Harold Hamm chuyển hàng tỷ USD cho các con

09:45 16/02/2022

Harold Hamm vừa thực hiện xong một trong những cuộc chuyển giao tài sản lớn nhất lịch sử nước Mỹ vào tuần trước. Ông chuyển cổ phần của mình tại Continental Resources, công ty khoan dầu đá phiến mà ông thành lập được hơn 50 năm, cho 5 người con, mỗi người khoảng 2,3 tỷ USD. Giống như những người Mỹ siêu giàu khác, món quà khổng lồ của ông Hamm dành cho các con phần lớn có thể không bị đánh thuế.

 

Harold Hamm. Nguồn: Internet
Harold Hamm. Nguồn: Internet.

Harold Hamm là con út trong gia đình có 13 người con tại một khu dân cư nghèo ở Oklahoma. Ông bước chân vào ngành năng lượng năm 18 tuổi với 1.000 USD đi vay, cung cấp dịch vụ tại các mỏ dầu. Ông tham gia khai thác dầu đá phiến 4 năm sau đó, với công ty sau này trở thành Continental.

Việc mở rộng nhanh chóng là chìa khóa cho thành công của Hamm. Trong 2 thập kỷ, ông mua 1.214 km2 đất tại mỏ Bakken ở Bắc Dakota. Khu này trước đây chỉ khai thác được rất ít dầu, nhưng công nghệ khoan ngang và bẻ gãy thủy lực sau đó đã giúp Hamm trở thành người tiên phong, biến bang này thành nơi sản xuất dầu lớn thứ 3 tại Mỹ năm 2012.

Harold Hamm vừa thực hiện một trong những cuộc chuyển giao tài sản lớn nhất lịch sử nước Mỹ, khi chia cho 5 người con cổ phần trong Continental Resources.

Mỗi người con của Hamm sẽ được nhận 2,3 tỷ USD cổ phần trong công ty khai thác dầu đá phiến ông thành lập hơn 50 năm trước. Hamm trấn an nhà đầu tư rằng ông vẫn giữ quyền kiểm soát Continental, vì các con ông không được phép bán cổ phiếu cho đến khi ông qua đời.

"Tôi đã nói nhiều lần rồi. Continental là công ty được gây dựng để trường tồn", ông cho biết trong thông báo, "Quá trình chuyển giao đã được thực hiện trong hơn một thập kỷ qua, với hai mục đích chính là lên kế hoạch kế thừa hợp lý và đảm bảo tính liên tục dài hạn cho công ty". 

Cũng như nhiều người siêu giàu khác tại Mỹ, món quà khổng lồ của Hamm có thể sẽ được trao tặng mà không mất một đồng thuế nào. Tỷ phú 76 tuổi dường như đã tận dụng hai lỗ hổng phổ biến để né thuế thừa kế và trao tặng lên tới 40% tại Mỹ. Mấu chốt là sẽ cấu trúc cẩn thận các giao dịch, dĩ nhiên theo cách hợp pháp, để vừa có lợi cho người thừa kế, vừa không được coi là trao tặng.

Nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ đã đề xuất lấp các lỗ hổng này trong kế hoạch kinh tế của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tuy nhiên, bản kế hoạch này vẫn đang mắc kẹt tại Quốc hội.

Theo giới chuyên gia, Hamm để tài sản vào một công ty trách nhiệm hữu hạn và chia cho quỹ của các con dưới dạng khoản vay. Theo quy định của Sở thuế Mỹ, các khoản vay trong nội bộ gia đình sẽ phải trả lãi, nếu không sẽ bị tính là trao tặng và bị đánh thuế thừa kế.

Các tài liệu chỉ ra Hamm cho vay với quỹ của các con, với khoản tiền gốc là 761 triệu USD mỗi người, vào ngày 1/7/2020. Thời điểm này nhằm tận dụng lãi suất ở mức thấp kỷ lục. Đến nay, cổ phiếu của Continental đã tăng gần 250%, giúp giá trị cổ phần của mỗi người con lên hơn 2 tỷ USD.

Các tài liệu cũng cho thấy Hamm sử dụng một công ty trách nhiệm hữu hạn và hàng chục quỹ tín thác khác nhau để thực hiện các đợt chuyển giao tài sản. "Việc sử dụng nhiều giao dịch và quỹ để né thuế tài sản rất phổ biến với các gia đình giàu có", Tabetha Peavey – cố vấn luật tại Trung tâm Luật Thuế thuộc Đại học New York cho biết. Trong trường hợp của Hamm, việc ông thực hiện các giao dịch khi thị trường dầu ở gần đáy đồng nghĩa ông cho các con cơ hội kiếm lời bất kỳ lúc nào thị trường hồi phục.

Hamm bắt đầu kế hoạch chuyển giao năm 2015, sau khi giá dầu lao dốc và cổ phiếu Continental cũng rơi tự do. Đến giữa năm 2020, khi đại dịch giáng đòn mạnh lên ngành dầu mỏ và lãi suất tại Mỹ xuống thấp kỷ lục, Hamm tái cấu trúc các giao dịch để tăng lợi thế cho các con. Năm 2020, tài sản của ông từng xuống 2,4 tỷ USD, giảm gần 90% từ đỉnh. Theo Bloomberg Billionaires Index, Hamm hiện sở hữu 18 tỷ USD.

Hương Ly (t/h)