Hơn 90% mặt hàng nhập khẩu được chuyển sang hậu kiểm

23:05 29/08/2022

Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ đã chuyển hơn 90%; Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an đã chuyển 100% mặt hàng sang hậu kiểm.

Các Bộ, ngành đang tích cực triển khai nhiệm vụ thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Các Bộ, ngành đã chủ động, tích cực phối hợp triển khai các TTHC mới thông qua Cơ chế một cửa quốc gia theo kế hoạch tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg và Quyết định số 1258/QĐ-TTg. So với năm 2020, đã có 42 TTHC mới được triển khai thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; các thủ tục còn lại đang trong quá trình triển khai. Cơ sở hạ tầng, Cổng thông tin một cửa quốc gia và các hệ thống quản lý chuyên ngành của các Bộ, ngành đã được nâng cấp, bổ sung trang, thiết bị nên tỉ lệ sự cố và lỗi phát sinh liên quan đến hệ thống đã được hạn chế.

Nhiều Bộ, ngành đã chuyển đổi thời điểm kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nổi bật có thể kể đến như: Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chuyển hơn 90%; Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an đã chuyển 100% mặt hàng sang hậu kiểm.

Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ đã chuyển hơn 90%; Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công An đã chuyển 100% mặt hàng sang hậu kiểm.
Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ đã chuyển hơn 90%; Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an đã chuyển 100% mặt hàng sang hậu kiểm.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành đã bước đầu áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Một số văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng: Tăng đối tượng được miễn kiểm tra; Áp dụng miễn giảm kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa đã có 3 lần nhập khẩu đạt yêu cầu; Thay đổi phương thức kiểm tra an toàn thực phẩm từ kiểm tra chặt đối với tất cả các lô hàng nhập khẩu sang áp dụng 3 phương thức kiểm tra chặt, thông thường, giảm.

Từ nay đến cuối năm 2022, các Bộ ngành sẽ tiếp tục hoàn thành triển khai 12 TTHC thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Đồng thời tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia theo nhiệm vụ phân công tại Nghị quyết 19-2018/NQ-CP của Chính phủ, Văn bản số 291/TB-VPCP ngày 14/8/2018 của Văn phòng Chính phủ, Quyết định số 1254/QĐ-TTg được sửa đổi tại Quyết định số 1258/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ như: Đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, ban hành danh mục HS, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn đối với hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành…

Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống văn bản bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành để đảm bảo tính thống nhất, cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; rà soát, sửa đổi các luật quản lý chuyên ngành liên quan như: Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật an toàn thực phẩm… để đáp ứng mục tiêu cải cách của Chính phủ.

Ngoài ra, các Bộ ngành sẽ đánh giá, chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp có đủ năng lực tham gia thực hiện việc thử nghiệm, chứng nhận, kiểm định, cơ sở kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm để tăng cường hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

 PV