Chuyển đổi số khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã

22:46 18/12/2022

Chuyển đổi số trở thành công cụ quan trọng để phát triển và chuyển đổi mô hình kinh tế HTX một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực; góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng tối đa sức lao động, gia tăng giá trị sản phẩm, giúp các HTX tiếp cận nhanh với thị trường và gắn với chuỗi giá trị.

Tại Việt Nam, chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước. Trong đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với tinh thần “chuyển đổi số một cách toàn diện, với sự tham gia của người dân, DN và Nhà nước”... 

Chuyển đổi số khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã
Chuyển đổi số khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã.

Hiện nay, cả nước có hơn 28.000 hợp tác xã (HTX), hơn 100 liên hiệp HTX và khoảng 100.000 tổ hợp tác, trong đó, HTX nông nghiệp chiếm khoảng 66%. Trong khi đó, tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, Trung ương đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 45.000 HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên trong đó có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đến năm 2045, các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai những nhiệm vụ cụ thể giúp HTX chuyển đổi số, như: Xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống đăng ký HTX trực tuyến có liên thông với đăng ký thuế; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong DN, HTX và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025 nhằm hỗ trợ các DN, HTX, hộ kinh doanh đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số...

Việc hoàn thiện thể chế khu vực KTTT, HTX đã tạo ra chuyển biến tích cực về chất và lượng. Về cơ bản, khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài, tận dụng và khai thác được dư địa, tiềm năng, không gian phát triển, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của một trong những thành phần kinh tế nền tảng trong nền kinh tế quốc dân. Theo Liên minh HTX Việt Nam, hiện cả nước có 28.237 HTX, trong đó, 18.785 HTX nông nghiệp, 9.452 HTX phi nông nghiệp. Hầu hết các HTX, liên hiệp HTX đã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh cụ thể. Nhiều HTX đổi mới cơ sở vật chất nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng sản xuất, tiếp cận chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới, linh hoạt, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số, thích ứng với nhu cầu thị trường. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Chuyển đổi số trở thành công cụ quan trọng để phát triển và chuyển đổi mô hình kinh tế HTX một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực; góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng tối đa sức lao động, gia tăng giá trị sản phẩm, giúp các HTX tiếp cận nhanh với thị trường và gắn với chuỗi giá trị.

Để khu vực kinh tế hợp tác, HTX chuyển đổi số thực sự mạnh mẽ, hiệu quả, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thực sự phát huy vai trò trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cần lưu ý một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII; Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số; các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 23/8/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII...

Hai là, thay đổi nhận thức, tư duy về chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác, HTX trong bối cảnh nền kinh tế số, coi đây là nhiệm vụ trong tâm và nhân tố cốt lõi gắn với đổi mới quản lý và phương thức hoạt động của mô hình kinh tế này. Chuyển đổi số là yêu cầu thực tiễn khách quan của sự phát triển, do vậy, cần có tầm nhìn xa, tổng thể; phải đẩy mạnh ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, CNTT, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng với các khu vực kinh tế khác.

Ba là, xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động để kinh tế hợp tác, HTX phát triển nhanh và bền vững. Các bộ, ngành, địa phương rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất, sửa đổi các quy định còn bất cập, cản trở phát triển của kinh tế tập thể, HTX. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật HTX năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đặc biệt nội dung chuyển đổi số phải là một nội dung cốt lõi, làm nền tảng; thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW về nội dung chính sách đặc thù cho khu vực kinh tế hợp tác, HTX trong bối cảnh nền kinh tế số.

Bốn là, xây dựng được hệ sinh thái chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX. Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về HTX, dùng chung và liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành khác; tập trung xây dựng một số nền tảng số để phục vụ, hỗ trợ cho HTX về thông tin thị trường, khoa học công nghệ; trao đổi, tư vấn pháp luật, chính sách; đào tạo; sàn giao dịch điện tử; hợp tác quốc tế...

Năm là, có chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực, ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, mở rộng thị trường cho khu vực kinh tế tập thể, bảo đảm thống nhất, đồng bộ như xây dựng các chương trình, đề án, dự án chuyển đổi số để hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính và đội ngũ tư vấn giúp các HTX thực hiện chuyển đổi số. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong khu vực DN, HTX, hộ kinh doanh. Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương hướng dẫn các tổ chức kinh tế tập thể có dự án ứng dụng, nâng cao trình độ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được vay vốn trung và dài hạn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và của các bộ, ngành, địa phương...

Sáu là, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, khu vực kinh tế hợp tác, HTX cần chủ động chuyển đổi số mạnh mẽ để tồn tại và phát triển, gắn với tăng cường năng lực quản trị HTX theo hướng công khai, minh bạch, thích ứng bối cảnh, xu hướng phát triển mới. Nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ CNTT, chuyển đổi số phù hợp; tăng cường học hỏi kinh nghiệm chuyển đổi số hiệu quả; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

P.V (t/h)