Cơ hội phát triển chuỗi giá trị nông sản Việt ra thế giới thông qua Hiệp định RCEP

06:10 18/01/2021

Hiệp định RCEP được đánh giá góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam với các nước trong khu vực.

Cơ hội đẩy mạnh chuỗi giá trị nông sản

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là cơ hội tốt để Việt Nam đầu tư phát triển và đẩy mạnh chuỗi giá trị nông sản ra khu vực và thế giới.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị “Hiệp định RCEP & UKVFTA – Cơ hội thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt Nam và khu vực với thị trường thế giới” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM (VCCI/HCM) phối hợp với Hiệp hội trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VFAEA) tổ chức mới đây.

RCEP còn gọi là ASEAN + 5 gồm 10 nước trong khối ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand. Việt Nam có thể là một trong những quốc gia nhận được nhiều lợi ích từ RCEP. Nguyên nhân là những nước tham gia vào Hiệp định hầu hết đều có nhu cầu nhập khâu những mặt hàng thuộc thế mạnh của Việt Nam như nông, thuỷ sản. 

Ông Lê Duy Minh, Chủ tịch Hiệp hội trang trại Việt Nam cho biết, thời gian qua ngành nông nghiệp nước ta tiếp tục chủ động hội nhập sâu rộng nhưng đồng thời cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn.

Ông Lê Duy Minh - Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam.
Ông Lê Duy Minh - Chủ tịch Hiệp hội trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam.

Điển hình trong năm 2020, ngành nông nghiệp phải đối mặt với những khó chưa từng có trong lịch sử, ảnh hưởng của Đại dịch bệnh COVID – 19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh đó, tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu cũng gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, thị trường nhiều mặt hàng nông sản vẫn có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, nhiều nước gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật…

Năm 2020 cũng là năm mà Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định kinh tế quan trọng, đưa quá trình hội nhập kinh tế, quốc tế của Việt Nam bước sang một giai đoạn mới với những cơ hội được mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng triển vọng thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Trong đó, Hiệp định RCEP được đánh giá là FTA lớn nhất thế giới, với quy mô khoảng 2,2 tỷ người tiêu dùng và chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu (26,2 nghìn tỷ USD)

Đây là tín hiệu rất tích cực trong bối cảnh dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo ông Lê Duy Minh, các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại của RCEP được kỳ vọng sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới.

Hiệp định RCEP có hiệu lực sẽ thúc đẩy sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp phát triển kinh tế của các nước thành viên hiệp định; trong đó có Việt Nam.

Các thị trường chính trong RCEP
Trong 15 nước thành viên RCEP thì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) lớn nhất của Việt Nam. Tốc độ xuất khẩu giai đoạn 2010 - 2019 đạt bình quân 15%/năm, từ 3,3 tỷ USD năm 2010 lên 10,9 tỷ USD năm 2019.
Trung Quốc chiếm 25,14% tổng giá trị xuất khẩu NLTS chính của Việt Nam. Năm 2020, xuất khẩu NLTS sang thị trường Trung Quốc ước đạt 10,36 tỷ USD giảm 5,2% so với năm 2019 và đứng thứ 2 sau Hoa Kỳ.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Trung Quốc đang tăng cường kiểm hàng nhập khẩu nhằm kiểm soát tiềm ẩn rủi ro về lây lan dịch bệnh, quản lý chất lượng đồng thời, đề nghị Việt Nam đôn đốc các cơ quan chức năng chuyên ngành tăng cường công tác quản lý chất lượng hàng NLTS, khiến giảm hiệu suất thông quan, tăng áp lực đối với công tác phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, Trung Quốc đang kiên quyết siết chặt quản lý đối với nhập khẩu các mặt hàng nông sản chưa được phép mở cửa thị trường.
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu NLTS lớn thứ 5 của Việt Nam, chiếm gần 10% tổng kim ngạch. Năm 2020, xuất khẩu NLTS ước đạt 3,42 tỷ USD, giảm 0,7% so với năm trước, Nhật Bản là thị trường khó tính về ATTP, đặc biệt đối với sản phẩm chăn nuôi.
Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 7, chiếm gần 7% tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS. Năm 2020, xuất khẩu NLTS sang thị trường này ước đạt 2,34 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ. Hàn Quốc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng, mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, ATTP cao và xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước lớn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS vào thị trường Asean năm 2020 ước đạt 3,69 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái (đứng thứ 4 và đạt mức 8,95%. Đây là thị trường có nhu cầu cao về nông sản, là các nước có địa lý gần gũi, văn hóa tương đồng với Việt Nam.
Thách thức cần vượt qua

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, các FTA nói chung và Hiệp định RCEP nói riêng cũng đặt ra không ít thách thức phải vượt qua.

Để tận dụng được các cơ hội về  thương mại và đầu tư, các doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại, hợp tác xã cần đáp ứng một loạt những yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm.

Thêm vào đó, các nhà sản xuất Việt Nam sẽ buộc phải cạnh tranh trong nước với một loạt hàng hóa mới có giá thành thấp hơn, do đó phải giảm giá và giảm lợi nhuận để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ một chuỗi cung ứng lớn hơn và lâu đời hơn. 

Hiệp định RCEP nói riêng cũng đặt ra không ít thách thức phải vượt qua
Hiệp định RCEP đặt ra không ít thách thức đối với nông sản Việt.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam phân tích, Hiệp định RCEP giúp doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam bước vào một thị trường quy mô lớn nhất thế giới; trong đó, Việt Nam có thể là một trong những quốc gia nhận được nhiều lợi ích từ Hiệp định RCEP do hầu hết những nước tham gia vào hiệp định đều có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng thuộc thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản...

Nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, từ đó gia tăng xuất khẩu trong khu vực này, đặc biệt là ở các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand...

Các tiêu chuẩn nhập khẩu, thị hiếu tiêu dùng giữa các nước cũng khá tương đồng. Hơn nữa, khoảng cách địa lý của các nước nội khối không quá xa nên chi phí logistics thấp hơn, giao thông vận chuyển hàng dễ dàng hơn so với các thị trường khác như Mỹ, châu Âu…

“Mặc dù vậy, sức ép cạnh tranh hàng hóa trong RCEP là rất lớn vì nhiều đối tác trong khu vực có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh mạnh hơn. Hiện chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm Việt còn khiêm tốn… Sức ép này không chỉ diễn ra trên thị trường xuất khẩu mà thị trường nội địa cũng tương tự. Các mặt hàng rau quả ngoại có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và đạt vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ cạnh tranh, thậm chí sẽ tràn vào thị trường Việt Nam nhiều hơn. Trong khi đó, người Việt vốn có tâm lý  ưa chuộng hàng ngoại”, ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh.

Ông Lê Duy Minh cho biết, để có thể tận dụng tốt nhất các cơ hội về thương mại và đầu tư, doanh nghiệp nông nghiệp cần đáp ứng một loạt những yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm (ATTP)... Các quy tắc đơn giản hóa quy trình và chi phí xuất nhập khẩu, quy tắc xuất xứ đơn giản hóa sẽ giảm thời gian và chi phí cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, giúp tăng tỉ suất lợi nhuận và làm cho hàng hóa Việt Nam cạnh tranh hơn trên các thị trường RCEP.
Các quy định về thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp được cho phép và thực hiện nhất quán trong toàn khu vực. Điều này sẽ thay thế các biện pháp phòng vệ thương mại trong nước. 
“Ngoài việc mở cửa cho các nước RCEP về thương mại, dịch vụ, Hiệp định áp dụng quy chế quốc gia trong thương mại hàng hóa đối với tất cả các hàng hóa được phép. Mặc dù điều này không thay đổi nhiều đối với thương mại giữa các nước ASEAN, nhưng làm giảm thuế quan của nhiều nước RCEP đối với hàng hóa Trung Quốc. Các nhà sản xuất Việt Nam sẽ phải cạnh tranh trong nước với một loạt hàng hóa mới có giá thành thấp hơn, phải giảm giá và giảm lợi nhuận để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ một chuỗi cung ứng lớn hơn và lâu đời hơn như Trung Quốc”, ông lưu ý.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T, thông qua các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ giá trị trong khu vực RCEP cùng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại của các nước thành viên cũng tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới; trong đó, việc đẩy mạnh sản xuất hàng nông sản an toàn theo các tiêu chuẩn quốc tế sẽ ngày càng phổ biến.

"Những doanh nghiệp nào có nền tảng phát triển tốt, sản phẩm chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường sẽ có cơ hội cạnh tranh tốt hơn. Ngược lại doanh nghiệp sản xuất đại trà, bán thứ mình có sẽ rất khó tồn tại, không chỉ ở thị trường xuất khẩu mà còn bị nông sản nhập khẩu đánh bật ngay tại thị trường nội địa. Do đó, doanh nghiệp cần nhìn nhận các FTA nói chung, RCEP nói riêng là cơ hội và động lực nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện việc quản lý chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu của thị trường ngày càng tốt hơn," ông Tùng chia sẻ thêm.

Lyly