Thiền sư Thích Nhất Hạnh khuyên doanh nhân sống chánh niệm

11:30 22/01/2022

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, phường Thủy Xuân, TP. Huế, lúc 0h ngày 22/1, ở tuổi 96, theo cáo phó của tăng đoàn Làng Mai.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thế danh Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm Bính Dần (1926) tại làng Thành Trung, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, là con kế út trong gia đình có sáu anh chị em.

Năm 1942, ông xuất gia tại Tổ đình Từ Hiếu với Thiền sư Thanh Quý Chân Thật, được ban pháp danh Trừng Quang.

Năm 1949, ông rời Huế vào Sài Gòn tiếp tục tu học, bắt đầu sự nghiệp sáng tác với pháp hiệu Thích Nhất Hạnh.

Tháng 5/1966, thiền sư rời Việt Nam; hoạt động ở nhiều nước và từng trụ trì tại chùa Làng Mai, phía Nam nước Pháp trong nhiều thập kỷ.

Ông là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" (engaged Buddhism) trong cuốn sách Vietnam: Lotus in a Sea of Fire, do ông viết. Với những hoạt động không ngừng nghỉ của mình, thiền sư Thích Nhất Hạnh trở thành giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội và là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma, theo đánh giá của một số hãng tin nước ngoài.

Trong tác phẩm Thế giới Phật giáo, GS.TS. John Powers, một học giả Phật học của Australia, đã chọn 13 vị sư góp phần vào sự thành hình và phát triển đạo Phật thế giới trong 2.500 năm qua và thiền sư Nhất Hạnh ở vị trí thứ 10.

Mục sư Martin Luther King từng đề cử thiền sư Thích Nhất Hạnh cho giải Nobel Hòa bình vào năm 1967. Trong gần 40 năm sống xa quê hương, ông là một trong những người tiên phong truyền bá đạo Phật, đặc biệt là pháp môn chánh niệm đến xã hội phương Tây và góp phần xây dựng một cộng đồng Phật giáo dấn thân với gần 1.250 đệ tử xuất gia, hàng triệu đệ tử tại gia và độc giả trên khắp năm châu.

Thiền sư cũng là người đã mở ra hướng đi và phát triển những pháp môn thực tập với nhiều khoá tu dành cho các nhà giáo dục, thanh thiếu niên, nghệ sĩ, doanh nhân, các nhà lãnh đạo, y bác sĩ... Ông đã viết hơn 120 cuốn sách, trong đó trên 40 cuốn bằng tiếng Anh, với một số tác phẩm nổi bật như Đường xưa mây trắng, Phép lạ của sự tỉnh thức, Hạnh phúc cầm tay, Phật trong ta...

Thiền sư Thích Nhất Hạnh được tôn vinh bằng nhiều giải thưởng cao quý, tác giả của nhiều tác phẩm Phật học ứng dụng, văn hóa, văn học được dịch sang nhiều ngôn ngữ và được xếp vào nhóm sách bán chạy nhất tại nhiều quốc gia.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất gia tu học tại chùa Từ Hiếu, người thành lập Đạo tràng Mai Thôn tại Pháp và nhiều trung tâm tu học khác tại Mỹ, Đức, Thái Lan.

Trước đó, tháng 11/2014, Thiền sư Thích Nhất Hạnh gặp một biến cố về sức khỏe, được chẩn đoán là tai biến mạch máu não. Sau đó, Thiền sư đã được đưa sang Mỹ điều trị, phục hồi sức khoẻ.

Năm 2017, Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ Thái Lan về Việt Nam, trở về Tổ đình Từ Hiếu tịnh dưỡng và lưu trú cho đến nay.

Những lời dạy còn mãi của thiền sư

Thiền sư Thích Nhất Hạnh có nhiều câu nói, lời dạy để đời với nhiều Phật tử và cả những người bình thường. Ở chùa Từ Hiếu còn lưu hai câu thơ của ông “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/Đã cho ta ngày mới để yêu thương”.

Đặc biệt, tùy bút nổi tiếng “Bông hồng cài áo” của thiền sư làm nguồn cảm hứng cho nhạc phẩm cùng tên của Phạm Thế Mỹ có những đoạn văn thấm thía, cảm động: “Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát thì uống nước. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ, con cần mẹ, mẹ cần con”… 

Ảnh minh họa
Thiền sư Thích Nhất Hạnh khuyên các doanh nhân nên thực hành chánh niệm, sống trọn ở đây, giây phút này.

Và rất nhiều câu nói hay của thiền sư được trích dẫn ở khắp nơi mà nhiều khi người trích cũng không nhớ nổi nó nằm trong cuốn nào trong số hơn 120 tác phẩm của thiền sư. 

"Tình yêu của anh nếu là tình yêu chân thật thì nó sẽ lớn lên không ngừng và sẽ ôm từ từ hết tất cả mọi người và mọi loài. Tình yêu của anh không những nuôi dưỡng được anh mà còn nuôi dưỡng được tất cả chúng tôi. Đó là tình yêu không biên giới, không kỳ thị…”.

“Một đám mây trông hiền lành như thế những có khả năng tạo thành sấm sét. Tình thương chân thật không bao giờ là sự yếu đuối. Đại Bi là Đại Dũng. Đại Từ cũng là Đại Dũng".

Mathieu Ricard - nhà khoa học thuộc viện Pasteur (Pháp) - từng nói: Xã hội Tây phương có thừa phương tiện để xoa dịu những đau khổ vật chất nhưng lại rất thiếu phương tiện để xây dựng hạnh phúc tinh thần.

Khi Liên Hợp Quốc công nhận ngày Phật đản (15.4 âm lịch) là ngày lễ hội tôn giáo quốc tế; ngày hòa bình thế giới - cũng là sự thừa nhận Phật giáo với tư cách một nền văn hóa, văn minh có sức ảnh hưởng to lớn tới nhân loại.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng dạy: “Hãy ví khổ như rác và hạnh phúc như những đóa hoa… Chuyển hóa khổ đau chính là biết cách biến rác trở lại thành hoa”.

Đức Phật khuyên mỗi cá nhân hãy biết tự yêu thương chính mình. Tình thương chính là sợi chỉ nối kết người với người, để không những nuôi dưỡng chính mình mà còn lo cho người khác. Tình thương sẽ giúp chúng ta rũ bỏ mọi phiền não của đời. Hãy “xả” đi (Từ - Bi - Hỉ - Xả) vì “xả” là sự buông bỏ cái cần buông bỏ.  Đừng luyến tiếc bởi xét đến cùng mọi vật là vô sinh và bất diệt.

Và triết lý sống - quan niệm sống của nhà Phật là “quy luật của muôn đời”: Hãy sống trọn vẹn “sát na” thực tại (“sát na” là đơn vị đo thời gian nhỏ nhất của đạo Phật tính bằng 1/60 hơi thở mong manh).

Sống trọn vẹn với hiện tại mới khiến con người ta làm chủ được tư duy và dục vọng. Để không rơi vào bi kịch của một người ngụp lặn giữa dòng sông mà vẫn cố ngoi đầu lên để kêu gào vì cơn khát!

Đem chánh niệm vào doanh nghiệp

Thích Nhất Hạnh, vị thiền sư được nhiều người xem là cha đẻ của pháp môn thực tập chánh niệm ở Tây phương, nói rằng miễn là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thực tập chánh niệm “thật sự” (“true” mindfulness), thì cho dù động cơ ban đầu khiến họ thực tập là để làm việc có hiệu quả hơn hay làm ra nhiều lợi nhuận cũng không sao. Bởi vì sự thực tập chánh niệm sẽ làm cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thay đổi một cách căn bản quan niệm của họ về cuộc sống. Với sự thực tập, trái tim của họ tự nhiên sẽ mở ra và lòng từ bi càng thêm lớn rộng, khi đó trong họ sẽ phát khởi ước muốn giúp người bớt khổ.

Tại trung tâm thực tập chánh niệm Làng Mai, gần thành phố Bordeaux, nước Pháp, trong tư thế ngồi kiết già, Thầy chia sẻ với báo The Guardian: “Nếu quý vị biết cách thực tập chánh niệm, quý vị sẽ chế tác được bình an và niềm vui ngay bây giờ và ở đây. Quý vị sẽ trân quý điều đó và nó sẽ làm quý vị thay đổi. Ban đầu, quý vị có thể nghĩ là nếu không trở thành nhân vật “số một” (Number One) thì mình không thể nào hạnh phúc. Nhưng nếu thực tập chánh niệm, quý vị sẽ sẵn sàng buông bỏ quan niệm đó. Chúng ta không cần lo sợ chánh niệm chỉ có thể là phương tiện mà không phải là cứu cánh. Bởi vì trong chánh niệm, cứu cánh và phương tiện chỉ là một mà thôi.  Không có con đường đưa đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường.”

Tuy nhiên, Thầy cũng chỉ rõ rằng nếu các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chỉ thực tập vì những lý do ích kỷ cá nhân thì họ chỉ thấy được cái bóng rất mờ nhạt của chánh niệm mà thôi.

“Nếu anh coi chánh niệm chỉ là phương tiện để kiếm thật nhiều tiền thì anh chưa tiếp xúc được với mục đích thật sự của nó”, Thầy nói. “Về hình thức, có vẻ như đó là sự thực tập chánh niệm nhưng về nội dung thì không có sự bình an, niềm vui và hạnh phúc được chế tác. Đó chỉ là một sự sao chép giả hiệu mà thôi. Nếu anh không cảm được năng lượng của tình huynh đệ, tình bằng hữu tỏa chiếu ở nơi làm việc thì đó không phải là chánh niệm.”

Và Thầy nói thêm rằng: “Nếu anh hạnh phúc, anh không thể nào là nạn nhân của hạnh phúc. Nhưng nếu anh thành công, anh có thể trở thành nạn nhân của sự thành công.” (“If you’re happy, you cannot be a victim of your happiness. But if you’re successful, you can be a victim of your success.” )

Nguy cơ bị công kích và chế giễu

Cho dù cho phương pháp thực tập chánh niệm đang đi vào dòng chảy chính thống (mainstream) của xã hội, nhiều tổ chức, doanh nghiệp vẫn còn lo ngại bị công kích và chế giễu khi có liên hệ trực tiếp với một phương pháp thực tập đạo Phật cổ xưa như thế.

Thầy đã được ông Jim Yong Kim, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới (nhiệm kì 2012-2019) mời đến trụ sở chính của tổ chức này tại Washington để hướng dẫn một ngày thực tập chánh niệm – một sự kiện được các nhân viên của Ngân hàng Thế giới hoan nghênh nhiệt liệt. Một trong những quyển sách ưa thích nhất của ông Kim là quyển “Phép lạ của sự tỉnh thức” mà Thầy là tác giả. Ông ca ngợi phương pháp thực tập của Thầy có khả năng giúp chúng ta phát khởi “lòng lân mẫn và từ bi sâu sắc đối với những người đang khổ đau”.

Tuy nhiên, điều này cũng không ngăn được sự chỉ trích từ những người đồng sự cao cấp của ông trước khi chuyến thăm của Thầy đến trụ sở Ngân hàng thế giới diễn ra vào thời điểm đó. Những quan chức này lo ngại không biết dư luận sẽ phản ứng thế nào. Thực tế là tờ The Economist đã có một bài báo chỉ trích Ngân hàng thế giới về sự kiện này.

Mặc dù vậy, ông Kim vẫn không hề bị lung lay. Ông chia sẻ với tờ The Guardian là ông đã vô hiệu hóa những lời chỉ trích bằng cách viện dẫn rất nhiều nghiên cứu khoa học để chứng minh cho những lợi ích của chánh niệm. 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh chia sẻ với các nhà lãnh đạo World Bank – 2013

Sự giao thoa giữa chánh niệm và khoa học kỹ thuật

Có lẽ sự giao thoa thú vị nhất trong thế giới kinh doanh là sự giao thoa giữa chánh niệm và khoa học kỹ thuật, bởi vì nhìn bề ngoài thì hai lĩnh vực này có vẻ hoàn toàn trái ngược nhau. Thực tập chánh niệm có công năng làm cho những hoạt động của tâm ý chậm lại và giúp cho đầu óc ta rỗng rang, trong khi đó cuộc cách mạng kỹ thuật số lại làm nhịp sống của ta trở nên nhanh hơn và nạp đầy đầu óc con người bằng một lượng thông tin quá lớn.

Dù vậy, cả hai lĩnh vực tưởng như rất khác biệt này lại có một lịch sử gắn bó với nhau rất lâu dài. Tại California nơi hội tụ của rất nhiều tập đoàn công nghệ, chánh niệm đã hòa quyện và trở thành một phần nếp sống của thành phố này trong nhiều thập kỷ qua. Steve Jobs, nhà sáng lập của tập đoàn Apple cũng rất yêu thích pháp môn Thiền trong Đạo Phật.

Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi Thầy – người có số sách phát hành lên tới con số 2 triệu bản ở Hoa Kỳ – đã được Google mời tới Thung lũng Silicon để hướng dẫn một ngày chánh niệm dành riêng cho các Giám đốc điều hành (CEO) của 15 tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới.

Thông điệp quan trọng mà Thầy gửi đến các nhà lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ trong dịp này là: cần sử dụng ảnh hưởng có tầm cỡ thế giới của mình để tập trung vào việc làm thế nào góp phần xây dựng thế giới này trở nên tốt đẹp hơn, thay vì chỉ hướng vào mục tiêu làm ra càng nhiều tiền càng tốt.

Thầy và tăng đoàn xuất sĩ Làng Mai đã có một ngày tại trụ sở của Google để gặp gỡ các vị lãnh đạo cao cấp của tập đoàn, đồng thời hướng dẫn cho khoảng 700 nhân viên của Google thực tập thiền tọa, thiền hành và pháp đàm về chánh niệm. Số nhân viên muốn đến tham dự quá đông nên tập đoàn này đã phải sắp xếp thêm hai địa điểm bên ngoài thính đường chính để mọi người có thể đồng thời theo dõi pháp thoại của Thầy trên màn ảnh.

Thầy nói về sự tương phản rõ rệt giữa nhịp độ làm việc nhanh đến chóng mặt ở tập đoàn công nghệ khổng lồ này và sự bình an được chế tác khi mọi người ở đây cùng ngồi thiền im lặng trong ngày chánh niệm tại khuôn viên của Googleplex. “Không khí hoàn toàn khác hẳn”, Thầy nói. “Có một sự tĩnh lặng, một sự bình an được chế tác từ hành động ngồi yên và không làm gì cả. Chính trong không gian ấy, mọi người có thể nhận ra được sự quý giá của thời gian.” 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh hướng dẫn ngày Quán niệm tại Google – 2013

Những lời khuyên dành cho giới khoa học công nghệ

Trong chuyến viếng thăm Google với chủ đề “Mục đích, Sáng kiến và Tuệ giác” (Intention, Innovation, Insight),  Thầy đã gặp gỡ một số kỹ sư hàng đầu của Google để bàn thảo về việc làm thế nào Google có thể sử dụng khoa học công nghệ một cách từ bi và hiệu quả hơn để giúp đem lại những thay đổi tích cực cho thế giới này, thay vì làm cho con người càng ngày càng bị căng thẳng và tăng thêm sự cô lập giữa con người với con người cũng như giữa con người với thiên nhiên.

Khi sáng chế ra một thiết bị điện tử, các kỹ sư của Google có thể quán chiếu xem mặt hàng mới này có nguy cơ làm cho con người xa cách bản thân, gia đình và thiên nhiên hay không. Thầy nói: “Thay vào đó, các kỹ sư có thể chế tạo ra một thiết bị hay phần mềm có thể giúp con người quay trở về với chính mình và chăm sóc cảm thọ trong mình. Làm như thế, họ sẽ cảm thấy vui trong lòng, bởi vì họ đang làm một điều tốt đẹp cho xã hội.”

Trong ngày chánh niệm dành riêng cho các CEO, Thầy đã hướng dẫn họ ngồi thiền trong yên lặng và hiến tặng một buổi thiền trà trước khi nói pháp thoại cho nhóm người mà phần lớn là các nhà tỷ phú này. Thầy chia sẻ với họ về tầm quan trọng của sự dừng lại, không để cho công việc lấy hết thì giờ mà lẽ ra họ có thể dành cho gia đình của mình. “Thời gian không phải là tiền bạc,” Thầy nói. “Thời gian là sự sống, thời gian là tình thương” (“Time is not money. Time is life, time is love”).

Sau khi trở về Làng Mai, Thầy nói về chuyến đi ấy như sau: “Lần nào đến Google tôi cũng chia sẻ với họ là: quý vị cần tổ chức việc kinh doanh như thế nào để hạnh phúc có thể đến với tất cả mọi người trong tập đoàn. Có thêm nhiều tiền để làm gì, nếu điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta phải khổ đau hơn? Quý vị cũng cần phải hiểu rằng nếu có một chí nguyện đẹp và lành, quý vị sẽ hạnh phúc hơn bởi vì việc giúp cho xã hội thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn sẽ làm cho cuộc sống của quý vị trở nên có ý nghĩa”.

“Chuyến viếng thăm ấy chỉ là một sự khởi đầu”, Thầy nói thêm. “Tôi nghĩ là chúng tôi đã gieo được nhiều hạt giống tốt và cần có thời gian để cho những hạt giống này nẩy mầm”, Thầy tiếp. “Nếu các nhà lãnh đạo và nhân viên của Google bắt đầu thực tập chánh niệm, họ sẽ nếm được niềm vui, niềm hạnh phúc, và sự chuyển hóa. Khi ấy họ có thể tìm ra cho mình một sự hứng khởi, một chí nguyện mới. Danh vọng, quyền hành và tiền tài không chắc sẽ mang đến cho quý vị hạnh phúc chân thực so với việc chọn cho mình một lối sống mà quý vị có thể chăm sóc hình hài và cảm thọ của mình”.

Sau 5 năm từ Thái Lan trở về Việt Nam và tịnh dưỡng tại chùa Từ Hiếu (TP. Huế), Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch lúc 0h ngày 22/1/2022 (ngày 20 tháng Chạp năm Tân Sửu), trụ thế 96 năm.

Lễ tang của Thiền sư sẽ được tổ chức trong 5 ngày tại Tổ đình Từ Hiếu (phường Thuỷ Xuân, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế).

Di nguyện của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trước khi viên tịch:

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết tâm thư gửi đến các Chư tăng, nói rõ ý nguyện sau khi trở về Tổ đình Từ Hiếu. Ông dặn các đệ tử của mình: "Nếu một ngày thầy mất, đừng xây tháp mộ gì cho thầy. Tốn kém tiền của. Tốn đất của dân. 

Dân mình còn nghèo lắm. Hãy hỏa táng thầy. Tro cốt thầy, hãy chia đều cho các Thiền viện của Làng Mai trên khắp thế giới rồi rải trên những con đường mà hàng ngày các con đi thiền hành. Làm như thế, ngày ngày, thầy và các con vẫn đi thiền hành chung".

Chân Khê (tổng hợp)