Giá thanh long xuất khẩu bật tăng

07:27 18/02/2021

Trong những ngày đầu năm Tân Sửu 2021, giá thanh long xuất khẩu bỗng bật tăng gần 4 lần.

Loại thanh long xuất khẩu có tỉ lệ trái cồ tại vườn 80% trở lên được nhiều thương lái hỏi mua với giá 18.000 - 20.000 đồng/kg. Đây là mức giá tăng sốc nếu so sánh với thời điểm trước Tết, khi thanh long hầu như được mua ở mức dưới 10.000 đồng, thậm chí có thời điểm chỉ còn 4.000 - 5.000 đồng.

Ông Nguyễn Văn Hai, nông dân trồng hơn 1 ha thanh long ở huyện Chợ Gạo, cho biết, trong tháng 1 vừa qua, giá thanh long ở mức thấp, chỉ khoảng 15.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ, còn thanh long ruột trắng giá chỉ 6.000 đồng - 7.000 đồng/kg. Thanh long bắt đầu có giá trở lại trong những ngày giáp Tết Nguyên đán. Người dân rất vui mừng. Ông Hai vừa thu hoạch trên 3 tấn quả được giá 20.000 đồng/kg, thu 60 triệu đồng. Theo ông Hai, thanh long đang có giá là do nhu cầu thị trường tiêu dùng dịp Tết rất lớn.

Huyện Chợ Gạo hiện là vùng chuyên canh thanh long lớn nhất tỉnh Tiền Giang với diện tích trên 7.000 ha. Sản lượng thanh long trong năm qua của địa phương đã đạt trên 188.000 tấn quả phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. 

Người nông dân vui vì giá thanh long đầu năm tăng mạnh
Người nông dân vui vì giá thanh long đầu năm tăng mạnh.

Theo Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, giá thanh long tăng vọt ít ngày qua có thể do các cơ sở thu mua đẩy mạnh hoạt động dịp đầu năm mới. Tuy nhiên, giá này có thể sẽ có biến động khi hoạt động thu mua đi vào ổn định. Còn theo một số thương lái tại thủ phủ loại cây ăn trái này của cả nước, lứa thanh long đang chín có nguồn hàng không nhiều nên đẩy giá tăng cao.

"Do hầu hết nhà vườn đều đón đầu vụ Tết để chong đèn kích thích ra hoa trái vụ nên đến vụ sản xuất sau Tết thì nguồn cung ít đi. Điều này lý giải vì sao nhiều vựa phải đẩy mạnh thu mua, vừa có chuyến hàng xuất hành đầu năm vừa tranh thủ nguồn hàng không nhiều tại các vườn" - bà Nguyễn Thị Hồng - thương lái tại xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam - giải thích.

Được biết, diện tích trồng thanh long ở Bình Thuận lớn nhất cả nước, với 33.750 ha, sản lượng thu hoạch hằng năm trên 550.000 tấn. Theo số liệu thống kê, năm 2020, các doanh nghiệp của tỉnh xuất khẩu chính ngạch ước đạt 8,1 triệu USD/ 6.820,3 tấn thanh long tươi - tăng 5,34% về giá trị, giảm 3,03% về lượng so với cùng kỳ năm 2019. Phần lớn sản lượng thanh long còn lại xuất khẩu ở dạng trái tươi sang thị trường Trung Quốc theo phương thức mua bán biên mậu. 

Để phát huy tiềm năng của cây thanh long đặc sản, thời gian qua, địa phương đã tăng cường khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật thâm canh theo hướng VietGAP, GlobalGAP và xử lý cho trái rải vụ để tránh tình trạng trúng mùa, mất giá và nâng cao thu nhập cho nông hộ. Đặc biệt, bà con đang áp dụng rộng rãi kỹ thuật xông đèn xử lý cho trái rải vụ. 

Thông tin từ phóa doanh nghiệp Trung Quốc cho biết: "Mỗi ngày chúng tôi nhận hơn 50 xe tải chuyển vào Trung Quốc. Đặc biệt, khi Lễ hội mùa Xuân sắp đến, nhu cầu của thị trường Trung Quốc rất lớn, doanh số bán thanh long và mít tăng đáng kể", Nong Anyang, giám đốc một công ty thương mại quốc tế tại thành phố Pingxiang, Quảng Tây cho biết. Theo ông Anyang, trái cây sau sẽ được chuyển từ Chợ trái cây Pingxiang đến Changsha, Quảng Châu) và Jiaxing, sau đó được chuyển đi khắp đất nước.

An Nguyên