Các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đã nộp thuế gần 4.000 tỷ đồng

15:25 07/05/2024

Trước đó, số liệu thống kê đến cuối tháng 2 của Tổng cục Thuế cho biết, số thu từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài này đã đạt hơn 2.000 tỷ đồng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thuế, tính đến cuối tháng 4, đã có 94 nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đăng ký, khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục.

So với tháng trước, danh sách này đã tăng 9 nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đăng ký mới. Lũy kế 4 tháng đầu năm, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài này đã nộp khoảng 3.900 tỷ đồng tiền thuế cho Việt Nam.

Trước đó, số liệu thống kê đến cuối tháng 2 của Tổng cục Thuế cho biết, số thu từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài này đã đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Như vậy, trong giai đoạn tháng 3-4, tổng số thuế Việt Nam thu được từ Facebook, Google, TikTok, Netflix... là gần 1.900 tỷ đồng.

Trong 4 tháng đầu năm, cơ quan Thuế đã thực hiện được 10.501 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 15,8% kế hoạch năm 2024 và bằng 86% so với cùng kỳ; kiểm tra được 98.330 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế bằng 76,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 9.956 tỷ đồng, bằng 57,7% so với cùng kỳ. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 1.704 tỷ đồng, bằng 56,8% số tăng thu qua thanh tra kiểm tra. Tổng số tiền thu nợ thuế trong tháng 4/2024 ước đạt 5.200 tỷ đồng. Lũy kế tính đến cuối tháng 4/2024 ước thu được 32.068 tỷ đồng.

Về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, tính đến cuối tháng 4/2024, toàn quốc có 926.225 doanh nghiệp đang kinh doanh, tăng 30.118 doanh nghiệp (tương ứng 3,4%) so với thời điểm cuối năm 2023.

Riêng về hoàn thuế GTGT, đến cuối tháng 4/2024, cơ quan thuế đã ban hành 5.580 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền thuế hoàn là 39.440 tỷ đồng; bằng 23,1% so với dự toán hoàn thuế GTGT năm 2024; bằng 105% so với cùng kỳ năm 2023.

Về triển khai hóa đơn điện tử, tính từ khi triển khai đến hết 21/04/2024, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế tiếp nhận và xử lý ước đạt 7,48 tỷ hóa đơn, trong đó: 2,08 tỷ hóa đơn có mã và hơn 5,4 tỷ hóa đơn không mã. 

Tính đến hết ngày 21/4/2024, có 53.424 cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là hơn 328,6 triệu hóa đơn.

Đến nay, toàn quốc đã có 15.935 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, đạt 100% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Trong tháng tới, cơ quan thuế cho biết sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác quản lý thuế, thực hiện tốt các gói hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho doanh nghiệp, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách Nhà nước.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành đề nghị các đơn vị trong toàn ngành Thuế tiếp tục theo dõi sát sao và đánh giá đúng tình hình kinh tế trong nước và thế giới năm 2024; phân tích, nhận định những tác động từ những chính sách tài khóa tiền tệ mà các nước thực hiện đến sức khỏe doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước để nhận diện sớm những rủi ro, kịp thời tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ có kịch bản, giải pháp chủ động trong điều hành thu ngân sách Nhà nước năm 2024.

Tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác quản lý thuế, thực hiện tốt các gói hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho doanh nghiệp, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.

Tập trung triển khai Kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành năm 2024 của cơ quan Tổng cục Thuế; Xây dựng và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra theo các chuyên đề chống thất thu trong các lĩnh vực có rủi ro cao về thuế; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát kê khai thuế của người nộp thuế;...

Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công cụ phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác quản lý thuế, quản lý hóa đơn, kiểm soát rủi ro, phòng chống gian lận về hóa đơn điện tử, tập trung triển khai ứng dụng tự động cảnh báo xuất khống hóa đơn điện tử theo hệ số K, …

Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các đơn vị trong ngành Thuế tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuế để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế số...; nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp, tạo môi trường để thu hút đầu tư kinh doanh nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước đồng thời tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.

Mai Anh (T/h)