Mùa Vu lan trong bối cảnh đại dịch COVID-19

17:50 22/08/2021

GHPGVN cũng cho rằng, sẽ không có ảnh hưởng gì trong phương thức bày tỏ lòng thành kính, bởi lẽ “Phật tại tâm”. Cái chính ở lòng thành, con cháu trong những ngày này nhớ về ông bà tổ tiên, nhớ về truyền thống gia đình, nhớ về những lễ nghĩa tốt đẹp của cha ông để noi theo và thực hiện cho tốt. Gìn giữ được những giá trị đó mới là điều quan trọng.

Trong mùa Vu lan năm nay, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN đề nghị tăng ni, phật tử các chùa, cơ sở tự viện tiếp tục thực hiện cấm túc, ai ở đâu ở đấy, tụng kinh Vu lan báo hiếu mẹ cha và hồi hướng tới Cửu huyền thất tổ, Anh hùng liệt sĩ, cầu nguyện dịch bệnh sớm tiêu trừ, quốc thái dân an. Không tập trung đông người tổ chức nghi lễ bông hồng cài áo và các nghi lễ khác trong ngày Vu lan. Các chùa, cơ sở tự viện phát huy sáng tạo các hình thức sinh hoạt trực tuyến online trong mùa Vu lan năm nay nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của đồng bào phật tử và nhân dân. Đồng thời, góp phần đem lại năng lượng tích cực cứu độ người dân vượt qua tâm lý khủng hoảng trong thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội. 

Nguồn ảnh: chùa Ba Vàng
Nguồn ảnh: chùa Ba Vàng.

GHPGVN yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện có đông tăng, ni đang cấm túc sinh hoạt chúng và an cư kết hạ trong nội viện nếu tổ chức Vu lan cần thông báo tới chính quyền địa phương. Trong quá trình tổ chức Vu lan phải thực hiện nghiêm quy định 5K và các quy định phòng, chống dịch COVID-19 theo yêu cầu của Bộ Y tế, thường xuyên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách đảm bảo giãn cách theo quy định.

“Tăng ni, phật tử bằng hành động thiết thực nhất, ý nghĩa nhất trong mùa Vu lan năm nay hãy tiếp tục phát tâm ủng hộ, đóng góp nguồn lực cho các Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 và Quỹ Vắc xin COVID-19 để chung tay cùng các cấp chính quyền đảm bảo mọi người đều được tiêm vắcxin miễn phí và bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân. Giáo hội kêu gọi các Đạo tràng phật tử hãy phát tâm tổ chức nấu những suất cơm giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, những đối tượng yếu thế trong xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong mùa Vu lan”, GHPGVN kêu gọi.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ, trong các nghi lễ liên quan đến đạo hiếu của người Việt, Vu lan là dịp lễ rất quan trọng. Ai cũng mong muốn sắm sửa đồ lễ để thể hiện tấm lòng của mình đối với công ơn tổ tiên. “Gìn giữ những giá trị tốt đẹp của lễ Vu lan cũng là cách chúng ta tôn vinh những giá trị tốt đẹp của dân tộc...”, PGS,TS. Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh. 

Trong những ngày tháng 7 âm lịch này, nghĩ tới công lao của cha mẹ là điều quan trọng nhất. Ảnh minh họa
Trong những ngày tháng 7 âm lịch này, nghĩ tới công lao của cha mẹ là điều quan trọng nhất. Ảnh minh họa.

Mùa Vu lan năm 2021 tiếp tục diễn ra trong một bối cảnh khắc nghiệt bởi đại dịch COVID-19. Yêu cầu không tập trung đông người tổ chức nghi lễ bông hồng cài áo và các nghi lễ khác trong ngày Vu lan, đồng thời kêu gọi các chùa phát huy các hình thức sáng tạo sinh hoạt trực tuyến trong mùa Vu Lan của GHPGVN nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch chắc chắn sẽ được thực hiện nghiêm túc. Nhưng bên cạnh đó, nhiều phật tử, nhân dân tiếp tục lo lắng rằng trực tuyến sẽ làm bớt đi sự trọn vẹn về đạo hiếu. Phật tử Ngô Thị Oanh (Gia Lâm, Hà Nội) trăn trở: “Trước đây, mỗi mùa Vu lan, gia đình chúng tôi đều đến chùa tham gia nghi lễ tâm linh bông hồng cài áo, qua đó cũng cảm thấy an tâm hơn trong việc thể hiện tấm lòng hiếu kính đối với mẹ cha. Nhưng bây giờ, dịch bệnh đảo lộn cuộc sống, nghi lễ truyền thống tại các chùa trong mùa Vu lan cũng phải tổ chức trực tuyến, điều đó ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của người dân”.

GHPGVN cho rằng, các phật tử, nhân dân không cần lo tổ chức trực tuyến sẽ làm bớt đi sự trọn vẹn về đạo hiếu. Quan trọng nhất là ta có thực tâm thành kính hay không. Việc Giáo hội khuyến khích các khóa lễ Vu lan, lễ hội Bông hồng cài áo tổ chức dưới hình thức trực tuyến chính là để chúng ta có được một mùa Vu Lan trọn vẹn trong bối cảnh chống dịch. Người dân có thể đăng ký cầu siêu trực tuyến để các chư Tôn đức làm lễ. Như vậy vẫn đảm bảo được nhu cầu tâm linh, đảm bảo sự thành kính và bày tỏ lòng tri ân. GHPGVN cũng cho rằng, cần có những cách tuyên truyền, vận động nhân dân, Phật tử có cách nhìn nhận đúng đắn. Bởi Phật ở trong tâm. Không phải sắm sửa lễ nghi thật lớn mới là lòng thành. 

Nguồn ảnh: Chùa Ba Vàng
Nguồn ảnh: Chùa Ba Vàng.

Theo các chức sắc của GHPGVN, Vu lan để nhớ công dưỡng dục sinh thành, được thể hiện bằng hành động thiết thực. Người còn cha mẹ hãy yêu thương chăm sóc. Ai mà cha mẹ quá vãng thì dành thời gian tưởng niệm và hành động thiết thực như đăng ký cầu siêu cho cha mẹ trực tuyến hay ủng hộ quỹ phòng chống dịch, cưu mang người khó khăn yếu thế. Đó là cách hồi hướng công đức cho ông bà tổ tiên. Bên cạnh đó, trong bối cảnh Chính phủ đang tập trung vào mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, xu hướng thuyết pháp trực tuyến, thực hành bày tỏ nghi lễ trực tuyến cũng là xu hướng văn minh trong tương lai.

GHPGVN cũng cho rằng, sẽ không có ảnh hưởng gì trong phương thức bày tỏ lòng thành kính, bởi lẽ “Phật tại tâm”. Cái chính ở lòng thành, con cháu trong những ngày này nhớ về ông bà tổ tiên, nhớ về truyền thống gia đình, nhớ về những lễ nghĩa tốt đẹp của cha ông để noi theo và thực hiện cho tốt. Gìn giữ được những giá trị đó mới là điều quan trọng.

Từ một góc độ khác, PGS,TS. Bùi Hoài Sơn nhìn nhận, việc tiến hành các nghi lễ trực tuyến không chỉ được tiến hành ở Việt Nam và với đạo Phật. Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng tiến hành nhiều buổi thánh lễ trực tuyến. Trên thế giới, lễ Phục sinh cũng được tiến hành trực tuyến ở nhiều nước. Ở một số nước Hồi giáo, người dân tham dự các bài giảng tôn giáo thông qua các ứng dụng trực tuyến như Zoom, YouTube hay Facebook. Bên cạnh đó, trong đời sống tâm linh, nhu cầu của xã hội thực quyết định nhu cầu của thế giới tâm linh.

“Trong bối cảnh đại dịch, những sinh hoạt thường ngày như học tập trực tuyến, mua sắm trực tuyến thì tất yếu dẫn đến việc cúng lễ Vu lan trực tuyến. “Phật tại tâm”, trải nghiệm cá nhân là thước đo quan trọng nhất. Khi chúng ta cảm nhận rằng, những hình thức báo hiếu của chúng ta thực sự khiến chúng ta hài lòng, thì đó là lúc tâm chúng ta an, lòng chúng ta thanh thản. Không có một cách thức cúng lễ nào chung, đúng cho tất cả mọi người. Ở đây, không có mâu thuẫn nào trong cách thức ứng xử với tổ tiên. Chỉ có cách chúng ta hài lòng về hành động báo hiếu của mình là thước đo quan trọng…”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh. 

Chị Thúy An (Đắk Lắk) chia sẻ điều ước cho mùa Vu Lan năm nay: "Mẹ hay nói chẳng cần quà cáp của chúng con, vì trong lòng mẹ chỉ cần được nhìn thấy các con khôn lớn trưởng thành và nhớ đến cha mẹ là đã hạnh phúc rồi. Mùa Vu Lan năm nay, khi đợt sóng dịch COVID-19 lần thứ tư vẫn đang diễn biến phức tạp, có lẽ sẽ chẳng có những buổi dâng hoa, lên chùa cầu an, hay có thể phóng xe chạy về bên mẹ như mọi năm. Sẽ chỉ là những cuộc gọi video hỏi thăm tình hình sức khỏe của mẹ, những món quà nhỏ từ phương xa gửi về. Nhưng trong tâm trí của con và bao người con đất Việt vẫn luôn hướng về đấng sinh thành với những tình cảm chân thành nhất.

Vu Lan đặc biệt này ngoài việc cầu mong cho cha mẹ luôn bình an, khỏe mạnh, thì mong ước đại dịch COVID-19 sớm qua để đường về nhà của những người con xa quê, xa mẹ được gần hơn...".

Châu Như