Am Tiên “Chốn bồng lai tiên cảnh” nổi tiếng linh thiêng

22:19 08/02/2022

Nằm trên đỉnh Núi Nưa, quần thể Di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên bao gồm "Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên" thuộc thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Địa danh này gắn với lịch sử cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu, như “chốn bồng lai tiên cảnh”, là một trong ba huyệt đạo nổi tiếng linh thiêng cả nước.

Địa danh lịch sử Am Tiên nổi tiếng linh thiêng.

Địa danh lịch sử Am Tiên nổi tiếng linh thiêng.

Kẻ Nưa được mệnh danh là vùng văn hóa lâu đời và tiêu biểu cho văn hóa truyền thống của cư dân Đồng bằng sông Mã - nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa, sinh hoạt cộng đồng và lễ hội truyền thống. Bên cạnh đó là sự phong phú, đa dạng của các truyền thuyết lịch sử, ca dao, tục ngữ, truyện cổ dân gian, các hình thức diễn xướng và sân khấu cổ truyền,.... Suốt thời kỳ phong kiến, Kẻ Nưa còn là nơi sản sinh ra nhiều bậc anh tài, chính vì vậy nơi này được coi là miền đất thiêng đã hun đúc và ngưng tụ nhiều giá trị tinh hoa văn hóa quê hương.

Nhiều sản vật đăch trưng của núi Nưa được bày bán tại lễ hội
Nhiều sản vật đặc trưng của núi Nưa được bày bán tại lễ hội.

Núi Nưa- Đền Nưa- Am Tiên là một thắng cảnh nổi tiếng gắn liền với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu chống quân Ngô vào năm 248. Hình ảnh Bà Triệu cưỡi voi đánh giặc đã đi vào tiềm thức của bao lớp người, trở thành biểu trưng của quê hương xứ sở. Bà có câu nói nổi tiếng: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng giữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người".

Sau khi Bà Triệu mất nhân dân trong vùng đã lập đền thờ Bà tại quần thể di tích Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên thị trấn Nưa. Hiện nay xung quanh vùng Núi Nưa còn rất nhiều địa điểm, địa danh gắn với truyền thuyết liên quan đến cuộc khởi nghĩa Bà Triệu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nơi đây mây mù bao phủ, nhất là vào sáng sớm. Người dân và du khách lên đây được đi trong làn sương mù huyền ảo.

Đỉnh Núi Nưa, nơi có động Am Tiên là một khu đất rộng và khá bằng phẳng. Tuy ở độ cao 585m so vơi mực nước biển nhưng ở đấy vẫn có mạch nước ngầm chảy ra trong vắt đã tạo thành một cái giếng tự nhiên rất đặc biệt mà dân gian đặt tên là Giếng Tiên. Tương truyền là giếng dành riêng cho Bà Triệu lấy nước rửa mặt mỗi khi xung trận. Phía dưới có một hố nước rộng gọi là Ao Hóp. Tương truyền đây là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho nghĩa quân Bà Triệu. Trên đỉnh Núi Nưa ngoài động Am Tiên còn có bàn cờ Tiên, vườn thuốc Tiên và vườn Đào Tiên. Những nơi này sử sách và truyền thuyết đã nhắc đến như một trung tâm của sự tu tiên đắc đạo. Nơi này còn có ngôi chùa cổ gọi là chùa Am Tiên. Đền Chúa Thượng Ngàn và miếu Tu Nưa thờ vị đạo sĩ thời Trần, Hồ. Ngoài ra nơi đây còn có cả khu vực thờ lộ thiên để thờ thần núi Tản Viên.

Phong tục xin và cho chữ, một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt trong những ngày đầu xuân.
Phong tục xin và cho chữ tại lễ hội Đền Nưa, một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt trong những ngày đầu xuân.

Theo dấu tích của nền móng cũ, trong thời gian qua nhân dân địa phương đã tự nguyện đóng góp tiền của, công sức để dựng lại chùa Am Tiên, đền Bà Chúa, đền Tu Nưa để thờ phụng. Ở khu vực Am Tiên nhân dân còn phát hiện được nhiều hiện vật có giá trị bằng đá, gạch thời Lê và thời Nguyễn. Những hiện vật này minh chứng về sự tồn tại lâu đời của các loại hình kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo Phật-Đạo-Mẫu trên đỉnh núi Ngàn Nưa này.

Chính vì vậy, khu vực Am Tiên trên đỉnh Núi Nưa không chỉ là căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu chống quân Ngô mà còn là huyệt đạo linh thiêng nhất xứ Thanh. Tương truyền, Việt Nam có 3 huyệt đạo thiêng. Ngoài huyệt đạo ở núi Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội) và huyệt đạo ở núi Bà Đen (Tây Ninh) thì nơi đây chính là huyệt đạo thiêng thứ 3 của đất nước. Huyệt đạo ở Am Tiên được xem là nơi năng lượng vũ trụ của Trời và Đất giao hòa, cũng là một trong những huyệt đạo quan trọng nhất của nước Việt Nam.

Hàng năm, cứ vào ngày mùng 9 tháng Giêng Âm lịch là ngày “mở cổng trời”. Người dân tứ phương thường đến đây cầu cho một năm mới mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc, đủ đầy... Theo tín ngưỡng nơi “mở cổng trời” là vị trí cao nhất của đỉnh núi, vị trí huyệt đạo.Vào những ngày trời quang mây tạnh, từ huyệt đạo có thể quan sát làng mạc, những cánh đồng rộng lớn. Theo quan niệm dân gian, người dân và du khách khi đến huyệt đạo, nam đi 7 vòng, nữ đi 9 vòng xung quanh sẽ có được may mắn trong năm.

Ngày 27/3/2009, quần thể di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh núi Nưa gồm núi Nưa - đền Nưa - Am Tiên đã được nhà nước xếp hạng di tích thắng cảnh cấp Quốc gia.

Ảnh minh họaDu khác đến khu di tích lịch sử Am Tiên, thắp hương Đền Mẫu, đi vòng quanh huyệt đạo thiêng, ngắm cảnh, thăm và uống nước giếng Tiên,... để cầu cho một năm mới may mắn, bình an.
Du khách đến khu di tích lịch sử Am Tiên, thắp hương lễ bái tại huyệt đạo thiêng, ngắm cảnh, uống nước giếng Tiên,... để cầu cho một năm mới may mắn, bình an.

Theo đại diện của Ban quản lý di tích lễ hội Đền Nưa – Am Tiên, để đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách thập phương đến tham quan, vãn cảnh, dâng hương hành lễ tại khu di tích Đền Nưa – Am Tiên, nhân dân và du khách phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid – 19. Thực hiện đúng khuyến cáo 5 k của bộ y tế, đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn, giữ khoảng cách. Không tụ tập đông người, khai báo y tế, không tập trung quá 20 người trong cùng một thời điểm.

Du khách phải tiêm đủ 2 liều vắcxin từ 14 ngày trở lên, hoặc đã khỏi bệnh Covid 19 và có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ. Những người thuộc diện cách ly y tế hoặc theo dõi sức khỏe tại nhà, hoặc có dấu hiệu sốt ho, khó thở thì không tham gia tín ngưỡng, thờ tự tại khu di tích.

Để đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy, nhân dân và du khách không mang các vật dụng dễ cháy vào trong các đền, không tự ý thắp hương, đốt nến trong đền, vì đã có hương vòng của nhà đền thắp, chỉ thắp hương tại lưu hương trước sân đền, không cắm hương vào các gốc cây trước nhà đền, dọc lối đi lên huyện đạo và các gốc cây trong toàn thể khu di tích; chú ý giữ gìn vệ sinh – môi trường trong khu di tích.

Ảnh minh họaTheo quan niệm dân gian, người dân và du khách khi đến huyệt đạo, nam đi 7 vòng, nữ đi 9 vòng xung quanh sẽ có được may mắn trong năm.
Theo quan niệm dân gian, người dân và du khách khi đến huyệt đạo, nam đi 7 vòng, nữ đi 9 vòng xung quanh sẽ có được may mắn trong năm..

Bà Vũ Thị Sớn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, 76 tuổi là người gần như năm nào cũng lên đỉnh ngàn Nưa để dâng hương, cầu cho năm mới được may mắn, bình an. Bà cho biết, đến Am Tiêm du xuân, điều quý giá nhất mà bà nhận thấy ở đây là vẫn giữ được nét cổ kính xưa và quy tắc đền chùa, không bị thương mại hóa. Ngoài ra, không khí, môi trường, cảnh quan tại Am Tiêm rất linh thiêng, huyền ảo. Người đi lễ khá nề nếp tạo cho bà cảm thấy thoải mái khi du xuân. Khi đến chùa Am Tiên, thắp hương đền Mẫu, đi vòng quanh huyệt đạo thiêng, ngắm cảnh, thăm và uống nước giếng Tiên, bà cảm thấy rất thanh thản. Mặc dù ngày lễ "mở cổng trời" năm nay diễn ra khi thời tiết mưa xuân và rất lạnh nhưng bà cùng nhiều người vẫn mặc áo mưa, đội nón đến đền Nưa đi lễ.

Hiền Minh