Bố trí ngân sách, đa dạng nguồn lực tài chính đảm bảo mục tiêu dự trữ xăng dầu

10:36 07/05/2024

Các Bộ, ngành, địa phương cần cân đối ngân sách nhà nước để đảm bảo mục tiêu về dự trữ quốc gia đối với sản phẩm xăng dầu, dầu thô, khí đốt phù hợp với yêu cầu thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ.

Nhằm triển khai Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 (Quyết định 861) phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có hiệu quả, Quyết định 343/QĐ-TTg (Quyết định 343) vừa được ban hành đã đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố.

Cụ thể, liên quan đến việc bố trí kinh phí, nguồn lực để thực hiện quy hoạch, Quyết định 343 nêu rõ: Kinh phí thực hiện nhiệm vụ của kế hoạch này được bố trí trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước của các bộ, ngành liên quan, địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành, đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, đảm bảo sử dụng tiết kiệm hiệu quả và thời hạn, tiến độ.

Bố trí ngân sách, đa dạng nguồn lực tài chính đảm bảo mục tiêu dự trữ xăng dầu
Bố trí ngân sách, đa dạng nguồn lực tài chính đảm bảo mục tiêu dự trữ xăng dầu.

Đặc biệt, Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch; tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, quyết định bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện các mục tiêu về dự trữ quốc gia đối với sản phẩm xăng dầu, dầu thô, khí đốt phù hợp với yêu cầu thực tiễn và khả năng của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ. Các bộ, ngành liên quan và các địa phương chủ động bố trí, lồng ghép các nhiệm vụ và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác ngoài nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch.

Về tổ chức thực hiện, kế hoạch đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp về: thực hiện quy định của pháp luật về quy hoạch; hoàn thiện pháp luật và xây dựng cơ chế, chính sách; đảm bảo nguồn lực tài chính; về phát triển khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, an toàn phòng cháy chữa cháy; về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; về hợp tác quốc tế; đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo đảm an sinh xã hội.

Tại quyết định này, Chính phủ giao Bộ Công Thương tổ chức công bố quy hoạch, cung cấp thông tin quy hoạch cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định. Đồng thời, Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương trong quá trình lập quy hoạch tỉnh và xây dựng phương án phát triển hệ thống dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quy mô dưới 5.000 m3 đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy hoạch, yêu cầu nêu tại kế hoạch.

Để đảm bảo triển khai kế hoạch nêu trên, Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch, về đầu tư xây dựng, về quản lý, sử dụng mặt đất, mặt nước theo thẩm quyền để triển khai thực hiện quy hoạch phát triển hạ tầng dự trữ xăng dầu, khí đốt trên địa bàn đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, đúng quy định.

Chính quyền các địa phương chú trọng phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ tại các tuyến đường mới, các khu đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, quy mô lớn, có lộ trình phù hợp giảm số cửa hàng xăng dầu quy mô nhỏ lẻ, không hiệu quả.

Quyết định 343/QĐ-TTg cũng đặt ra yêu cầu, giải pháp về đảm bảo nguồn lực tài chính. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương cần cân đối ngân sách nhà nước để đảm bảo mục tiêu về dự trữ quốc gia đối với sản phẩm xăng dầu, dầu thô, khí đốt phù hợp với yêu cầu thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ.

Quyết định 343/QĐ-TTg cũng đưa ra giải pháp đa dạng hóa hình thức đầu tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển cơ sở hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt.

Ngoài ra, có thể đẩy mạnh hoạt động tái cấu trúc vốn, thoái vốn các doanh nghiệp xăng dầu, dầu khí nhà nước; xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, dự án chậm tiến độ; tập trung nguồn vốn cho các dự án có hiệu quả kinh tế cao;

Đa dạng hóa các hình thức vay vốn: ngân hàng, tín dụng xuất khẩu, vay ưu đãi của chính phủ, phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế;

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ nhằm làm chủ công nghệ đối với hệ thống dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt;

UBND các tỉnh, thành phố, xây dựng phương án phát triển hệ thống dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quy mô cấp tỉnh trên địa bàn phù hợp và thống nhất với Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; phát triển hệ thống phân phối xăng dầu, khí đốt trên địa bàn đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định, phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn.

P.V (t/h)