Độc đáo ẩm thực chay Tâm An Lạc tại Đại lễ Vesak 2019

00:00 12/10/2020

Là một Phật tử và sau 27 năm lễ Phật, với mong muốn mang tới nhiều cơ hội sống khỏe, sống có ích hơn cho mọi người, chị Vũ Thị Xuân Quý đã có bước ngoặt lớn trong cuộc đời khi quyết định từ bỏ nghề thiết kế thời trang để mở nhà hàng chay mang thương hiệu Tâm An Lạc.

Hoạt động trong nghề thiết kế thời trang nhiều năm, chị Quý đã gặt hái được thành công đáng kể gắn với thương hiệu mang chính tên của mình. Dù kiếm ra tiền và tạo cơ hội kinh doanh cho người khác nhưng bản thân chị vẫn chưa thấy hài lòng, từ đó chị bắt đầu trăn trở và nhen nhóm ý tưởng thay đổi…Tháng 5/2014, chị quyết định mở nhà hàng chay mang thương hiệu Sen Hồng với mong muốn đem đến cho khách hàng những món ăn chay đủ dinh dưỡng theo phương pháp dưỡng sinh và trở thành “phương tiện gieo duyên” cho nhiều người; và vào tháng 12/2016, Tâm An Lạc ra đời. Với phương châm không đặt nặng lợi nhuận, lan tỏa kiến thức về ăn chay trong cộng đồng, chị Quý đã nỗ lực không ngừng đưa Tâm An Lạc dần khẳng định được vị thế, trở thành thương hiệu nhà hàng chay được nhiều người tin tưởng. Hiện nay, Tâm An Lạc đã phát triển thành chuỗi, gồm 3 cửa hàng bán thực phẩm chay sạch và 2 nhà hàng ở Hà Nội, cùng với 1 cửa hàng ở Hà Nam.

Chị Quý cho biết: “Mô hình chay của Tâm An Lạc dựa trên tiêu chí chay thuần tự nhiên, đủ dinh dưỡng từ rau củ quả hữu cơ trồng tại Tâm An Lạc Farm và các thực phẩm được đầu bếp chế biến cẩn thận, kỹ lưỡng đúng vị và chất chay. Một điều đặc biệt trong chế biến đó là việc không sử dụng ngũ tân để phục vụ cho người tu Phật. Thông qua các nhà hàng chay, tôi mong muốn chia sẻ những kiến thức về dưỡng sinh, đồng thời hoằng dương giáo lý của chư Phật thông qua ấn tống kinh sách. Bên cạnh đó, Tâm An Lạc cũng hướng tới lời kêu gọi bảo vệ môi trường bằng cách tiến tới cam kết dùng hoàn toàn bao bì thân thiện môi trường; hưởng ứng tôn chỉ:”Ăn chay – Sống xanh – Bảo vệ môi trường – Kết nối yêu thương”.Tại mỗi tầng của cửa hàng Tâm An Lạc đều có rất nhiều sách về dưỡng sinh, ẩm thực để thực khách được trang bị kiến thức chủ động hơn. Khách hàng đến ăn một món chay chỉ mất chi phí 30.000 đồng nhưng có thể cầm về 1-2 quyển sách để tìm hiểu những kiến thức nhất định về ăn chay.”

Với nhân duyên, tại lễ hội ẩm thực chào mừng Đại lễ Phật đản Vesak 2019 (diễn ra từ 9-14/5/2019),Tâm An Lạc đã tham gia một số gian hàng và giới thiệu đến các quý thầy, Phật tử, du khách nhiều đặc sản mang hương vị riêng của các vùng miền nhằm truyền tải văn hóa ẩm thực Việt Nam đến bạn bè quốc tế và nhân dân cả nước. Đó là bún đậu, bún riêu, bún chả Hà Nội, bún Huế của miền Trung và bún Nam Bộ của miền Nam cùng các món bánh: bánh chưng, bánh dày - tượng trưng cho đất trời cũng nhưng biểu hiện cho nền văn hóa lúa nước Việt Nam, bánh cốm - đặc sản Hà Nội, bánh bột lọc - đặc sản Huế và bánh pía - đặc sản miền Nam. Đặc biệt, ngày 10/5, 6000 suất bún cúng dường chư Tăng, Ni, và đạo hữu gần xa là một món quà ấm áp mà Tâm An Lạc đã đem đến lễ hội này. Ngoài ra, Tâm An Lạc đã trợ duyên cho Ban tổ chức Đại lễ Phật đản khi mời Thầy thuốc Nhân dân Quách Văn Mích, nguyên Giám đốc Viện Y học Hàng không, là Phật tử chuyên nghiên cứu, dịch sách của tiên sinh người Nhật Ohsawa, ông cũng là chuyên gia dưỡng sinh tầm cỡ thế giới, đến nói chuyện với du khách và các Phật tử về tác dụng và cách thức ăn chay sao cho tốt nhất đối với sức khỏe. Tâm An Lạc cũng chia sẻ kiến thức chế biến những món ăn chay 3 miền và tham dự thi nấu cỗ chay. Trong suốt thời gian sự kiện này, Tâm An Lạc cũng hoan hỉ được nhân duyên cúng dường tất thảy chư Tăng, Ni hữu duyên ghé qua gian hàng.

Hương vị những món ăn của Tâm An Lạc thỏa mãn được thực khách tại Đại lễ Phật Đản một phần nằm ở sự kết hợp hài hòa trong trang phục địa phương truyền thống, tôn vinh được văn hóa đặc trưng của miền Bắc, đúng với tiêu chí của Ban Văn hóa TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam mong muốn truyền tải bản sắc văn hóa dân gian Việt Nam. Sự đầu tư này cũng đem về cho Tâm An Lạc vinh dự là đơn vị đoạt giải Phong cách Ẩm thực tại lễ hội.

 “Các món chay Tâm An Lạc mang tới Vesak 2019 thấm đậm hương vị đặc trưng của từng vùng miền, được chế biến bởi đầu bếp chính của chuỗi nhà hàng Tâm An Lạc, người có khả năng thẩm vị tinh tế và sắc sảo. Do vậy, khi thưởng thức các sản phẩm của Tâm An Lạc, các quý thầy cùng Phật tử có nói bún Huế của đầu bếp Hà Nội đã truyền tải được mỹ vị và tinh hoa của món ăn đậm văn hóa này. Ngoài việc giới thiệu ẩm thực chay, Tâm An Lạc mong muốn chia sẻ kiến thức về dưỡng sinh bởi chế độ dinh dưỡng thuần chay yêu cầu một sự đầu tư về kiến thức không nhỏ. Tức là ăn chay phải đủ dinh dưỡng, cân bằng được âm dương... Các món chay của Tâm An Lạc không chỉ dành phục vụ các Phật tử mà ai ăn cũng tốt cho sức khỏe”, chị Quý chia sẻ.

Cũng theo chị Quý, “An lạc” là một trạng thái hỷ lạc tự bên trong mỗi cá nhân, mang lại sự bình an cả thân và tâm cho chính mình và lan tỏa đến người khác. An lạc thường đến từ tuệ giác, đưa đến sự tự tại, ung dung, cân bằng cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong kinh doanh, phải giữ được thể trạng mạnh khỏe, cả tâm và thân, do vậy tôi xây dựng chuỗi cửa hàng của mình mang tên Tâm An Lạc.

Hồng Thắm