Cơ quan quản lý gặp khó khăn với thị trường thực phẩm chức năng thật, giả lẫn lộn

21:15 10/07/2023

Lợi dụng nhu cầu thực tế tăng cao của thực phẩm chức năng, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng nhưng lại dán mác nhập ngoại, lừa đảo người tiêu dùng.

Cuối tháng 5 vừa qua Đội Quản lý thị trường số 1 và số 25 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Công an huyện Chương Mỹ tiến hành kiểm tra đột xuất căn nhà cấp 4 tại xã Tiên Phương (Chương Mỹ) đã phát hiện 12.000 lọ thực phẩm chức năng giả.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện công nhân đang dán các nhãn hiệu như Lady, V3, Xtraman, HYPOLY, HeBora Collggen Enrich; Collagen Top Queen New, Glucosamine, BORA… lên vỏ hộp cùng tem chống hàng giả lên sản phẩm. Đáng chú ý, mặc dù được cho sản xuất và đóng gói tại Việt Nam nhưng các vỏ hộp thể hiện có xuất xứ từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả của Việt Nam.

Thực tế cho thấy, thực phẩm chức năng không chỉ có mặt tại các quầy tân dược mà còn được chào bán tràn lan trên mạng xã hội như Zalo, Facebook... với những lời quảng cáo khiến không ít người tiêu dùng lầm tưởng đây là thuốc chữa bệnh. Thậm chí, để nâng cao uy tín cho sản phẩm, có những đơn vị còn sử dụng hình ảnh nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong, thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam có hơn 20.000 loại sản phẩm phục vụ nhu cầu cho mọi lứa tuổi, từ vitamin đến các sản phẩm hỗ trợ trị bệnh đến làm đẹp... trong đó 60% là sản xuất trong nước. Vi phạm về chất lượng thường gặp là hàm lượng không đúng như công bố, không đạt về điều kiện độ ẩm, nhiễm vi sinh. “Có sản phẩm không có hoạt chất chính hoặc hoạt chất không được phép sử dụng sản xuất thực phẩm chức năng” - ông Phong thông tin.

Thông tin về những thủ đoạn che dấu hoạt động sản xuất thực phẩm chức năng giả mạo nguồn gốc xuất xứ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, sai phạm chủ yếu là doanh nghiệp mua sản phẩm rời từ nước ngoài về Việt Nam đóng hộp tiêu thụ nhưng không qua kiểm tra chất lượng. Để đánh lạc hướng sự chú ý cơ quan chức năng, đối tượng sản xuất  thực phẩm chức năng giả mạo nhãn hiệu, kém chất lượng đã lợi dụng sự quản lý an ninh chặt chẽ của khu chung cư, hoặc chọn những căn nhà nằm ở ngoại thành, xa trung tâm để hoạt động sản xuất hàng giả. Để xóa dấu vết nơi sản xuất, mọi thông tin, giao dịch mua hàng đều thực hiện thông qua mạng xã hội, vận chuyển thông qua ship code.

Nguyên nhân về vấn đề này chủ yếu do luật chưa theo kịp thực tiễn, đôi lúc các cơ quan quản lý tự mâu thuẫn trong việc kiểm tra, giám sát mặt hàng này. Đối với thực phẩm chức năng nhập khẩu chỉ kiểm tra nguồn gốc xuất xứ trên giấy tờ, nên chưa thể ngăn chặn hiện tượng trà trộn hàng giả, kém chất lượng vào hàng thật khi tiêu thụ.

Ngọc Phi (TH)