cảng phía đông Địa Trung Hải. Họ đã mở rộng các hoạt động vận chuyển và buôn bán sang Tây Âu vào thế kỷ 16, tận dụng lợi thế từ nhu cầu ngũ cốc ngày càng tăng nhanh. Những hạn chế do người Ottoman áp đặt để điều chỉnh việc buôn bán ngũ cốc không ngăn được người Hy Lạp thực hiện các hoạt động buôn bán bất hợp pháp. Sau đó các thương nhân hàng hải Hy Lạp đã tăng cường ảnh hưởng của họ khi cung cấp cho người Balkan nguyên vật liệu, phân phối hàng hóa và kiểm soát thương mại đường biển trong khu vực cũng như đảm nhận vai trò đại lý tàu biển.

Trong thế kỷ 18, việc củng cố quyền lực chính trị và kinh tế dưới bàn tay của người Phanariotes ở Constantinople đã giúp mở rộng hơn nữa hoạt động hàng hải của Hy Lạp sang phần còn lại của châu Âu. Sau thế kỷ 19, các gia đình như nhà Rallis đã thành lập các công ty vận tải ở Marseille và London. Họ đã xây dựng một mạng lưới vận chuyển trên tất cả các cảng lớn ở Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ. 

Đi cùng với các hạm đội Hy Lạp là các cộng đồng công nhân, đại lý thương mại, phiên dịch viên địa phương. Tthời điểm trước khi có điện báo, mạng lưới này đã giúp cảnh báo trước cho các chủ hàng Hy Lạp về các sự kiện và cho phép họ kiểm soát tin tức và giá cả trước các đối thủ cạnh tranh.

Cảng Piraeus Hy lạp năm 1837. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hy Lạp
Cảng Piraeus Hy lạp năm 1837. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hy Lạp.

Cách mạng Nga và sự sụp đổ của Đế chế Ottoman đã khiến các nhà buôn ngũ cốc của Hy Lạp mất khả năng tiếp cận với các thị trường và nhà cung cấp truyền thống. Tuy nhiên, thay vì đóng cửa, họ đã nắm bắt cơ hội đầu tư vào các đội tàu buôn gồm các tàu hơi nước chuyên vận chuyển hành khách.

Trong chiến tranh thế giới thứ hai, các công ty vận tải biển Hy Lạp hoạt động trong các khu vực của Đồng minh, đặt đội tàu của họ dưới sự kiểm soát của Anh Quốc. Họ phải đương đầu với hiểm họa bị đánh chìm bởi ngư lôi từ tàu ngầm U-Boat của Đức Quốc Xã khi hoạt động trên biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Nỗ lực của các đội tàu vân tải Đồng minh, trong đó có đội tàu Hy Lạp đã góp phần giúp nước Anh đứng vững trước sự cô lập của hạm đội tàu ngầm Đức khét tiếng trong suốt cuộc chiến, bất chấp cái giá phải trả là vô số sinh mạng thủy thủ gửi vào lòng đại dương.

Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, các hạm đội tàu buôn Hy Lạp đã có thể tái lập dưới lá cờ quốc gia. Trong giai đoạn 2010-2011, xét về chủng loại tàu, các công ty Hy Lạp chiếm 32,5% số tàu chở dầu và 23,8% số tàu chở hàng rời của thế giới. Thu nhập từ vận tải lên tới 35,4 tỷ euro trong năm 2014. Trong khi từ năm 2000 đến 2010, vận tải của Hy Lạp đã đóng góp tổng cộng 280 tỷ euro (tức là gần bằng nợ công quốc gia năm 2014 và gấp 4,5 lần của Liên minh Châu Âu trong giai đoạn 2000-2013). Một báo cáo của Hiệp hội Chủ tàu Cộng đồng Châu Âu năm 2013-2014 cho thấy cờ Hy Lạp được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới để vận chuyển, trong khi nó đứng đầu ở EU.

Cảng Piraeus, cảng biển lớn nhất của Hy Lạp ngày nay. Ảnh: dw.com
Cảng Piraeus, cảng biển lớn nhất của Hy Lạp ngày nay. Ảnh: dw.com.

Năm 2018, Hy Lạp kiểm soát đội thương thuyền lớn nhất thế giới xét về trọng tải, với tổng tải trọng là 835 triệu tấn và đội tàu gồm 5.626 chiếc, theo Lloyd's List . Hy Lạp cũng được xếp hàng đầu đối với tất cả các loại tàu, kể cả đối với tàu chở dầu và tàu chở hàng rời. Nhiều công ty vận tải biển của Hy Lạp có trụ sở chính đặt tại Athens hoặc London và New York, được điều hành bởi các gia đình Hy Lạp có truyền thống vận tải biển. Đó là những gia đình nổi tiếng vì sự giàu có và ảnh hưởng lớn của họ trong ngành hàng hải quốc tế. Một trong số đó là nhà Angelicoussis, sở hữu tập đoàn Angelicoussis Shipping Group danh tiếng.

Truyền thống gia đình gắn liền với biển cả

Mẹ của John Angelicoussis là Maria Papalios và cha là Anthony Angelicoussis, cả hai đều đến từ làng Kardamyla ở Chios. Tuy nhiên, từ xa xưa gia đình Angelicoussis có nguồn gốc từ Kardamyli ở Mani, cho đến giữa thế kỷ 18 đã di dời đến phía bắc Chios vì ở đó có vị trí thuận lợi hơn cho các hoạt động vận tải từ Biển Đen đến Địa Trung Hải.

Vào nửa sau của thế kỷ 19, gia đình Angelicoussis bắt đầu tập trung vào kinh doanh hàng hải, đầu tiên là với tàu đánh cá và sau đó vào năm 1891 với tàu chở hàng đầu tiên - chiếc Taxiarchis, được đóng ở đảo Syros.

Gia đình Angelicoussis năm 1907. Ảnh: tradewindsnews.com
Gia đình Angelicoussis năm 1907. Ảnh: tradewindsnews.com.

Khi cha của John Angelicoussis là Anthony học xong trung học, ông trở thành nhân viên vô tuyến điện. Sau Thế chiến thứ hai, Maria đã thuyết phục Anthony thành lập công ty kinh doanh vận tải của riêng mình. Cùng với hai người bạn thân vào năm 1950, ông đã mua được chiếc tàu chở hàng đầu tiên là Astypalea, trọng tải 500 tấn, giúp ông trở thành một trong những chủ sở hữu Hy Lạp có tư duy tiến bộ nhất trong những thập kỷ sau đó.

Anthony tiếp tục mở rộng kinh doanh trong suốt những năm 1950 và vào năm 1960, chiếc tàu kiểu Liberty đầu tiên đã được ông mua lại. Công ty bắt đầu đặt hàng đóng tàu mới từ Nhà máy đóng tàu IHI ở Nhật Bản. Đến năm 1985, tổng cộng đã có 42 tàu chở hàng khô đã được giao và tất cả các tàu đều được treo cờ Hy Lạp.

Buổi đầu cuộc đời và sự nghiệp

John Angelicoussis sinh ra ở Piraeus vào năm 1948. Ông học trường công lập Ionidios ở Piraeus, tốt nghiệp Đại học Kinh tế và Kinh doanh Athens, sau đó hoàn thành chương trình MBA tại Học viện MIT ở Hoa Kỳ.

John Angelicoussis bắt đầu sự nghiệp vận chuyển của mình vào năm 1973 khi gia nhập công ty vận tải của gia đình. “Năm sau luôn tốt hơn năm trước,” sau này ông đã nói về thời gian đầu làm việc với cha mình. Được thừa hưởng một thương hiệu mạnh trong lĩnh vực vận chuyển hàng rời khô, ông trở thành Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Angelicoussis Shipping Group (ASG) vào năm 1989, sau khi người cha Anthony qua đời. Mặc dù đã sống ở nước ngoài trong một thời gian dài nhưng Hy Lạp vẫn luôn ở trong trái tim ông. Angelicoussis tin tưởng vào con người, đạo đức làm việc, lòng trung thành và tinh thần Hy Lạp.

Rất thông minh, với sự nhạy bén trong kinh doanh, vào năm 1992, ông đã thành lập Kristen Navigation để thiết lập sự hiện diện của tập đoàn trong lĩnh vực tàu chở dầu. Năm sau, ông tiến hành đặt hàng đóng tàu vận tải hàng rời đầu tiên. Năm con tàu của Hyundai Heavy Industries vào thời điểm đó đều là những con tàu lớn nhất thuộc loại này và thuộc sở hữu của một chủ tàu Hy Lạp duy nhất.

Năm 2000, ông quyết định mở rộng sang lĩnh vực tàu chở dầu, với các tàu chở dầu thô rất lớn có trọng tải trên 150.000 tấn (VLCC). Vào tháng 9 năm 2003, ông đặt hàng đóng tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên của mình - Maran Gas Asclepius, và trở thành một trong những chủ tàu Hy Lạp đầu tiên tham gia lĩnh vực này. Ông đã thành lập Maran Gas Maritime và ngày nay nó là một trong những công ty vận tải LNG lớn nhất trên thị trường. Năm 2004, ông tiến hành thành lập một liên doanh LNG với Công ty Vận tải Khí đốt Qatar, dưới tên Maran Nakilat. Năm 2019, một Liên doanh LNG thứ hai tiếp tục được thành lập.

Maran là sự kết hợp của tên Maria và Anthony, được đặt theo tên của cha và mẹ ông. Sau đó, thương hiệu này cũng được áp dụng cho các đội tàu chở dầu và hàng rời khô, hiện do Maran Tankers Management và Maran Dry Management quản lý. Khi ông qua đời vào năm 2021, Tập đoàn ASG sở hữu 151 con tàu trong ba lĩnh vực hoạt động của mình là tàu chở hàng rời cỡ lớn, tàu chở dầu lớn và tàu chở LNG cỡ lớn. Tập đoàn ASG được coi là đế chế vận chuyển tư nhân thuần túy lớn nhất trên toàn thế giới.

Là một con người nhạy cảm, Angelicoussis nhìn người rất tốt và thực sự thích tương tác với họ, đặc biệt là thế hệ trẻ. “Điều làm nên công ty này chính là con người của nó” - đó là câu thần chú của ông. Ông luôn cởi mở để được người khác hướng dẫn, hỗ trợ và giúp đỡ khi cần thiết.

Ngoài công việc kinh doanh, ông có lòng yêu nước sâu sắc và quan tâm đến đất nước và nhân dân Hi Lạp. Năm 2010 ông quyết định thành lập Quỹ từ thiện Antonios và Ioannis Angelicoussis, nhằm giúp đỡ những người khó khăn trong xã hội Hy Lạp. Kể từ khi thành lập, Quỹ đã hỗ trợ đáng kể cho các trẻ em, bệnh viện và trường học ở Hy Lạp.

Đóng góp của ông cho sức mạnh ngày nay của ngành vận tải biển Hy Lạp được công nhận rộng rãi, đặc biệt là nhờ sự xuất sắc về kỹ thuật và tiêu chuẩn dịch vụ cao của tập đoàn đối với khách hàng thuê tàu, lòng trung thành lâu dài với lá cờ Hy Lạp và sự hỗ trợ mạnh mẽ đối với giáo dục hàng hải ở Hy Lạp.

Vận chuyển khí đốt - di sản lớn nhất

Nhận được sự tin tưởng hoàn toàn của các chủ ngân hàng, ông không cần người ngoài tài trợ cho việc mở rộng mang tính bước ngoặt sang lĩnh vực vận chuyển khí đốt, được đánh giá là di sản lớn nhất của ông. Cùng với chị gái của mình là Anna, Angelicoussis đã mở rộng đế chế vận tải hàng khô của cha mình thành hãng vận tải dầu khí và khí đốt hóa lỏng.

Khi Qatar bắt đầu tìm kiếm thế hệ tàu vận tải khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn từ năm 2000, Angelicoussis đã quyết định tham gia và trở thành người Hy Lạp đầu tiên tham gia kinh doanh vận tải LNG trên biển. Abdullah Al-Sulaiti, giám đốc điều hành của hãng Nakilat niêm yết tại Qatar cho biết: “Ông ấy là người có công trong việc định hình thị trường vận chuyển LNG như ngày nay.”

Tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Angelicoussis Group. Ảnh: Nakilat
Tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Angelicoussis Group. Ảnh: Nakilat.

Cảm nhận được xu hướng của các hãng vận chuyển khí đốt là đặc điểm nổi bật của Angelicoussis. Anastasios Papagiannopoulos, cựu giám đốc Bimco, người biết Angelicoussis từ những năm 1970, cho biết: “John có thể nhìn thấy xu hướng của ngành vận tải và đó là điều mà rất ít người có thể làm được.”

Chìa khóa cho chiến lược thành công

Vận tải bằng phương pháp công nghiệp với kho hàng lớn, tiên tiến được xây dựng tại các cảng biển hàng đầu là chìa khóa cho chiến lược kinh doanh của Angelicoussi.

John Angelicoussis không thường nói nhưng khi đã nói, lời của ông là đá tảng. “Tôi thích những con tàu lớn,” ông từng nói trong một lần hiếm hoi xuất hiện trước công chúng - kích thước của các con tàu càng lớn thì càng có ít đối thủ cạnh tranh để phá hỏng thị trường. Cụ thể, Angelicoussi đã yêu cầu các công ty đóng tàu của Hàn Quốc đóng cả một hạm đội, trong đó chỉ riêng với Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering đã đóng hơn 110 tàu.

“Ông ấy có lòng dũng cảm của riêng mình. Khi đã quyết định, ông sẽ làm theo và tiến rất nhanh,” một công nhân đóng tàu Hàn Quốc biết ông trong nhiều năm cho biết. Đổi lại, Angelicoussis sẽ nhận được từ các công ty đóng tàu Hàn Quốc cũng như khách hàng vận tải biển những giao dịch tốt nhất.

Táo bạo có tính toán

Những bước đi táo bạo của ông không bao giờ bị coi là liều lĩnh. “Angelicoussis không đánh bạc nhiều trên thị trường giao ngay,” một chủ tàu cho biết. “Ông chủ yếu nhận các hợp đồng dài hạn, đặc biệt là trong vận tải LNG. Vì vậy ông không bao giờ bị đốt cháy bởi các thị trường giao ngay đầy biến động.”

Hợp đồng dài hạn với những gã khổng lồ năng lượng, chẳng hạn như Chevron và ExxonMobil, đã mang lại nguồn doanh thu an toàn cùng khả năng tiếp cận thông tin, đã thúc đẩy công việc tham gia vận tải LNG.

Người kế tục xuất sắc

Năm 2008, con gái của ông là Maria Angelicoussis, sau khi từ bỏ sự nghiệp y khoa ở Anh, đã gia nhập và tham gia vào tất cả các khía cạnh quản lý chính của tập đoàn. Trong thời gian cha nhập viện, cô Angelicoussis đã giữ quyền giám đốc điều hành của ASG. Sau khi John Angelicoussis qua đời ngày 10/4/2021 ở tuổi 72 vì bệnh tim, cô chính thức đảm nhận vai trò này.

Sau một cuộc cải tổ lớn, đội ngũ quản lý cấp cao hiện tại của ASG do chính cô lựa chọn đã hoạt động rất hiệu quả, bất chấp sự ra đi của các giám đốc điều hành cấp cao trước đó. Kết quả là, lần đầu tiên trong một lĩnh vực lâu nay do những người đàn ông thống trị, chủ tàu giàu nhất Hy Lạp là một phụ nữ - Maria Angelicoussis, người có giá trị tài sản ròng khoảng 5,6 tỷ đô la, tính đến thời điểm hiện tại theo Tạp chí Forbes. Cần biết rằng phụ nữ chỉ chiếm khoảng một phần ba lực lượng lao động tại các công ty sở hữu tàu và chỉ chiếm 2% trong số các thuyền viên đi biển.

Hai cha con John và Maria Angelicoussis. Ảnh: tradewindsnews.com
Hai cha con John và Maria Angelicoussis. Ảnh: tradewindsnews.com.

Maria Angelicoussis trở thành người giàu thứ hai ở Hy Lạp sau một người phụ nữ khác, Vicky Safra, được thừa kế tài sản 7,3 tỷ đô la từ người chồng quá cố, chủ ngân hàng người Brazil là Joseph Safra.

Cống hiến cả cuộc đời cho ngành vận tải biển

Thành công của John Angelicoussis đã khiến các đối thủ phải tôn trọng và ngưỡng mộ. “Angelicoussis là một người khổng lồ mà cộng đồng vận tải biển chỉ có thể tôn trọng và khao khát có được thành công như ông” một đối thủ cạnh tranh cho biết.

John Hadjipateras, chủ tịch của Dorian LPG đã ca ngợi: “Tôi biết rằng tôi có thể tin tưởng vào lời nói của ông ấy, một tay súng thẳng thắn.”

George Procopiou, một chủ tàu lớn khác của Hy Lạp thuộc thế hệ của John Angelicoussis, nói: “Ông ấy rất tôn trọng các quy tắc của trò chơi và là một người bạn đáng tin cậy.”

Tất cả đồng nghiệp và đối thủ đều ca ngợi sự cống hiến và thời gian làm việc bền bỉ của John Angelicoussis. Cả cuộc đời ông chỉ có một số ít bạn thân và vì quá bận rộn với công việc nên ông hiếm khi tiếp xúc với công chúng. Colm Nolan, giám đốc của Angelicoussis ở London trong hơn 20 năm đã tổng kết về ông như sau: “John đã cống hiến hết mình cho công việc vận tải. Đó là cuộc sống của ông, là một trong những người đầu tiên đến văn phòng mỗi sáng và là một trong những người cuối cùng ra về mỗi tối”.

Anh Dũng