Lào Cai xây dựng Nhà máy sản xuất và chế biến quế hữu cơ với tổng vốn đầu tư hơn 411 tỷ đồng

16:42 10/12/2022

Nhà máy sản xuất và chế biến quế hữu cơ Bảo Thắng được xây dựng tại xã Phong Niên, do Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) làm chủ đầu tư.

Thu hoạch cây quế.
Thu hoạch cây quế..

Sáng 10/12, UBND huyện Bảo Thắng, Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) tổ chức Lễ khởi công Nhà máy sản xuất và chế biến quế hữu cơ Bảo Thắng.

Nhà máy được xây dựng tại địa điểm thuận tiện giao thông (Quốc lộ 70 và cao tốc Nội Bài - Lào Cai), ở vùng trọng điểm sản xuất quế của tỉnh Lào Cai, bao gồm các huyện Bảo Thắng, Bắc Hà, Bảo Yên.

Tổng diện tích xây dựng nhà máy gần 10ha, có công suất thu mua và chế biến 10.000 tấn quế tươi/năm và chiết xuất tinh dầu quế đạt 50.000 lít/năm, tổng vốn đầu tư là 411.5 tỷ đồng. Dây chuyền có công suất chế biến từ 10.000 - 15.000 tấn quế tươi/năm, chiết xuất 50.000 lít tinh dầu quế/năm. Sản phẩm, dịch vụ cung cấp gồm: vỏ quế bào dạng ống sáo, ống điếu. Các sản phẩm quế nguyên vỏ, quế vụn mảnh, quế bột, tinh dầu quế… đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế.

Tại Lễ khởi công, ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai yêu cầu các cơ quan chức năng và địa phương tạo thuận lợi tốt nhất cho chủ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến quế hữu cơ tại huyện Bảo Thắng, liên kết chặt chẽ với các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình cá nhân để triển khai các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, cho đến chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm quế; bảo đảm vừa phát triển các vùng nguyên liệu ổn định cho các nhà máy, vừa góp phần nâng cao đời sống thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần phát triển ngành công nghiệp chế biến quế của tỉnh. 

Lãnh đạo tỉnh Lào Cai thăm cơ sở quế giống tại huyện Bảo Yên.
Lãnh đạo tỉnh Lào Cai thăm cơ sở quế giống tại huyện Bảo Yên..

Theo bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế, hồi Việt Nam, Nhà máy chế biến quế hữu cơ Bảo Thắng đi vào hoạt động sẽ làm tăng thêm khoảng 10% giá trị thu nhập tăng thêm cho hàng nghìn hộ nông dân tham gia chuỗi sản xuất quế hữu cơ cung ứng nguyên liệu cho nhà máy.

Dự kiến khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tạo việc làm và có thu nhập ổn định cho hơn 150 lao động và hàng trăm lao động thời vụ; đồng thời, thu hút hàng trăm gia đình, cơ sở sản xuất tư nhân tham gia trồng quế, sơ chế, cung cấp nguyên liệu quế thô cho nhà máy.

Công ty cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế, hồi Việt Nam phấn đấu đưa từng phần của nhà máy đi vào hoạt động từ quý II/2024. Từ nay đến năm 2025, công ty sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và hộ trồng quế xây dựng vùng nguyên liệu quế đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế từ 3.000 - 5.000 ha. 

Từng là loại cây phủ xanh đất trống đồi trọc, quế dần trở thành một trong những cây trồng chủ lực trong cơ cấu trồng rừng của tỉnh Lào Cai. Loài cây "đẻ" ra tiền từ lá đến vỏ này đã tạo ra nhiều tỷ phú nông dân ở mảnh đất vùng biên, với doanh thu sản phẩm hơn 600 tỷ đồng/năm.

Hiện nay, cây quế đã và đang phát triển mạnh, được trồng tại 100/152 xã, phường, thị trấn của tỉnh Là Cai, với trên 53.000ha. Sản phẩm quế hữu cơ ở huyện Bắc Hà, Lào Cai được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, một số nước Trung Đông và các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ, Canada, Hàn Quốc…

Giai đoạn 2021 -2025, tỉnh Lào Cai duy trì hoạt động của các cơ sở chế biến hiện có; tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở chiết xuất tinh dầu quế; 1 nhà máy chế biến sâu tinh dầu quế với công suất trên 500 tấn tinh dầu/năm; 2 nhà máy chế biến sâu vỏ quế, công suất trên 10.000 tấn. Giai đoạn 2026-2030, nâng công suất chế biến của các cơ sở chế biến quế trên địa bàn tỉnh.

D.A (Tổng hợp)