Hòa Bình đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử

08:34 08/03/2022

Từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm, việc mua hàng qua mạng trở thành nhu cầu cấp thiết. Đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã chủ động khai thác thương mại điện tử thương mại điện tử (TMĐT), ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng website giới thiệu, quảng bá, chăm sóc khách hàng… Từ đó ổn định sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường, đảm bảo đời sống cho người lao động.

Đa số siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh Hòa Bình ứng dụng thanh toán qua tài khoản ngân hàng, ứng dụng VNPay
Đa số siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh Hòa Bình ứng dụng thanh toán qua tài khoản ngân hàng, ứng dụng VNPay.

Trước đó, ngày 8/8/2016, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 1155/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, đến năm 2020, toàn tỉnh có 70% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong hoạt động SXKD; trên 30% DN có trang thông tin điện tử; trên 30% doanh nghiệp tham gia các website TMĐT để mua bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ liên quan tới hoạt động SXKD; trên 20% DN ứng dụng các phần chuyên dùng trong hoạt động; 100% DN sử dụng internet. DN trong tỉnh ứng dụng rộng rãi các hình thức thanh toán điện tử; 60% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở phân phối hiện đại, cung cấp điện, nước, viễn thông sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ thanh toán và thanh toán qua phương tiện điện tử...

Theo Sở Công Thương Hòa Bình, hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh từng bước khẳng định vai trò quan trọng, góp phần tích cực vào phát triển KT-XH. Từ kết quả đó, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu giai đoạn 2021- 2025, phấn đấu 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 50% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại, các hộ gia đình và cá nhân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng; doanh số giao dịch TMĐT loại hình DN - người tiêu dùng (B2C) tăng 15 - 20% năm; khuyến khích phát triển thương mại điện xuyên biên giới, gắn TMĐT với các hoạt động xuất nhập khẩu; giao dịch thương mại điện tử B2B chiếm 10 - 15% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025. 80% DN có trang thông tin điện tử; 80% DN thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các phương tiện điện tử; 90% giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử; 100% siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở mua sắm lớn, hiện đại phải đảm bảo được việc thanh toán POS; 70% đơn vị cung cấp điện, nước, viễn thông, truyền hình chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp hóa đơn điện tử cho người tiêu dùng…

Đức Phượng – VPĐD Hòa Bình