Luật Hỗ trợ DNNVV lại chờ nghị định!

00:00 12/10/2020

Cộng đồng doanh nghiệp NVV Việt Nam với lực lượng đông đảo, chiếm tới 97% các DN, rất kỳ vọng vào việc Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp NVV được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Điều này đã tạo ra làn gió mới khuyến khích phát triển doanh nghiệp NVV, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Song, thực tế hiện Luật  vẫn đang “chờ nghị định”, bởi lẽ, đến nay các nghị định hướng dẫn và qui định chi tiết thi hành Luật vẫn chưa được ban hành.  Các DNNVV hiện nay đang thực sự là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Việt Nam và các quốc gia khác ngày càng nhận thấy rõ vai trò quan trọng của DNNVV trong phát triển kinh tế xã hội. Nhiều hàng hoá và dịch vụ của các DNNVV và những doanh nghiệp khởi nghiệp đã đem lại những giá trị gia tăng rất lớn, hiệu quả cao, làm thay đổi nhiều quan niệm và sản phẩm truyền thống hiện nay, tạo điều kiện cho cuộc sống văn minh, thuận lợi hơn. Với những bước tiến mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số, sự biến đổi không ngừng của nền kinh tế thế giới, những cơ hội và điều kiện phát triển mới cho DNNVV đang đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp NVV; đòi hỏi các cơ quan này phải theo kịp xu thế của thời đại kỹ thuật số, tạo ra môi trường thuận lợi và áp dụng các phương pháp hỗ trợ hợp lý để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển các doanh nghiệp NVV. Tại Việt Nam, doanh nghiệp NVV hiện nay với số lượng chiếm tới trên 97%, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Doanh nghiệp NVV đóng góp khoảng 40%GDP, 33% giá trị sản xuất công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu và thu hút trên khoảng 50% lực lượng lao động. Và cộng đồng doanh nghiệp NVV ngày càng trở nên quan trọng khi số lượng sẽ tăng lên 1 triệu vào năm 2020 theo mục tiêu Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp NVV hiện nay còn ở mức khiêm tốn (chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp NVV Việt Nam liên kết được với chuỗi giá trị toàn cầu). Có hai vấn đề cốt lõi ở đây: Một là, Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực đẩy mạnh cải cách song môi trường kinh doanh vẫn còn không ít rào cản sự phát triển sản xuất kinh doanh. Hai là, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp NVV Việt Nam yếu, kinh nghiệm hội nhập chưa nhiều, khả năng đáp ứng yêu cầu về công nghiệp, chuẩn mực quản trị để cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn, công ty đa quốc gia còn thấp. Với mong muốn thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp (startup) sáng tạo đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp NVV, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp NVV (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) xác định các startup nếu đáp ứng được một số điều kiện nhất định sẽ được Nhà nước hỗ trợ về ứng dụng, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về xây dựng, phát triển sản phẩm; hỗ trợ thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. Trong từng thời kỳ, các startup có thể nhận được hỗ trợ cấp bù lãi suất từ Chính phủ đối với các khoản vay. Bên cạnh Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp NVV, các startup hoạt động trong lĩnh vực công nghệ có thể nhận được các ưu đãi theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ 2017 (cũng có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, như ưu đãi thuế, hỗ trợ liên quan đến việc phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 với sự ra đời của các công nghệ mới như: internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), rô bốt cao cấp, công nghệ nano, công nghệ in 3D,… đang làm thay đổi cách nghĩ, cách làm ra của cải vật chất và thay đổi cuộc sống của người dân trên thế giới. Trong xu thế đó, các doanh nghiệp NVV với trình độ công nghệ, năng lực tài chính, quản trị còn hạn chế sẽ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nhưng chính họ cũng là nhóm đối tượng năng động và dễ thích nghi nhất. Vì vậy, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của khối doanh nghiệp này mở rộng quy mô, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội.
Tại cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Hiệp hội Doanh nghiệp NVV Việt Nam, Thủ tướng đã nhắc nhở cộng đồng doanh nghiệp NVV: “Cho dù những cái bắt tay giữa doanh nghiệp NVV Việt Nam và Tập đoàn đa quốc gia có thể ví như cuộc chơi của người bé nhỏ với gã khổng lồ nhưng đó chính là con đường ngắn nhất, tốt nhất để doanh nghiệp chúng ta lớn nhanh và ghi tên mình vào chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng và phân phối toàn cầu”.
Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp NVV gồm 35 điều, trong đó có những chương với những qui định cụ thể về hỗ trợ, bao gồm nội dung hỗ trợ doanh nghiệp NVV (Chương II – 13 điều), trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hỗ trợ doanh nghiệp NVV (ChươngIII – 12 điều). Chương II có 5 qui định về nội dung hỗ trợ, bao gồm “Hỗ trợ doanh nghiệp NVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh” (Điều 16); “Hỗ trợ doanh nghiệp NVV khởi nghiệp sáng tạo” (Điều 17); “Đầu tư cho doanh nghiệp NVV khởi nghiệp sáng tạo”  (Điều 18); “Hỗ trợ doanh nghiệp NVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị” (Điều 19”; “Quỹ phát triển doanh nghiệp NVV” (Điều 20). Những nội dung nêu trên của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp NVV khi được thực hiện cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, góp phần  nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp NVV, tạo điều kiện cho họ tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu; thuận lợi hóa môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp NVV, siêu nhỏ.  
Ông Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực (Hiệp hội DNNVV Việt Nam: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp NVV năm 2017 có nhiều điều khoản phải chờ Chính Phủ hướng dẫn thì mới thực hiện được. Ví dụ về những nội dung hỗ trợ về thông tin, hỗ trợ về pháp lý, hỗ trợ về tín dụng thông qua các quỹ, hỗ trợ chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hỗ trợ tham gia cụm liên kết, chuỗi liên kết… Dự kiến sẽ có 4 dự thảo Nghị định gồm: Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp NVV; Nghị định về đầu tư đổi mới, sáng tạo cho doanh nghiệp NVV; Nghị định về quỹ phát triển doanh nghiệp NVV; Nghị định về bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp NVV. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành đã hoàn thiện các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp NVV trình Chính phủ, chắc chắn sẽ sớm được các thành viên Chính phủ thông qua. Bên cạnh những nội dung hỗ trợ cơ bản cho tất cả các doanh nghiệp NVV, Luật này còn được xây xựng trên tinh thần hỗ trợ cho những tổ chức “ trung gian”, có nghĩa là hỗ trợ cho những đối tượng đi làm công tác hỗ trợ để họ có năng lực tốt hơn đảm đương được vai trò trách nhiệm hỗ trợ DNNVV. Ví dụ, thông qua các quỹ, thông qua các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng, khu làm việc chung, thông qua các tổ chức hiệp hội ngành nghề, các tổ chức tư vấn.  Nhà nước sẽ có các chính sách ưu đãi về thuế, miễn, giảm tiền thuê đất, cải cách thủ tục hành chính, để khuyến khích các tổ chức “ trung gian” này được thành lập và hoạt động nhằm mục tiêu hỗ trợ tốt hơn cho các DNNVV. Tôi nghĩ, với tinh thần đó tất cả các doanh nghiệp NVV Việt Nam nếu có nhu cầu hỗ trợ và đáp ứng đủ các điều kiện thì sẽ được hỗ trợ.
 
Ông Đường Trọng Khang, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc: Sau một thời gian dự thảo: “Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp NVV” qua rất nhiều hội thảo, lấy ý kiến từ cấp Trung ương tới địa phương, đại biểu quốc hội cũng đã thảo luận kỹ nhiều lần, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp NVV đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Cộng đồng doanh nghiệp cả nước rất vui mừng và kỳ vọng nhiều vào tính hiệu quả của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp NVV. Muốn kinh tế phát triển, đất nước giàu mạnh, cần có nhiều cơ chế, chính sách hợp lý, tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, tạo cơ hội cho doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho xã hội. Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp đang trông chờ vào các nghị định, thông tư hướng dẫn để những nội dung của Luật sớm đi vào cuộc sống. Ông Nguyễn Cao Sơn, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hòa Bình: Cộng đồng doanh nghiệp NVV Việt Nam với lực lượng đông đảo, chiếm tới 97% các DN, rất kỳ vọng vào Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Điều này đã tạo ra làn gió mới khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Song, thực tế hiện Luật  vẫn đang “chờ nghị định”, nên các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp như  mặt bằng sản xuất, vay vốn,  giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; đào tạo nghề, khởi nghiệp và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị… chưa được thực thi. Từ thực tế hoạt động tại Hòa Bình, tôi thấy việc vận đông các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp còn gặp khó khăn vì chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết thực thi quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp NVV về việc hỗ trợ doanh nghiệp NVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh bởi họ cần biết khi chuyển đổi sẽ được hưởng lợi gì từ chính sách. Việc sớm ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực thi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp NVV sẽ giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp phát triển.