Phim Việt đang bị ghẻ lạnh trên sân nhà

00:00 12/10/2020

Một bộ phim được làm ra là để đến với khán giả. Trong nền công nghiệp điện ảnh, bài toán khán giả là bài toán sống còn với nhà sản xuất. Vì chỉ khi phim có khán giả, những khoản đầu tư của nhà sản xuất mới sinh lời…

Muốn thành công, ngoài việc làm cho hay, cho hấp đẫn về nội dung, phim phải được phát hành tại rạp, vào những thời điểm thích hợp, trong những suất chiếu thuận lợi. Tuy nhiên, khi soi chiếu điều này vào điện ảnh Việt, một nền điện ảnh còn non trẻ và thiếu thốn nhiều bề, thì câu chuyện mang phim ra rạp đang vô cùng bế tắc, nhiều rủi ro và buồn tủi.

Tấm Cám - Chuyện chưa kể, một phim Việt được cho là bị xử ép không vào được hệ thống rạp chiếu của doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Doanh nghiệp nước ngoài chiếm gần 80% thị trường chiếu phim

Chúng ta đều biết, hệ thống rạp chiếu phim ở Việt Nam trước đây chủ yếu do Nhà nước đầu tư. Từ tuyến huyện đến tuyến tỉnh, tuyến trung ương đều có rạp chiếu. Hai trung tâm lớn là Hà Nội và TP. HCM có hệ thống rạp hoàn hảo hơn cả. Tuy nhiên, câu chuyện đã khác, từ khi Nhà nước đề ra chính sách tự do phát triển ngành điện ảnh đi cùng xã hội hóa ngành này, thì các doanh nghiệp kinh doanh phòng chiếu nước ngoài bắt đầu đổ bộ vào Việt Nam. Ban đầu là hệ thống Lotte Cinema, một doanh nghiệp của Hàn Quốc xâm nhập vào thị trường nội địa. Chỉ trong một thời gian ngắn, Lotte đã chiếm 30% thị phần rạp chiếu khắp lãnh thổ Việt Nam. Sau Lotte, một doanh nghiệp khác của Hàn Quốc là CGV cũng nhanh chóng tràn vào, chiếm phần lớn còn lại miếng bánh thị phần này. Ngay từ thời điểm đặt chân tới Việt Nam, CGV đã nhận định, Việt Nam là “thị trường trăm triệu đô”. Con số từ Hiệp hội Phát hành phim Việt Nam cho thấy, ở thời điểm hiện tại, CGV đã vươn lên trở thành một “ông lớn” chi phối thị trường chiếu phim Việt Nam, với 43% thị phần có được. Như vậy, chỉ riêng CGV và Lotte Cinema, 73% thị phần chiếu phim Việt đã nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài đến từ Hàn Quốc. 27% còn lại thuộc về 3 doanh nghiệp khác là Platinum Cineplex của Indonesia và hai doanh nghiệp quốc nội là Công ty Cổ phần phim Thiên Ngân (Galaxy Cinema) và Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (Star Cineplex). Tuy nhiên mới đây, doanh nghiệp của Indonesia làm ăn thua lỗ đã tạm dừng hoạt động. Nghe đâu, toàn bộ thị phần rạp chiếu của Platinum đã được CGV thế chỗ. Như vậy, CGV đã trở thành một doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu, có ưu thế cạnh tranh cực kỳ lớn trong việc phát hành phim.

Tất nhiên, khi các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đầu tư phòng chiếu, người được hưởng lợi không ai khác chính là khán giả. Họ có nhiều lựa chọn hơn, có cơ hội được đến với những rạp chiếu phim tiêu chuẩn quốc tế, hưởng thụ các điều kiện tối ưu khi xem phim. Nhưng cũng từ đây, phim Việt gặp khó khi ra rạp, bị chèn ép trong cuộc đua không cân sức với phim bom tấn nước ngoài. Trở thành “ông lớn” trên thị trường Việt Nam với xấp xỉ một nửa thị phần rạp chiếu cả nước, CGV đang lấn lướt và có ưu thế đặc biệt trong việc kiểm soát hai khâu quan trọng là phân phối và chiếu phim. Điều này trực tiếp đe dọa đến sự sống còn của các nhà phân phối phim nội địa.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các chuyên gia điện ảnh cho rằng, nếu không có những đột phá trong chiến lược cạnh tranh, tương lai sẽ rất khó có nhà phân phối phim nào trong nước trụ lại với nghề. Với thế mạnh của mình, CGV không chỉ cung cấp rạp chiếu mà còn là đại lý phát hành phim cho các hãng lớn của Mỹ như UPI, Pixar, Disney, Warner Bros. Ngoài ra, đơn vị này cũng được 2 hãng phát hành phim lớn nhất Hollywood là United International Pictures và Buena Vista International ủy thác phát hành độc quyền tại Việt Nam. Với quyền năng như vậy, CGV có thể đưa ra những điều kiện cho phim Việt và các nhà phân phối phim Việt, nếu muốn đưa phim vào chiếu trên hệ thống của họ. Điều kiện mà CGV đang áp dụng hiện nay được xem là vô cùng bất lợi cho điện ảnh Việt, đến mức nhiều nhà phân phối, sản xuất, đạo diễn phim đã phải lên tiếng trên truyền thông. Theo đó, CGV đang đòi hỏi, phim Việt khi phát hành vào hệ thống này phải chịu tỷ lệ ăn chia doanh thu vé là 55% cho CGV, 45% cho nhà sản xuất. Trường hợp thông qua nhà phân phối, thì CGV vẫn yêu cầu 55% cho rạp, 45% cho đơn vị phân phối. Con số này khiến các nhà sản xuất phân phối kêu trời, vì họ sẽ không thể nào có lãi nếu tiếp tục làm phim. Đấy là chưa kể, phim Việt khi được chấp nhận chiếu trên hệ thống CGV còn phải chịu sự phân bổ của đơn vị này trong việc phân chia giờ chiếu, số buổi chiếu. Theo khảo sát, khung giờ vàng (từ 17 đến 22h hàng ngày) trong các cụm rạp hiện nay thường được ưu tiên để chiếu các phim bom tấn nước ngoài. Phim Việt thường phải chịu cảnh khép nép, chiếu trong các buổi thưa vắng người xem như 8h sáng, 12h trưa, 23h đêm…Giờ chiếu là một yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của các rạp. Bị xếp trong các khung giờ như vậy, phim Việt khó mà mon men đến con đường chiến thắng về doanh thu.

Tuy nhiên, được chiếu trong hệ thống vẫn còn may hơn là bị từ chối. Năm ngoái, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân từng khóc nghẹn trong họp báo, vì phim “Tấm Cám- Chuyện chưa kể” của cô không thể thương thảo tỷ lệ ăn chia để vào hệ thống CGV, vì hệ thống này đòi hỏi tỷ lệ mà nhà sản xuất cho là quá lớn. Năm 2016, phim “12 chòm sao - vẽ đường cho yêu chạy” của đạo diễn Vũ Ngọc Phượng vốn được giới phê bình đánh giá cao, sau đó giành giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất tại Giải Cánh diều Vàng, nhưng đã bị chính CGV từ chối thẳng thừng không cho chiếu trong hệ thống. Cũng trong năm 2016, bất bình về việc độc quyền trong chiếu phim và phát hành phim của CGV, 8 nhà sản xuất và phát hành phim trong nước đã gửi khiếu nại đến Hội Điện ảnh và các cơ quan liên quan khẳng định sự việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược phát triển điện ảnh nói riêng và chiến lược phát triển văn hóa của Việt Nam nói chung.

Avengers endgame - bộ phim với những cảnh viễn tưởng, hành động và tâm lý tuy rất "trẻ em" nhưng lại đang làm mưa gió khắp các rạp trên toàn cầu và nhanh chóng phá vỡ mốc doanh thu kỷ lục mọi thời đại. ẢNh minh họa. Nguồn: Internet

Cần có chính sách bảo trợ cho phim Việt

Với chính sách mở cửa hiện nay, hệ thống rạp chiếu phim chịu sự điều tiết của thị trường là đương nhiên. Thị trường là theo quy luật cung - cầu sòng phẳng. Nhưng kinh doanh điện ảnh là một ngành gắn với văn hóa, không giống với kinh doanh các mặt hàng thông thường khác. Nếu chúng ta thả nổi theo thị trường, chắc chắn phim nội địa sẽ bị phim Mỹ “nuốt chửng” trong hệ thống rạp chiếu, vì điện ảnh Việt còn non trẻ, còn yếu, mỗi năm số lượng phim sản xuất ra chưa nhiều, thiếu thốn cả về nhân lực lẫn kỹ thuật, máy móc. Chúng ta hướng đến một nền điện ảnh phát triển, đề cao tính dân tộc, thì phải có những chính sách bảo hộ cho các tác phẩm trong nước. Bắt đầu từ khâu ra rạp. Bởi chỉ có ra rạp, được tiếp cận với khán giả, điện ảnh mới có sức sống nội tại, mới kích thích được lao động sáng taọ của nghệ sĩ, thu hút sự đầu tư của các nhà sản xuất.

Ở châu Á, nhiều nước đã từng phải đối mặt với sự thôn tính của điện ảnh Mỹ thông qua hệ thống phòng chiếu của doanh nghiệp nước ngoài. Mỗi Chính phủ đều có cách hành động khác nhau để bảo vệ điện ảnh nội địa, nuôi dưỡng sức mạnh của dòng phim trong nước, để nó có thể phát triển hài hòa bên cạnh dòng phim nước ngoài. Chẳng hạn, Trung Quốc đã từng đề ra chính sách, mỗi năm chỉ cho phép nhập khẩu 20 phim từ Hollywood, còn lại dành để chiếu phim trong nước. Vào các tháng mùa hè, Cục Điện ảnh nước này thậm chí còn cấm chiếu phim Hollywood, dành thị phần cho phim trong nước ra rạp. Hay như ở Hàn Quốc, Chính phủ nước này đã nỗ lực giảm thị phần phim Hollywood từ 70% xuống còn dưới 50% trong vài năm, để dành chỗ cho phim trong nước được đến với công chúng. Chính sách của điện ảnh Hàn Quốc chỉ rõ, mỗi năm mỗi rạp chiếu phim phải có ít nhất 40 ngày chiếu phim nội địa.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hiện nay, phim Việt gần như không có một chính sách bảo hộ nào từ phía Nhà nước. Tình trạng phim Việt bị xử ép đang ngày càng tồi tệ. Trong khi đó, số lượng rạp chiếu cứ phình to ra mãi do sự lớn mạnh không ngừng của các doanh nghiệp nước ngoài. Các rạp chiếu phim của các đơn vị nước ngoài đã làm được rất nhiều trong việc đưa phim ngoại vào thị trường Việt Nam, biến việc đến rạp trở thành một xu hướng trong giới trẻ. Văn hóa xem phim đang được củng cố trong một bộ phận dân chúng. Nhưng hệ thống này cũng đang ít nhiều trở thành rào cản cho sự phát triển của điện ảnh Việt. Phim Việt bị đuối sức trong cạnh tranh và đang dần mất đi vị thế của mình trong công chúng. Điện ảnh Việt không thể đến với người Việt, đó chính là nỗi buồn rất lớn, một dấu hỏi bỏ ngỏ cần được quan tâm. Tất nhiên rất khó để trách cứ các doanh nghiệp nước ngoài trong câu chuyện này, vì thị trường luôn có sự khốc liệt như vậy. Nhà cung cấp sẽ luôn tuân theo quy luật cung- cầu. Họ có quyền đặt câu chuyện lợi nhuận lên trên trong chiến lược kinh doanh. Nhưng nếu nhìn từ góc độ văn hóa, từ câu chuyện phát triển điện ảnh, những người có trách nhiệm với điện ảnh Việt không thể làm ngơ mà phải nhanh chóng có giải pháp cứu phim Việt. Cần có chính sách thỏa đáng để hỗ trợ, bảo hộ cho phim nội địa, giống như nhiều nước trong khu vực đã làm. Chẳng hạn, thỏa thuận với các đơn vị nước ngoài về thời lượng chiếu phim Việt trong các cụm rạp của họ. Yêu cầu các đơn vị nước ngoài có trách nhiệm hỗ trợ phim Việt, tạo điều kiện để phim Việt đến được với khán giả nhiều hơn.

 Chỉ có như vậy, bài toán phát triển điện ảnh trong nước mới trở nên cân bằng hơn trong tương quan với phim ngoại. Một khi chúng ta tiếp tục để điện ảnh Việt “bơ vơ” trong tình cảnh làm ra không có chỗ chiếu thì chẳng mấy chốc những người làm phim sẽ nản lòng quay đi làm việc khác. Khi đó sẽ chỉ còn lại 1 vùng đất trắng, mà việc cày cuốc, trồng cấy lại chắc chắn sẽ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Bình Nguyên