EVFTA: biết người, biết ta

00:00 12/10/2020

Việc nghị viện Liên minh châu Âu vừa thông qua EVFTA đã được nhiều giới ở Việt Nam đón nhận khá lạc quan, hồ hởi trước nhất từ triển vọng mở ra một không gian kinh tế rộng hơn cho doanh nghiệp Việt.

Bên cạnh đó, việc là quốc gia chỉ sau Singapore ở khu vực ASEAN được EU phê chuẩn FTA đã giúp Việt Nam tạo một vị thế mới trong khu vực và trên thế giới, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vừa được bầu là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay.

Là người từng làm việc gần ba năm (2015-2018) ở Liên minh châu Âu với khu vực Balkan, tôi xin phép chia sẻ một vài góc nhìn để chúng ta có thể tận dụng FTA thành công hơn với EVFTA nói riêng và với các FTA khác

Giảm thuế chưa phải là tất cả để nông sản Việt vào thị trường châu Âu. Ảnh: nuôi trồng thủy sản tại Bình Thuận. Ảnh: Minh Tâm

Có thể nói cho đến thời điểm hiện nay, Việt Nam chỉ có thể tận dụng EVFTA trong việc đẩy mạnh các mặt hàng thô chưa qua chế biến như thủy hải sản, nông sản, cà phê, hạt điều..., hơn là hàng hóa thành phẩm mà ta vốn chưa có lợi thế so với quá nhiều đối thủ. Nhưng hiệu quả kinh doanh hàng hóa thô thường thấp hơn nhiều so với thành phẩm đã qua chế biến. Nếu ta vẫn cứ xuất bán hàng thô thì chưa tận dụng hết lợi thế của FTA mang lại.

Để bán hàng vào thị trường hơn 500 triệu dân nổi tiếng là khó tính nhưng rất ổn định này, các nhà sản xuất cần tìm hiểu đặc tính tiêu dùng và các quy định khắt khe của từng thị trường để tuân thủ, nếu không sẽ bị phạt nặng.

Ngoài bản thân nỗ lực riêng của doanh nghiệp thì đầu mối cần thiết là Phòng thương vụ của Đại sứ quán Việt Nam tại EU, nơi giúp cập nhật thông tin thị trường cũng như hỗ trợ các hoạt động nối kết, tìm hiểu giữa đối tác hai phía. Đây là hoạt động mà doanh nghiệp nên làm thường xuyên, đặc biệt là ngay trong bối cảnh của cuộc thương chiến Mỹ - Trung và dịch bệnh Covid-19 tại Vũ Hán (Trung Quốc) hiện nay, Việt Nam đang được xem là quốc gia thay thế Trung Quốc rất “sáng cửa”.

Mặt khác, trong thời gian làm việc ở Bỉ, thủ đô của châu Âu, nơi đặt các cơ quan hình pháp, tư pháp và lập pháp của EU, tôi nhận thấy khi làm ăn, giao dịch với các quốc gia EU, doanh nghiệp từ các nước thường thuê các công ty cung cấp dịch vụ và kết nối doanh nghiệp ngay tại Brussels (Bỉ) vì họ am hiểu thị trường.

Thế nhưng chi phí tư vấn thường rất cao nên các doanh nghiệp Việt Nam khó kham nổi. Do vậy, các doanh nghiệp nên “hùn” với nhau để cùng gánh và chia sẻ thông tin, nhất là những doanh nghiệp cùng ngành.

Ngoài ra, không như thị trường rộng lớn của Mỹ, nơi có nhiều đối tác là người Mỹ gốc Việt luôn có thiện cảm và có quan hệ với quê nhà, ở EU, số lượng doanh nghiệp kiểu này rất ít.

Nhưng bù lại, trong khối có nhiều quốc gia thành viên gia nhập từ Trung và Đông Âu (như Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech, Croatia, Rumania, Slovakia, Slovenia, Estonia...) sau biến cố Bức tường Berlin đầu thập niên 1990. Đó những quốc gia có ít nhiều thiện cảm với Việt Nam và có nhiều doanh nghiệp của người Việt. Do vậy, doanh nghiệp từ trong nước có thể tiếp cận những thị trường này trước rồi từ đó tiếp cận các trị trường cao hơn ở Nam và Tây Âu.

Các doanh nghiệp cũng cần thường xuyên tham gia các hội chợ và các sự kiện quảng bá sản phẩm quan trọng ở châu Âu. Một mô hình tổ chức hội chợ có thể học hỏi là hội chợ “Thai Brands” của Thái Lan - cách để vừa quy tụ nhiều sản phẩm của Việt Nam vừa tạo được sức thu hút người tiêu dùng và các nhà sản xuất - kinh doanh ở châu Âu. Những việc này doanh nghiệp cần sự giúp sức làm đầu mối của các cơ quan nhà nước hữu trách vì chi phí cao, nhưng tính hiệu quả cũng cao.

EU là một tổ chức liên chính phủ gồm 28 quốc gia với 27 ngôn ngữ chính thức. Ngoài tiếng Anh, trong giao dịch, người ta thường phải kèm thêm ba ngôn ngữ phổ thông nhất là Pháp, Đức và ngôn ngữ của quốc gia có thị trường được nhắm tới.

Thành ra, để thúc đẩy các FTA, Việt Nam còn quá nhiều việc phải làm, ở cả góc độ nhà nước cũng như doanh nghiệp. Xuất phát điểm của ta thấp thì buộc phải chịu khó hơn trong đầu tư chứ không thể mạnh ai nấy làm để rồi một doanh nghiệp bị phạt thì cả ngành, cả nước bị vạ lây.

Ký FTA là một chuyện, còn phổ biến thông tin và phổ cập rộng rãi kiến thức có liên quan là một chuyện rất quan trọng khác, mà theo quan sát của tôi, hiện ta làm chưa tốt lắm. Cần phải biết người biết ta thì hội nhập mới thành công. Nếu không, sau ký kết chỉ đứng nhìn hàng hóa của đối tác tràn ngập ở thị trường trong nước.

Nguyễn Tấn Kiệt