Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét 39 nội dung

16:04 15/05/2024

Sáng 15/5, Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại Kỳ họp thứ 7,Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó, có 24 nội dung thuộc công tác lập pháp; 15 nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 26 ngày; khai mạc vào ngày 20/5/2024 và dự kiến bế mạc vào chiều ngày 27/6/2024. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội, tiến hành theo 2 đợt: đợt 1 từ ngày 20.5 đến ngày 8/6 (17 ngày); đợt 2 từ ngày 17/6 đến ngày 27/6 (9 ngày) và dự phòng ngày 28/6.

Ảnh minh họa
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Hồ Long.

Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, trong đó có Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi)...

Đồng thời, Quốc hội cho ý kiến 11 dự án luật, gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân...

Bên cạnh đó, Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, căn cứ đề nghị của các cơ quan và tình hình thực tế, Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến điều chỉnh một số nội dung trong chương trình Kỳ họp. Cụ thể, bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len do đến nay đã có hồ sơ tài liệu gửi các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 33. 

Bên cạnh đó, không bố trí trong Chương trình nội dung trình Quốc hội xem xét quyết định một số dự án sử dụng dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 do đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 112/2024/QH15 của Quốc hội. Đồng thời, điều chỉnh thứ tự, thời điểm, thời gian xem xét, việc bố trí thảo luận tổ, hội trường đối với một số nội dung cho phù hợp, tránh dồn quá nhiều nội dung vào một buổi

Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần, phòng, chống dịch bệnh… Đến nay, đã cơ bản hoàn tất để sẵn sàng phục vụ kỳ họp.

T.H