Hơn nửa thị phần thị trường bán lẻ online quý 1 thuộc về Shopee

10:06 25/04/2024

Shopee tiếp tục dẫn đầu với GMV đạt 53.740 tỷ đồng, chiếm 67,9% thị phần. Nền tảng này đồng thời chiếm trên 50% thị phần cho tất cả các nhóm ngành hàng TMĐT.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo Báo cáo doanh thu các sàn thương mại điện tử (TMĐT) quý 1/2024 của YouNet ECI - công ty phân tích & tư vấn phát triển kênh TMĐT, trong 3 tháng đầu tiên của năm 2024, 4 nền tảng Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki mang về tổng cộng 79.120 tỷ đồng GMV (tổng giá trị giao dịch hàng hóa), tiêu thụ 768,44 triệu đơn vị sản phẩm.

Trong đó, Shopee tiếp tục dẫn đầu với GMV đạt 53.740 tỷ đồng, chiếm 67,9% thị phần. Nền tảng này đồng thời chiếm trên 50% thị phần cho tất cả các nhóm ngành hàng TMĐT.

Xếp thứ hai là TikTok Shop với 18.360 tỷ đồng, chiếm 23,2% thị phần GMV.

Đáng chú ý, so với quý trước, thị phần GMV của nền tảng TikTok Shop tăng 15,5%, "ngược dòng" thị trường bởi GMV trên các nền tảng TMĐT quý 1/2024 bị giảm 16% so với cao điểm quý 4/2023. Nguyên nhân là sức mua giảm trong 2 tuần Tết Nguyên đán. Nhờ vậy, TikTok Shop chiếm thêm 6,3 điểm thị phần, cắn vào "miếng bánh" của các nền tảng khác.

Hai sàn còn lại là Lazada và Tiki lần lượt mang về 6.030 tỷ đồng - chiếm 7,6% thị phần và 997,06 tỷ đồng - chiếm 1,3%. Như vậy trong quý 1 này, tổng giá trị giao dịch trên nền tảng TikTok Shop cao gấp 3 lần trên Lazada.

Nguồn: YouNet ECI
Nguồn: YouNet ECI.

Tại TikTok Shop Summit 2024, mới đây nền tảng này tiết lộ đã thu hút được 2,8 triệu doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tham gia. Trong năm 2023, số lượng các nhà bán hàng duy trì GMV ổn định tăng 3 lần, lượt xem các phiên livestream và các video ngắn tăng 12 lần.

Cùng với đó, GMV đạt được qua tính năng tìm kiếm trên trang mua sắm của TikTok Shop tăng 32 lần. Điều này cho thấy, ngoài thói quen lên Shopee tìm kiếm sản phẩm cần thiết để mua online, người Việt dần có hành vi tìm hàng trực tuyến trên nền tảng video này.

Trong quý vừa qua, người Việt cũng "chi bạo" hơn cho mua sắm trực tuyến, vượt xa dự báo của các sàn. Tính chung 5 sàn lớn nhất gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop, nền tảng dữ liệu thương mại điện tử Metric cho biết doanh thu bán lẻ tăng trưởng đến 78,69% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đồng thời, 766,7 triệu đơn vị sản phẩm đã được giao thành công tới người tiêu dùng, tăng 83,21%. Các dữ liệu này được Metric độc lập thu thập sau khi đã loại bỏ các hàng hóa ở dạng dịch vụ, quà tặng có sản lượng bán bất thường, đơn ảo và chưa bao gồm doanh thu từ các phiên livestream.

Theo báo cáo, kết quả vượt xa kỳ vọng bởi theo nhiều dự báo, doanh số thị trường thương mại điện tử 2024 sẽ chỉ tăng khoảng 35% so với 2023.

Cũng theo kết quả báo cáo Quý 1/2024, đa phần các ngành hàng đều chứng kiến GMV giảm so với quý 4/2023. Chịu ảnh hưởng lớn nhất là các nhóm ngành hàng có giá trị sản phẩm cao như công nghệ (-15,8%), điện gia dụng (-28,4%) và nhà cửa và đời sống (-16,3%).

Xu hướng này cũng dẫn đến giá trị trung bình mỗi sản phẩm tiêu thụ trên các nền tảng thương mại điện tử trong quý đạt chỉ 109 nghìn đồng, giảm 7,5% so với quý trước.

Dẫn đầu về giá trị giao dịch trong quý này tiếp tục là hai nhóm ngành hàng thời trang phụ kiện (23,4 nghìn tỷ đồng) và sắc đẹp (12,7 nghìn tỷ đồng). Đây cũng là hai nhóm ngành hàng bán chạy nhất trên nền tảng TikTok Shop và Shopee.

Cũng tại sự kiện TikTok Shop Summit 2024, YouNet ECI đã đưa ra dự báo về tình hình tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam: tăng trưởng GMV trung bình mỗi năm 25% tiến đến 2025, đạt xấp xỉ 16,8 tỷ USD trong năm 2025.

Phương Tú (t/h)