Nâng cao, phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong giai đoạn 2023 – 2030

11:43 06/07/2023

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế quốc tế, ngày 5/7/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP về vấn đề “nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 – 2030”.

Để thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách lớn tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong bối cảnh nước ta đang triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giao đoạn năm 2021 - 2025 cũng như chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2030. Nội dung quan trọng như: Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; tạo điều kiện để tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học công nghệ; khắc phục những khó khăn do đại dịch COVID-19 để lại tạo điều kiện phục hồi nhanh chóng các lĩnh vực kinh tế - xã hội; chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, thu hút nguồn lực từ bên ngoài cho phát triển kinh tế, gắn kết lợi ích với các đối tác và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, bảo đảm an ninh quốc gia.

Ảnh minh họa
Nâng cao hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Chuyển hóa các lợi ích hội nhập kinh tế quốc tế thành kết quả tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ: Trong thơi gian qua vấn đề chuyển hóa các lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế đã được chứng minh qua những thành quả trong việc tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ra khu vực cũng như quốc tế. Không ngừng nâng cao, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh để thúc đẩy phát triển các khu vực kinh tế trong nước, xác lập vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững.

Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động tiêu cực từ bên ngoài, tăng cường khả năng ứng phó và xử lý linh hoạt hiệu quả trước các diễn biến trên thế giới có thể xảy ra đe dọa ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động xuất nhập khẩu, giao dịch thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế của các ngành kinh tế; hoàn thiện hệ thống phòng vệ thương mại để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Đồng thời, tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam. Đặc biệt phải nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, vị trí của pháp luật quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Chủ động, tích cực tham gia xây dựng quy tắc pháp lý quốc tế; tận dụng tối đa pháp luật quốc tế trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong quan hệ kinh tế quốc tế.

Nâng cao hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững: Đẩy mạnh hợp tác đào tạo tạo điều kiện để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển các lĩnh vực kinh tế trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế. Chủ động, tích cực tham gia hội nhập kinh tế số nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số của Việt Nam theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế: trong đó chú trọng vào khai thác hiệu quả các FTA nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường. Tích cực đàm phán các hiệp định thương mại song phương và đa phương cũng như tham gia vào các mô hình, khuôn khổ hợp tác và liên kết mới về kinh tế.

Ảnh minh họa
Đẩy mạnh hợp tác đào tạo tạo điều kiện để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính: Nghị quyết đề ra vấn đề triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính các thủ tục liên quan đến đầu tư, xuất nhập khẩu, thuế,... và cắt giảm các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, các thủ tục không cần thiết để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tra cứu và thực thi. Xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy xây dựng khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát của các lĩnh vực kinh tế - xã hội áp dụng các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới thúc đẩy kinh tế số, sáng tạo, khởi nghiệp…

Cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo tính bình đẳng, minh bạch: Nghị quyết đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo tính bình đẳng, minh bạch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh mang đến sự ổn định tạo tiền đề dự đoán của chính sách. Với mục đích đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ thực tế để giải quyết triệt để được những vấn đề còn vướng mắc đối với môi trường kinh doanh. Khắc phục tình trạng thiếu kết nối, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan đối với từng lĩnh vực phụ trách.

Vũ Tiến