Khai thác tiềm năng kinh tế, du lịch từ các lễ hội âm nhạc

08:35 14/02/2024

Một hoạt động văn hóa cộng đồng được đặc biệt yêu thích, đem lại hiệu quả kinh tế, du lịch lớn là các lễ hội âm nhạc. Nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng được các thương hiệu lễ hội âm nhạc nổi tiếng, mỗi năm thu hút hàng triệu người hâm mộ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Năm 2023 là một năm bùng nổ của nền công nghiệp âm nhạc của thế giới, với nhiều lễ hội âm nhạc đạt doanh thu kỷ lục. Tại Việt Nam, một số địa phương cũng đã nhìn thấy lợi ích to lớn của lễ hội âm nhạc trong kích cầu du lịch và phát triển kinh tế. Một số lễ hội âm nhạc được đầu tư, tổ chức và bắt đầu thu hút sự quan tâm của công chúng.

Âm nhạc thúc đẩy kinh tế, du lịch

Lễ hội âm nhạc còn có các tên gọi khác như đại nhạc hội, liên hoan âm nhạc (festival music), thường được tổ chức trong những không gian rộng lớn, có mái che hoặc ngoài trời, thu hút một lượng khán giả đông đảo. Lễ hội âm nhạc có thể được tổ chức thường niên vào một thời điểm nhất định, có thể tổ chức không định kỳ, hoặc có thể chỉ tổ chức một lần duy nhất, nhưng luôn luôn lớn về quy mô, quy tụ nhiều ngôi sao nổi tiếng. Ở các nước có ngành công nghiệp âm nhạc phát triển, các lễ hội âm nhạc dường như đã trở thành một phần của đời sống sinh hoạt cộng đồng trong công chúng ở địa phương nơi diễn ra lễ hội. Doanh thu khổng lồ từ lễ hội âm nhạc đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế, tạo ra công ăn việc làm ngắn hạn và dài hạn cho người dân địa phương. Rất nhiều lễ hội âm nhạc danh tiếng đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với các “tín đồ” của âm nhạc. Ở Mỹ, mỗi năm có hàng chục lễ hội âm nhạc mang về nguồn doanh thu cực lớn. Chẳng hạn, lễ hội âm nhạc Coachella được tổ chức hàng năm vào tháng Tư tại Thung lũng Coachella bang California. Coachella thu hút hơn 250.000 người tham dự mỗi năm, luôn quy tụ những ngôi sao hàng đầu được yêu thích. Coachella có sân khấu ngoài trời, có khu cắm trại rộng lớn, khu ẩm thực và nhiều hoạt động giao lưu khác. Một lễ hội âm nhạc khác, Lollapalooza, khởi đầu được tổ chức ở Chicago sau đó lan rộng ra nhiều thành phố ở nhiều quốc gia, châu lục như Sao Paulo, Berlin và Stockholm. Lollapalooza là sân chơi của các nghệ sĩ rock và pop đương đại nổi tiếng. Tại Wisconsin, Rock Fest là lễ hội cắm trại và nhạc rock được tổ chức trong không gian rộng lớn 360 mẫu đất và thường xuyên có 50 ban nhạc biểu diễn, thu hút hàng nghìn khán giả từ khắp nơi trên thế giới. Tại Bỉ, khán giả từ lâu đã quá quen thuộc lễ hội âm nhạc với sân khấu hoành tráng, ánh sáng và hiệu ứng hình ảnh cực kỳ ấn tượng mang tên Tomorrowland. Đây là điểm đến của những DJ hàng đầu thế giới, thu hút 400.000 người mỗi năm. Tomorrowland là một tổ hợp hiện đại, bên cạnh khu biểu diễn còn có các dịch vụ spa, ẩm thực, cửa hàng và nhiều hoạt động vui chơi giải trí. Tại Hungary, Sziget Festival là một trong những lễ hội âm nhạc lớn nhất châu Âu, thu hút gần 500.000 lượt người mỗi năm. Sziget thu hút hơn 1.000 nghệ sĩ quốc tế mỗi năm, ngoài lĩnh vực âm nhạc còn có nghệ sĩ của các lĩnh vực khác như xiếc, sân khấu kịch, nghệ thuật đường phố….

Ở châu Á, lễ hội âm nhạc lớn nhất phải kể tên Fuji Rock Festival được tổ chức thường niên tại Nhật Bản. Fuji Rock Festival thu hút khoảng 135.000 khán giả mỗi năm. Không chỉ đắm chìm trong âm nhạc, du khách còn được trải nghiệm các hoạt động như ẩm thực Nhật, yoga, spa… Năm 2023 vừa qua, các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc cũng bùng nổ các lễ hội âm nhạc. Một ví dụ thuyết phục, tháng 6 năm 2023 đảo quốc Singapore trở thành điểm đến được quan tâm hàng đầu khi ngôi sao nổi tiếng Taylor Swift chọn nơi này là điểm dừng chân ở châu Á. Đã có tới hơn 30 triệu trên toàn thế giới người đăng ký chờ mua vé online sau vài giờ mở bán. Các hãng hàng không, hệ thống, nhà hàng khách sạn tại quốc đảo này tăng các dịch vụ đột biến vì phải đón tiếp một lượng khách rất lớn trong một thời điểm.

Một số ví dụ như vậy giúp chúng ta hình dung ra tiềm năng kinh tế, du lịch từ các lễ hội âm nhạc nổi tiếng. 

Nhìn vào số lượng khán giả tham gia đông đảo có thể lượng hóa được doanh thu khổng lồ tại các địa phương nơi diễn ra lễ hội âm nhạc, từ việc bán vé, dịch vụ nhà hàng, khách sản, giải trí, mua sắm….Trong thời kỳ hội nhập ngày nay, khi công nghiệp âm nhạc trở thành nhu cầu tinh thần của nhiều người đặc biệt là giới trẻ, thì việc bỏ tiền mua vé, du lịch tới các lễ hội âm nhạc để được gặp thần tượng đã trở thành một thói quen. Các lễ hội âm nhạc ngoài việc nâng cao đời sống tinh thần, gu thẩm mỹ âm nhạc cho người dân còn gián tiếp tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người bản địa.

Theo ước tính, một lễ hội âm nhạc nổi tiếng thế giới có thể thu hút hàng trăm nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng, hàng ngàn tình nguyện viên phục vụ cho công tác tổ chức, và rất nhiều dịch vụ gắn với âm nhạc và du lịch như: kinh doanh sản phẩm âm nhạc, đồ lưu niệm, ẩm thực, giải trí, thời trang, chăm sóc sức khỏe. Ở những nước phát triển người ta đã chứng minh được rằng các hoạt động âm nhạc quy mô lớn thường đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế. Thành phố hay địa phương đăng cai tổ chức lễ hội âm nhạc có thể biến đổi mạnh mẽ, tích cực nhờ lễ hội âm nhạc, khi có nhiều người hâm mộ sẵn sàng chi tiền để được đến, gặp thần tượng, hòa mình vào không khí tuyệt vời của không gian, ánh sáng, âm thanh cũng như tận hưởng nhiều dịch vụ tiện ích. Số liệu thống kê của Future Market Insight thị trường du lịch âm nhạc toàn cầu đạt doanh thu xấp xỉ 6 tỷ USD trong năm 2023 và dự đoán sẽ tăng nhanh trong những năm tới. Thị trường khu vực châu Á trong đó có Việt Nam đang chứng kiến một sự bứt phá ngoạn mục.

Lễ hội âm nhạc quốc tế
Hò dô (HOZO) tại Thành
phố Hồ Chí Minh
Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò dô (HOZO) tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Lễ hội âm nhạc ở Việt Nam - Cơ hội và thách thức

Cụm từ “Du lịch âm nhạc” xuất hiện gần đây thể hiện xu hướng nhiều người chọn việc “xê dịch” tới một địa điểm nào đó để thưởng thức âm nhạc thay vì ở nhà nghe, xem trên các nền tảng công nghệ, truyền hình. Tại Việt Nam, cho đến thời điểm này, đã có 3 lễ hội âm nhạc thường niên được diễn ra, tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là các lễ hội âm nhạc: Monsoon, Hò-dô, Hayfest. Monsoon sau 5 năm tổ chức thành công đã được Hà Nội chọn là một trong những chương trình trọng điểm của đề án Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2021-2025. Hò-dô được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt từ 2019 với nội dung đầu tư mọi điều kiện thuận lợi, sẵn sàng biến địa phương thành một “Thành phố âm nhạc” đúng nghĩa. Trong năm 2023 vừa qua, các lễ hội âm nhạc này đều thu hút một số lượng lớn khán giả tham gia, cụ thể: Monsoon đón 80 ngàn khán giả, Hò- dô đón 200 ngàn khán giả và Hayfest đón hơn 10 ngàn khán giả. Bên cạnh các lễ hội âm nhạc thường niên này, 2023 cũng là năm đáng nhớ của nhiều đại nhạc hội và các chương trình lớn của những ngôi sao nổi tiếng trong và ngoài nước có lượng khán giả kỷ lục. Ví dụ như show diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink thu hút hơn 67 ngàn khán giả, show diễn của nghệ sĩ Kenny G thu hút 40.000 khán giả. Show của các nghệ sĩ trong nước như Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn, Hà Hồ, Đen Vâu cũng có một lượng khán giả rất lớn. Xu hướng tổ chức các show diễn ngoài trời tại các địa điểm du lịch nổi tiếng như Ninh Bình, Đà Nẵng, Đà Lạt đang được các ngôi sao và các nhà tổ chức quan tâm. Người hâm mộ trong nước cũng đã bắt đầu có thói quen đi du lịch để thưởng thức âm nhạc của thần tượng.

Thị trường du lịch âm nhạc ở ta rõ ràng còn rất mới, với nhiều tiềm năng. Chúng ta có một lượng khán giả đông đảo, trẻ trung nhiệt huyết, khao khát cái mới và sẵn sàng đón nhận những trào lưu âm nhạc trên thế giới. Chúng ta cũng có một đội ngũ các nhà tổ chức âm nhạc được đào tạo bài bản, sẵn sàng cống hiến cho cộng đồng. Nguồn nhân lực phục vụ cho ngành công nghiệp “du lịch âm nhạc” dồi dào, không ngại khó. Đây là những nền tảng cần thiết để phát triển công nghiệp âm nhạc, công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ bắt đầu và khó khăn còn chồng chất. Bởi vì, để có thể tổ chức tốt một lễ hội âm nhạc, xây dựng nó thành thương hiệu gắn với một địa phương, một thành phố cần rất nhiều điều kiện. Các chuyên gia chỉ ra 5 yếu tố chính cần cho việc tổ chức lễ hội âm nhạc, đó là: sự hiện diện của các nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng, âm nhạc chất lượng, không gian và địa điểm tổ chức tốt, khán giả văn minh và một hệ thống dịch vụ phong phú, hấp dẫn liên quan tới âm nhạc . Nhìn vào thực tế, những yếu tố này ở ta chưa thể hoàn chỉnh. Ví dụ, khán giả của chúng ta đông nhưng chưa có thói quen mua vé, nên các show diễn dù là lễ hội âm nhạc còn lệ thuộc vào các nhãn hàng. Các điều kiện liên quan đến chất lượng âm nhạc, âm thanh, ánh sáng còn hạn chế, khả năng trả cát-xê cho nghệ sĩ, cũng như các dịch vụ còn chưa đồng bộ, mà đây lại là những yêu cầu khắt khe của các ngôi sao thế giới khi nhận lời tham gia vào lễ hội âm nhạc ở một quốc gia nào đó. Chẳng thế mà trong tour diễn vòng quanh thế giới năm 2023, nữ nghệ sĩ Taylor Swift chỉ chọn duy nhất một nước ở châu Á là Singapore để biểu diễn. Để trở thành một trong những điểm đến của các ngôi sao nổi tiếng toàn cầu, thị trường Việt Nam cần phải nỗ lực rất nhiều trong việc hoàn thiện các điều kiện về cơ sở hạ tầng cũng như đào tạo một lớp khán giả văn minh, có gu thẩm mỹ âm nhạc tốt.

show diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink thu hút hơn 67 ngàn khán giả
Show diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink thu hút hơn 67 ngàn khán giả.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, việc xây dựng thương hiệu cho các lễ hội âm nhạc luôn cần đến vai trò của địa phương, và là tầm nhìn của một địa phương, một thành phố trong phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chọn các lễ hội âm nhạc như Monsoon, Hò-dô để đầu tư, thông thoáng các chính sách nhằm tạo điều kiện cho các nghệ sĩ được tự do sáng tạo, tập trung khuyến khích những ngành kinh tế liên quan đến âm nhạc, nhằm hoàn thiện hạ tầng cơ sở cho một “thành phố âm nhạc” trong tương lai. Chúng ta còn nhiều thành phố, địa phương du lịch hút khách có thể tổ chức các lễ hội âm nhạc. Đà Lạt, Đà Nẵng, Ninh Bình, Huế...nếu được chính quyền quan tâm tạo điều kiện hoàn toàn có thể tạo ra những lễ hội âm nhạc lớn để khai thác tiềm năng du lịch. Vấn đề nằm ở tư duy, nhận thức và hành động của từng địa phương bằng các quyết sách có lợi cho văn hóa, cho âm nhạc.

Năm 2023 ngành du lịch Việt Nam đón hơn 11 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ hơn 103 triệu lượt khách nội địa, nhưng số lượng khách tới các địa điểm với mục đích tham dự lễ hội âm nhạc còn rất khiêm tốn. Làm sao để tạo ra một môi trường âm nhạc lành mạnh để các du khách háo hức đến với các lễ hội âm nhạc hơn nữa là vấn đề của mỗi thành phố, địa phương đăng cai tổ chức.

Hoàn toàn có cơ sở để tin vào sự phát triển mạnh mẽ của các lễ hội âm nhạc mang thương hiệu Việt Nam trong tương lai, bởi vì công nghiệp âm nhạc đã được xác định là trọng tâm của công nghiệp văn hóa, trong chiến lược phát triển văn hóa tầm nhìn 2030 mà Chính phủ đã đề ra. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực đầu tư cho công nghiệp âm nhạc, trọng tâm là các lễ hội âm nhạc, chắc chắn rằng những thành tựu ban đầu là niềm khích lệ cho các địa phương có tiềm năng du lịch khác có thể học hỏi, xây dựng những lễ hội âm nhạc. Hy vọng trong tương lai gần, người hâm mộ âm nhạc trong và ngoài nước sẽ có nhiều hơn các cơ hội được gặp gỡ những ngôi sao của ngành công nghiệp biểu diễn, tại những điểm du lịch đẹp và hút khách.

Bình Nguyên