Đi tìm thương hiệu gạo Vĩnh Tuy “Hương thơm nhẹ, cơm đậm đà”

16:55 27/09/2021

Xã Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) là vùng bán sơn địa, nhưng ấn tượng về một Vĩnh Ninh trong con mắt của khách phương xa mỗi lần về với vùng đất này là cánh đồng “cò bay thẳng cánh” dành cho trồng lúa. Trong tổng số hơn 870 hécta diện tích đất trồng lúa của xã thì thôn Vĩnh Tuy chiếm hơn 50% diện tích, sản lượng lúa hàng năm đạt 2.300 tấn.

Ông Đỗ Mười - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh - Quảng Ninh - Quảng Bình

Để giải đáp phần nào sự tò mò của phóng viên khi hay tin về Gạo Vĩnh Tuy được người tiêu dùng gắn cho thương hiệu “Hương thơm nhẹ, cơm đậm đà”, ông Đỗ Mười, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh đi vào câu chuyện “Từ lâu Gạo Vĩnh Tuy đã có tiếng về chất lượng, được người dân trong và ngoài Tỉnh biết đến. Tuy nhiên, với phương thức canh tác nhỏ lẻ từ bao đời nay, các hộ gia đình vẫn “mạnh ai người ấy làm”, sản phẩm đem ra thị trường còn dưới dạng sơ chế, không có nhãn mác, chưa có liên kết sản xuất, chưa chú trọng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, giá trị hàng hóa thấp, sản phẩm gạo bi thương lái ép giá, thiếu sự cạnh tranh… Vì vậy, việc xây dựng chuỗi lúa gạo của Vĩnh Tuy thông qua việc áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, tăng hiệu quả đến 20% so với quy trình sản xuất cũ, tạo được thương hiệu “chỗ đứng” với người tiêu dùng là nỗi trăn trở không chỉ của lãnh đạo xã mà của cả người nông dân trồng lúa Vĩnh Ninh.

Cánh đồng mẫu lớn xã Vĩnh Ninh - Quảng Ninh - Quảng Bình

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết: Bắt đầu từ vụ Đông - Xuân 2018 - 2019, hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Trung quy hoạch vùng sản xuất tập trung với diện tích bước đầu là 10 hecta liền vùng, liền thửa, nhằm thuận tiện và chủ động được tưới tiêu. Ngoài việc quy hoạch lại vùng sản xuất, theo đó, hợp tác xã đã hướng dẫn bà con áp dụng phương pháp thâm canh lúa cải tiến SRI đồng bộ, kết hợp thực hiện phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ICM để áp dụng vào sản xuất. Hợp tác xã cũng đã ký hợp đồng với các đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các hộ tham gia thực hiện dự án về sản xuất lúa gạo an toàn. Thống nhất với các đối tác tham gia chuỗi giá trị thực hiện các nội dung như: giống sản xuất, phân bón sử dụng, sản lượng thu mua, cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm. Hợp tác xã Vĩnh Trung thành lập Ban điều hành, xây dựng kế hoạch lựa chọn giống lúa chất lượng để sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Hợp đồng với Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Quảng Bình cung ứng giống, phân bón cấp cho các hộ sản xuất. Thông báo cho người nông dân lịch thời vụ gieo cấy, điều hành máy làm đất, điều tiết nước tưới đảm bảo đủ nhu cầu sinh trưởng của cây lúa. Vào vụ thu hoạch, hợp tác xã chỉ đạo người dân thu hoạch lúa đúng độ chín, hướng dẫn người dân phơi khô, quạt sạch để không làm giảm chất lượng lúa gạo.

Đến thời điểm này, qua 3 vụ sản xuất thể nghiệm, gạo Vĩnh Tuy đã được sản xuất theo quy trình VietGap, chất lượng ngon, đảm bảo chỉ tiêu an toàn thực phẩm, có đăng ký logo tại Cục sở hữu trí tuệ, đáp ứng nhu cầu và lòng tin của người tiêu dùng khi sử dụng “Gạo Vĩnh Tuy”. 

Thương hiệu gạo Vĩnh Tuy đã được khách hàng gần xa biết đến

Rời trụ sở làm việc, phóng viên cùng ông Đỗ Mười, chủ tịch UBND xã “thị sát” cánh đồng mẫu lớn được sản xuất theo phương pháp thâm canh mới đang vào vu thu hoạch. Ông nói: “qua 3 vụ sản xuất, điều mà chúng tôi rút ra được là đã hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Kết nối được nhà Doanh nghiệp với người nông dân thông qua hợp đồng giữa Doanh nghiệp với Hợp tác xã nhằm xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo Vĩnh Tuy bền vững, khắc phục được tình trạng “ mạnh ai nấy làm”, xóa bỏ hiện tượng tư thương ép giá “Gạo Vĩnh Tuy” mấy lâu nay. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nguyên nhân tạo nên thương hiệu “Gạo Vĩnh Tuy”, ông Chủ tịch UBND xã lý giải rằng: theo ông, để có được một sản phẩm gạo tốt, thơm tự nhiên, dẻo, ngoài các yếu tố như phân bón, giống… tuân thủ các quy trình kỹ thuật vào canh tác, thì đất đai, thổ nhưỡng phù hợp là điều quan trọng nhất. Rồi ông cam đoan: cùng một giống lúa PC6, HT1 hay Đài thơm 8 mà nông dân Vĩnh Ninh đang canh tác, nhưng sản phẩm gạo Vĩnh Tuy lại ngon, thơm hơn gạo các vùng khác là điều có thật! Ông lại say sưa nói về giải pháp nguồn vốn để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Xã cũng tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kênh mương, trạm bơm, nhằm đảm bảo khả năng tưới nước và chủ động tiêu úng. Rõ ràng, việc áp dụng quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI) vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, giảm chi phí đầu vào như: lượng giống, lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nhưng lại cho năng suất cao hơn từ 2 - 3 tạ/hecta. Việc thực hiện theo hợp đồng liên kết giữa nhà Doanh nghiệp với người nông dân đã giúp họ yên tâm đầu tư vào sản xuất, chủ động đầu ra, không bị ép giá khi bán sản phẩm. Cũng thông qua việc xây dựng chuỗi sản xuất, mối liên kết giữa các hộ trồng lúa đã cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm về kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và bảo quản lúa.

Chia tay Vĩnh Ninh, ấn tượng trong tôi về một vùng đất bán sơn địa nhưng vẫn có “cánh đồng cò bay thẳng cánh” sản sinh ra “Gạo Vĩnh Tuy - Hương thơm nhẹ, cơm đậm đà” để sánh với ST25 là giống lúa thơm đặc sản của vùng Sóc Trăng, Đồng Tháp Mười.

Tiễn tôi ra xe, một lãnh đạo xã còn kịp dúi vào tay tôi bao gạo Vĩnh Tuy nói là “ăn thử để biết” mùi thơm tự nhiên, cơm dẻo đậm đà. Câu nói nhẹ nhàng, phảng phất như một câu thơ đã làm nên thương hiệu, dấu ấn của một vùng quê mang tên Vĩnh Ninh.

Trọng Lãnh