Thủ tướng yêu cầu trình giảm phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước trong tháng 5

16:40 23/04/2024

Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng trong tháng 5 về gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 12 về các giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội. Ông cho biết kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm tiếp tục phục hồi nhưng còn khó khăn. Năm nay, Quốc hội và Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 6-6,5%, lạc quan hơn dự báo của một số tổ chức quốc tế. Để đạt chỉ tiêu về tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng trong tháng 5 về gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước.

Việc này giúp kích cầu để người dân, doanh nghiệp tăng mua sắm xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Qua đó, các nhà sản xuất, phân phối tiêu thụ được lượng ô tô tồn kho kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Đồng thời, các nhà sản xuất có cơ hội tăng sản xuất, lắp ráp xe mới đưa vào thị trường, đáp ứng nhu cầu nội địa, hướng tới xuất khẩu sang khu vực ASEAN.

Theo đó, các hãng xe nắm giữ thị phần lớn và có nhà máy tại Việt Nam sắp được hưởng lợi có thể kể đến Toyota, Hyundai, Kia, Mazda, VinFast, Honda… 

Trước đó, chính sách giảm 50% lệ phí đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước theo Nghị định 41/2023/NĐ-CP chính thức hết hiệu lực cuối năm 2023.

Từ đầu năm 2024 đến nay, doanh số trên thị trường xe có xu hướng giảm. Nhiều mẫu mã ô tô trên thị trường tiếp tục được nhà sản xuất, phân phối "đại hạ giá" với mức giảm từ vài chục đến cả trăm triệu đồng để tạo sức hút.

Tại chỉ thị, Bộ Tài chính cũng được yêu cầu mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là đối với các dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới…

"Thúc đẩy và kiểm soát phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả các thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong năm nay", lãnh đạo Chính phủ yêu cầu.

Bộ Công Thương chủ động có các biện pháp theo thẩm quyền và quy định để đảm bảo cung ứng đủ điện, xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Tuyệt đối không để thiếu điện, thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

Khẩn trương trình Chính phủ nghị định mới thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu trong tháng 5. Đồng thời, triển khai quyết liệt, hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII bảo đảm vững chắc cung ứng đủ điện cho quốc gia và các vùng, miền theo dự báo nhu cầu hàng năm.

"Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo giảm mặt bằng lãi suất cho vay; chủ động có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế hiệu quả, khả thi, kịp thời. Thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội", Thủ tướng yêu cầu.

Bên cạnh đó, Thủ tướng giao các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; quan tâm hỗ trợ kịp thời người có công, đối tượng chính sách; tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả Phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát", hoàn thành mục tiêu đề ra trên cả nước trong năm 2025.

Về các vấn đề tồn đọng, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương hoàn thành việc định giá các ngân hàng bắt buộc và phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém, trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Phương Anh (T/h)