Cần đa dạng hoá thị trường để xuất khẩu gạo bứt tốc tăng trưởng

12:24 08/07/2023

Là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo sang hầu hết các thị trường đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt, thậm chí đột biến ở những thị trường mới. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế...

Ảnh minh họa
Xuất khẩu gạo sang Anh có nhiều triển vọng. Ảnh: TTXVN.

Để đẩy mạnh xuất khẩu gạo, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 610/CĐ-TTg về tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo; trong đó, yêu cầu củng cố duy trì ổn định thị trường truyền thống và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo, khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao tại EU, Hàn Quốc, Mỹ, khu vực Bắc Mỹ.

Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 4,27 triệu tấn gạo, thu về 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng vượt bậc trong hơn 10 năm qua. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu đạt 7,35 triệu tấn và dự kiến năm nay cũng có thể đạt và vượt con số này.

Philipines là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm hơn 1/3 tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam; Trung Quốc là thị trường xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất, tăng gần 59% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Phùng Văn Thành, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines chia sẻ, mỗi năm, Philipines sản xuất được khoảng 12 - 13 triệu tấn gạo, trong khi đó nhu cầu hàng năm của nước này là trên 15 triệu tấn gạo. Vì thế, mức thiếu hụt khoảng từ 2,5 - 3 triệu tấn gạo chính là cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Tương tự, theo ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, năm 2022 Trung Quốc nhập khẩu hơn 6 triệu tấn gạo, tăng gần 70% cao hơn mức hạn ngạch của nước này, tức là 5,3 triệu tấn.

Thế nhưng, trong 5 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu gạo của nước này mới chỉ đạt 1,6 triệu tấn, chiếm hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 44% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến đến cuối năm nay nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng lên.

Ngoài ra, xuất khẩu sang Indonesia cũng ghi nhận mức tăng trưởng đột biến và được đánh giá là thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam lớn thứ ba, chỉ sau Philippines và Trung Quốc. Kế đó là thị trường Chile, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có kim ngạch xuất khẩu gạo từ Việt Nam khá cao.

Ảnh minh họa
Vận chuyển gạo xuất khẩu tại nhà máy chế biến gạo tại Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn (Tập đoàn Lộc Trời). Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN.

Nhận định từ các chuyên gia, xuất khẩu gạo quý II/2023 tiếp tục là điểm sáng với nhiều kết quả tích cực, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu theo đúng định hướng, gia tăng xuất khẩu chủng loại gạo Việt Nam có thế mạnh. Cùng đó, tiếp tục ghi nhận xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng đem lại giá trị cao, giảm tỉ trọng xuất khẩu gạo thường chất lượng thấp.

Ông Nguyễn Phước Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Kiên Giang chia sẻ, công ty vừa chốt được đơn hàng 16.667 tấn gạo thơm sang Hàn Quốc với giá bán 674 USD/tấn. Đây là mức giá cao trong số các nước xuất khẩu gạo. Đơn hàng sẽ được thực hiện trong tháng 7-2023. Trước đó, cũng tại thị trường này, công ty vừa giao xong đơn hàng 11.347 tấn gạo.

Theo ông Nguyễn Phước Nam, xuất khẩu gạo của công ty và doanh nghiệp ngành hàng lúa gạo Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục tăng trưởng tốt do thời tiết ở nhiều quốc gia châu Á khắc nghiệt; tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán gay gắt ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc khiến nguồn cung gạo bị thiếu hụt.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Tô Ngọc Sơn đánh giá, nhu cầu nhập khẩu gạo tại thị trường truyền thống của Việt Nam như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia châu Phi tăng đang tạo cơ hội để ngành gạo tăng tốc xuất khẩu.

Đặc biệt, cả Indonesia và châu Phi đều công bố lượng nhập khẩu tăng đáng kể so với năm trước, bảo đảm dự trữ lương thực quốc gia.

Đơn cử, Indonesia đã quyết định gia tăng lượng gạo thu mua dự trữ lên 2,4 triệu tấn thay vì khoảng 1,2 triệu tấn nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Tương tự, để đáp ứng nhu cầu về gạo ước đạt trên 42,2 triệu tấn trong năm 2023, châu Phi dự kiến nhập khẩu khoảng 17,7 triệu tấn.

Chủng loại gạo nhập khẩu chính của các nước châu Phi bao gồm gạo thơm, gạo trắng và gạo tấm. Nguồn cung cấp gạo chính của châu Phi vẫn sẽ tập trung chủ yếu vào các nước Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan và Việt Nam.

Trong báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này nâng dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 tiếp tục vượt 7 triệu tấn, chủ yếu là do nhu cầu từ một số quốc gia châu Á (Trung Quốc, Indonesia..) gia tăng.

Với dự báo này, Việt Nam đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo trong năm 2023 sau Ấn Độ (22,5 triệu tấn) và Thái Lan (8,5 triệu tấn), chiếm 12,7% thương mại gạo toàn cầu.

Thực tế cho thấy, mặc dù gạo Việt Nam đã được xuất sang hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, song thị trường vẫn chưa được đa dạng hóa. Hiện tại, châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam, chiếm hơn 60% lượng gạo xuất khẩu; tiếp đến là thị trường châu Phi 22%, châu Mỹ 8%, châu Âu 5% và khu vực khác 5%.

Theo Bộ Công Thương, từ nay đến cuối năm để tận dụng cơ hội nhu cầu gạo của thị trường quốc tế đang tăng cao. Do đó, phải tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu gạo theo đúng tinh thần chỉ đạo trong Công điện của Thủ tướng Chính phủ.

Để tận dụng dư địa xuất khẩu vẫn còn cao của thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines, việc quảng bá cũng được các thương vụ Việt Nam ở các nước sở tại đẩy mạnh hơn. Ngoài ra, còn các tiêu chuẩn khác của các nước sở tại cũng được các thương vụ khuyến cáo tới các doanh nghiệp.

Ông Phùng Văn Thành, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines cho rằng, doanh nghiệp trong nước trước hết phải đảm bảo nguồn cung và chất lượng gạo của Việt Nam ổn định như các năm qua. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng cần có sự phối hợp với Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Philippines để tổ chức, tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm gạo của Việt Nam.

Đối với thị trường Trung Quốc, ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc khuyến cáo, ngoài hơn 20 doanh nghiệp đã được cấp phép, đến nay thị phía Trung Quốc cũng chưa bổ sung thêm danh sách doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo. Do đó, Hải quan Trung Quốc có thể truy xuất sản lượng cũng như hạn mức từng doanh nghiệp, vì vậy doanh nghiệp cần lưu ý không để xuất quá mức cho phép.

Nhằm phát huy vai trò cầu nối, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho hay, tới đây Cục sẽ đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương, khai thác hiệu quả FTA, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tư vấn thị trường, kết nối nhà cung ứng với nhà nhập khẩu, nhà phân phối... bằng các hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp.

Cùng đó, triển khai tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại có tính lan tỏa rộng và duy trì sự hiện diện của Việt Nam trên các sân chơi lớn phù hợp với thực tế của thị trường. Ngoài ra, Cục cũng đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại.

Để hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài chặt chẽ hơn, ông Vũ Bá Phú đề nghị Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tư vấn triển khai hiệu quả các chính sách, chương trình xúc tiến thương mại và phát triển thị trường xuất khẩu ở địa bàn sở tại. Đặc biệt, tiếp tục làm tốt việc cung cấp thông tin, kết nối đối tác xuất nhập khẩu và đầu tư giữa Việt Nam và nước ngoài.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho hay, thời gian tới Bộ Công Thương và Cục Xuất nhập khẩu sẽ chủ trì triển khai đồng bộ các chương trình trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đến năm 2030 và Chiến lược phát triển các mặt hàng chủ lực; trong đó, có Chiến lược xuất khẩu mặt hàng gạo.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo; trong đó, tập trung xây dựng hình ảnh về hạt gạo, quảng bá về nền sản xuất lúa gạo cũng như giới thiệu ứng dụng tiên tiến, khẳng định chất lượng gạo Việt.

Tuy nhiên, cùng với chiến lược phát triển của Nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gạo cần chung tay kết nối, quảng bá liên kết trong xuất khẩu gạo; trong đó, liên kết với nông dân để hình thành chuỗi sản xuất khép kín; mở rộng tìm kiếm thị trường, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Nhằm giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang đẩy mạnh xúc tiến đến thị trường mới như: khu vực châu Phi, Trung Đông, các nước Tây Á, Nam Á, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ…

Đây là khối thị trường khá tiềm năng, dù khối lượng gạo tiêu thụ có thể không lớn bằng các thị trường truyền thống, song đây là thị trường tiêu thụ các loại gạo cao cấp. Điều này sẽ góp phần rất lớn trong việc nâng cao giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam.

Uyên Hương (TTXVN)