Cục trưởng Cục Việc làm: Thị trường lao động là một cân đối lớn của nền kinh tế

16:41 14/04/2023

Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội- Vũ Trọng Bình khẳng định như vậy tại Hội nghị tập huấn công tác truyền thông về lĩnh vực việc làm diễn ra trong ngày 14/04/2023 tại TP. Đà Nẵng.

Cục trưởng Vũ Trọng Bình cho biết, lần đầu tiên khi Nghị quyết của Chính phủ về Đề án 06 mà trong đó dấu ấn lớn nhất là tư duy Chính phủ coi thị trường lao động là một cân đối lớn của nền kinh tế. Đây là tư duy đầu tiên không nhìn thị trường lao động chỉ dưới góc độ an sinh mà như một yếu tố của mô hình tăng trưởng. Bởi vì khi nhìn thị trường lao động là một yếu tố của mô hình tăng trưởng thì lúc thiết kế quy hoạch về đầu tư cả nước vùng, miền, nguồn lao động sẽ được bố trí phù hợp tùy theo khu vực…

Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội Vũ Trọng Bình phát biểu trong hội nghị
Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội Vũ Trọng Bình phát biểu trong hội nghị.

Bên cạnh đó, Cục trưởng cũng cho rằng, vai trò truyền thông của các cơ quan báo chí đối với lĩnh vực này là rất quan trọng, cơ quan quản lý nhà nước thông qua cơ quan truyền thông báo chí nắm bắt được tình hình thực tiễn và tránh xa rời thực tế…

Cũng tại Hội nghị, ông Vũ Phạm Dũng Hà - Trưởng phòng Chính sách Việc làm đã trình bày về việc cần thiết phải xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) nhằm xuyên suốt chủ trương của Đảng về mục tiêu giải quyết việc làm bền vững, chất lượng, phát triển nguồn nhân lực (một trong ba khâu đột phá chiến lược) và hỗ trợ phát triển thị trường lao động. Cụ thể như phải tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn. Chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động; tạo môi trường và điều kiện để phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước. Tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, nâng cao chất lượng dự báo nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động và chất lượng dịch vụ việc làm; khuyến khích xây dựng các mô hình liên kết, đào tạo và giới thiệu việc làm; có cơ chế, chính sách định hướng dịch chuyển lao động thông thoáng, phân bố hợp lý lao động theo vùng. Chú trọng bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe người lao động. Nâng cao chất lượng của lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài. Giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức hợp lý.

Ông Hà cũng nêu rõ những vướng mắc còn tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện Luật Việc làm chưa có quy định về việc đăng ký lao động nên quản lý lao động còn hạn chế, nhất là đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động. Quy định cho vay giải quyết việc làm về nguồn vốn, đối tượng và điều kiện vay không còn phù hợp với thực tiễn. Chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ tập trung 05 nhóm đối tượng trong khi một số đối tượng khác cũng cần được nghiên cứu, xem xét, bổ sung. Chưa có các quy định về chính sách hỗ trợ người lao động trong bối cảnh già hóa dân số, chính sách thúc đẩy chính thức hóa việc làm khu vực phi chính thức. Một số chính sách hỗ trợ thanh niên cần được nghiên cứu, bổ sung để đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành. Ngoài ra, cũng chưa có quy định về việc công bố chỉ số phát triển thị trường lao động, chỉ số phát triển kỹ năng nghề, báo cáo định kỳ về tình hình, triển vọng việc làm, nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề nhằm đánh giá sự phát triển thị trường lao động, chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, vùng, toàn quốc. Các quy định liên quan phát triển kỹ năng nghề, quy định về tham chiếu, kết nối giữa khung trình độ quốc gia và khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia chưa được quy định. Sự tham gia của các bên (nhà nước, cơ sở đào tạo, người lao động, người sử dụng lao động) cũng như quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động trong đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia chưa được quy định. Nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia chưa cụ thể.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị.

Hơn nữa, cũng chưa có quy định liên quan về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với nhân viên tư vấn, giới thiệu việc làm trong tổ chức dịch vụ việc làm. Nhiệm vụ của trung tâm dịch vụ việc làm chưa bao phủ hết các hoạt động theo Công ước số 88, một số nhiệm vụ chưa được quy định trong Luật nên cơ sở pháp lý triển khai chưa rõ ràng. Chưa có quy định về hoạt động giao dịch việc làm trên môi trường mạng, quy định về điều kiện hoạt động của các bộ phận/đơn vị tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối việc làm cho học sinh, sinh viên trong cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đối với các đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động; các chế độ còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý nhiều đến các chế độ mang tính chủ động, phòng ngừa, hạn chế thất nghiệp; quy định điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề khá chặt chẽ; chế độ hỗ trợ học nghề chủ yếu giải quyết nhu cầu học, chưa chú trọng đào tạo, phát triển hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Lực lượng lao động hiện nay của cả nước có 52,1 triệu người, lao động làm công hưởng lương khoảng 25 triệu lao động. Tuy nhiên, chỉ có 17,489 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Như vậy, có khoảng 8 triệu lao động làm công hưởng lương không/chưa tham gia bảo hiểm xã hội và gần 35 triệu lao động (chiếm 2/3 lực lượng cả nước) chưa được nắm thông tin, pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể, trực tiếp điều chỉnh đối với các nhóm lao động này, làm cơ sở hoạch định và triển khai các chính sách hỗ trợ, ví dụ như các gói an sinh xã hội trong giai đoạn COVID-19.  

Mặt khác, Chính phủ đang đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), là Đề án liên quan trực tiếp đến những đột phá chiến lược, lợi ích của quốc gia, người dân và doanh nghiệp, trong đó, yêu cầu việc xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động phải gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Việt Nam cũng đang nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới (nước ta đã bước vào giai đoạn “già hoá dân số” ngay từ năm 2011, sớm hơn 6 năm so với dự báo của Tổng cục Thống kê là năm 2017). Năm 2020, cả nước có hơn 11 triệu người cao tuổi (chiếm 11,86% dân số, dự báo trong 10 năm nữa, người cao tuổi sẽ chiếm 17% dân số, đến năm 2038 là 20% và đến năm 2050 sẽ là 25%), phần lớn người cao tuổi có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con, cháu, người thân. Thực tế người cao tuổi tìm được công việc phù hợp không dễ dàng trong khi các quy định liên quan vẫn khá hạn chế. Việc đảm bảo sinh kế và có những chính sách hỗ trợ tạo việc làm, chuyển đổi việc làm trong bối cảnh già hóa dân số sẽ bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi, vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội của đất nước, từng bước thích ứng với bối cảnh già hóa dân số. 

Các đại biểu là các lãnh đạo của các cơ quan báo chí phát biểu tại Hội nghị
Các đại biểu là lãnh đạo của các cơ quan báo chí phát biểu tại Hội nghị.

Theo báo cáo tổng quan về lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam của Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2021, cả nước có 33,6 triệu lao động có việc làm phi chính thức (chiếm 68,5% tổng số lao động có việc làm cả nước), so với nhiều nước trên thế giới, tỷ lệ này vẫn ở mức cao. Gần ba phần tư lao động phi chính thức tập trung ở khu vực nông thôn (khoảng 77,9%) nơi có nhiều làng nghề truyền thống, các hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, các tổ hợp tác, không qua đào tạo hoặc không có chứng chỉ công nhận trình độ kỹ năng nghề; 40,9% lao động phi chính thức làm việc trong 03 nhóm ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo, Xây dựng và Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; lao động phi chính thức có cả trong khu vực chính thức (06 triệu lao động). Hầu hết lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội (97,8%), trong đó 35,5% lao động làm công ăn lương; chỉ có 0,1% được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và 2,1% đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh nhờ vào định hướng phát triển nền kinh tế số, thúc đẩy sự phát triển kinh tế số (đại dịch COVID-19 tạo thêm cú hích cộng hưởng để hành trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn). Phát triển kinh tế số mở ra các cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, với nhiều hình thức việc làm đa dạng, từ việc làm đòi hỏi trình độ cao (công nghệ thông tin, bảo hiểm, tài chính, …) đến những việc làm với trình độ phổ thông (giao hàng, bán hàng online,) Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển việc làm trong bối cảnh kinh tế số, chuyển đổi số; chưa có các quy định nhằm tạo hành lang pháp lý việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều tiết thị trường lao động; thúc đẩy các hoạt động dịch vụ việc làm trên môi trường mạng…

Đi tham quan thực tế mô hình của HTX nước mắm Nam Ô
Mô hình sản xuất của HTX nước mắm Nam Ô.

Hội nghị cũng đưa ra các giải pháp thực hiện hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2022 -2025, những chính sách bảo hiểm thất nghiệp và định hướng trong thời gian tới. Qua đó, sẽ mở rộng đối tượng tham gia BHTN, phát huy đầy đủ các chức năng của BHTN, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động để chính sách BHTN trở thành công cụ quản trị thị trường lao động. Quy định các vấn đề liên quan bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với định hướng sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu cũng đã đi thực tế tại một số mô hình vay vốn giải quyết việc làm hiệu quả, gồm Trung tâm dịch vụ việc làm Tp. Đà Nẵng, Khu công nghiệp, HTX nước mắm Nam Ô…

Uyển Nhi - Thảo Nguyễn