LEGO: Từ xưởng mộc nhỏ từng phá sản đến doanh nghiệp được ví như "Apple của đế chế đồ chơi"

15:28 27/03/2024

Với cuộc hành trình đã kéo dài suốt 92 năm, LEGO từng trải qua nhiều biến động từ điểm khởi đầu là một xưởng mộc nhỏ tại Đan Mạch cho đến khi trở thành một trong những nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất trên toàn cầu.

Ảnh minh họa
LEGO hiện là công ty đồ chơi lớn nhất thế giới với giá trị thị trường hơn 9 tỷ USD.

Hành trình đầy khó khăn

Năm 1932, ông Ole Kirk Kristiansen đã tự mình mở một xưởng sản xuất đồ gỗ nhỏ ở Billund, Đan Mạch. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thậm chí trắng tay và phải đóng cửa xưởng sau một vụ hỏa hoạn, Ole vẫn không từ bỏ đam mê và quyết định làm lại từ đầu, chuyển sang chế tạo đồ chơi bằng gỗ. Với sự sáng tạo cùng tính kiên trì, ông đã thành công với món đồ chơi đầu tiên là một con vịt gỗ.

Công việc kinh doanh đồ chơi gỗ của Ole phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, sự thay đổi lớn chỉ xảy ra khi Ole mua một chiếc máy ép nhựa, đây cũng là chiếc máy ép nhựa đầu tiên ở Đan Mạch. Vào năm 1949, nhà máy LEGO nhỏ của ông bắt đầu sản xuất 200 đồ chơi khác nhau bằng nhựa và gỗ, bao gồm cả các mảnh nhựa có cạnh, tiền thân của loại đồ chơi xếp hình LEGO hiện nay.

Với nhận thức rằng đồ chơi LEGO cần một yếu tố thách thức và sáng tạo hơn, cha con nhà Ole quyết định thay đổi chiến lược kinh doanh. Thay vì sản xuất những mảnh đồ chơi có sẵn mẫu mã, LEGO tạo ra những mảnh nhựa có khả năng ghép vào nhau, tạo ra nhiều hình thù khác nhau, giúp khuyến khích sự sáng tạo của trẻ nhỏ. Chính phát minh này đã đưa LEGO sang một trang mới, mở ra cơ hội định vị thương hiệu ở nhiều quốc gia khác.

Ảnh minh họa

Thành công vượt ngoài tưởng tượng

Trải qua hành trình đầy khó khăn, thách thức, đã có lúc LEGO lâm vào cảnh liên tục báo lỗ, thiếu vốn trầm trọng, khiến hãng phải cắt giảm 1.000 nhân viên và giảm bớt một nửa lượng sản xuất LEGO. Tuy nhiên, bằng cách đổi mới cách hoạt động kinh doanh và cơ cấu tổ chức, LEGO dần đưa doanh số bán hàng tăng lên, trung bình đạt mức 24% mỗi năm và lợi nhuận tăng 41% trong ba năm tiếp đó.
Vào nửa đầu năm 2015, The Lego Group đã trở thành thương hiệu đồ chơi lớn nhất thế giới về doanh thu, với doanh thu đạt 2.1 tỷ USD. Từ 2008 đến 2010, lợi nhuận của LEGO tăng gấp bốn lần, vượt qua cả Apple. Họ đã được gọi là "Apple của đồ chơi" do khả năng tạo ra lợi nhuận đáng kinh ngạc. Vào năm 2021, khi nhiều công ty lao đao do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh thu của LEGO vẫn tăng 27%. Hiệp hội các nhà bán lẻ đồ chơi của Anh đã bình chọn LEGO là đồ chơi của thế kỷ.
Hiện nay, LEGO có khoảng 25.000 nhân viên đang làm việc trên toàn thế giới và là một trong những nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất trên thế giới. Sản phẩm của họ phân phối tại hơn 130 quốc gia, với mỗi giây bán ra khoảng bảy bộ đồ chơi xếp hình, tương đương với 600.000 bộ được bán mỗi ngày.
H.C (t/h)