Chợ ca khúc: Người nói rẻ, kẻ chê đắt

00:00 12/10/2020

Thực sự mà nói, chưa có cái gọi là thị trường ca khúc ở Việt Nam. Chuyện mua bán từ trước tới vẫn dựa trên tính tự phát là chính. Nghĩa là ca sĩ với nhạc sĩ tự tìm đến nhau, tự thỏa thuận, định giá, thuận thì mua, vừa thì bán. Các giao dịch hầu hết là giao dịch dân sự, nên khi có bất cứ tranh chấp gì xảy ra, mọi thiệt thòi biến cố cả hai bên đều phải tự dàn xếp. Đã có thời, một số nhạc sĩ có kinh nghiệm đứng ra lập một “chợ nhạc”, hoạt động theo cách thức khá chuyên nghiệp, có hội đồng thẩm định, định giá ca khúc, thuận tiện cho bên mua, kẻ bán. Nhưng chợ đó hoạt động chưa được bao lâu thì..mất tích bởi nhiều yếu tố. Chợ ca khúc lại trở về với kiểu, mạnh ai nấy làm.

 


Mỹ Tâm là một ca sĩ chịu chi tiền cho các ca khúc độc quyền và cô cũng có nhiều bản hit được công chúng yêu thích


Bài hát giá bao nhiêu?
Từ khóa mà các ca sĩ trẻ mới vào nghề khao khát tìm kiếm nhất hiện nay là “bài hit”. Hit là những ca khúc có khả năng thu hút một lượng lớn khán giả, qua sự thể hiện của một ca sĩ nào đó. Có ca sĩ vừa dò dẫm vào nghề, tên tuổi còn lạ hoắc, chỉ sau một bài hit, bỗng nổi tiếng như diều gặp gió, cát-xê tăng với mức chóng mặt sau đó, các hợp đồng quảng cao thu về rầm rộ. Những ca sĩ trẻ nhiều bài hit được biết đến hiện nay có thể kể tên như Sơn Tùng M-TP, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh, Khởi My…Trong giới ca sĩ, nhất là những người nghiêng về dòng nhạc giải trí, có một câu nói mà ai cũng hiểu, rằng muốn thay đổi thân phận, đẳng cấp nhanh nhất, cần phải có bài hit. Bài hit là đôi cánh, nâng sự nghiệp của một ca sĩ lên một tầm mới. Đang từ ngôi sao lẹt đẹt hạng C, D, sau một bản hit được công chúng quan tâm, ca sĩ có thể vọt hạng lên A, B. Đối với người ca sĩ mà nói, bài hát hay hợp tai công chúng, nằm lòng trong công chúng là câu chuyện sống còn. Cho nên, vấn đề quan trọng nhất của ca sĩ chính là làm sao “săn tìm” được bài hát có thể hứa hẹn nâng tầm tên tuổi, vị thế của mình lên.

Và họ phải tìm đến nhạc sĩ. Để mua bài hát phù hợp với mình.

Dĩ nhiên ca sĩ phải đủ thông minh để tìm kiếm những nhạc sĩ có tố chất phù hợp, có khả năng tốt. Thông thường, những nhạc sĩ có tác phẩm đứng trong top đầu các bình chọn, các bảng xếp hạng, các giải thưởng sẽ được đưa vào tầm ngắm. Ca sĩ cùng với nhà sản xuất của mình thường phải làm việc với nhau rất kỹ trước khi tìm đến đặt vấn đề với người nhạc sĩ họ đã chọn. Nếu nhạc sĩ có sẵn bài hát phù hợp với ca sĩ thì đơn giản quá. Nhưng thông thường chuyện này ít. Mà ca sĩ và nhạc sĩ cùng với nhà sản xuất sẽ phải làm việc với nhau để cùng thiết kế một “khung” cho tác phẩm sắp ra đời, trong đó tận dụng tối đa những lợi thế của ca sĩ như chất giọng, quãng giọng, hình ảnh để sáng tác bài hát. Chủ đề của bài hát và ca từ cũng có thể được bàn tới, thỏa thuận. Sau đó sẽ là khoảng lặng chờ đợi nhạc sĩ sáng tác. Giá tiền sẽ được đưa ra trước hoặc sau khi có bài hát, tùy vào sự ưng thuận của hai bên.

Vậy giá của một ca khúc như vậy sẽ là bao nhiêu tiền?

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, tác giả bài hát nổi tiếng “Nhật ký của mẹ” tiết lộ: “ Mỗi một ca khúc của tôi có giá trung bình từ 20-30 triệu đồng. Cũng có ca khúc tôi viết rồi, có ca sĩ thích trả 50 triệu đồng nhưng tôi không bán, vì xét thấy ca sĩ đó không phù hợp để hát ca khúc đó”. Những “hit-maker” (tạm gọi là những nhạc sĩ có khả năng tạo ra những bản hit) trong thị trường nhạc trẻ hiện nay như Mr Siro, Tiên Cookie, Vũ Cát Tường, Châu Đăng Khoa, Hoàng Duy, Sơn Tùng M-TP thì mỗi người đưa ra một con số khác nhau khi nói đến chuyện “bán ca khúc”. Theo một chuyên gia nhận định, giá một ca khúc của các nhạc sĩ ăn khách nhất hiện nay vào khoảng 70 đến 80 triệu đồng. Mới đây nhất, Sơn Tùng M-TP bán bản quyền hit “Lạc trôi” do chính anh sáng tác và biểu diễn cho ê-kip làm phim “Lục Vân Tiên” với giá trăm triệu. Một câu chuyện lùm xùm tốn giấy mực báo chí, là thông tin nhạc sĩ trẻ Tiên Cookie, tác giả của một loạt bản hit như “Tâm sự với người lạ”, “Valentine chờ”, “Sau tất cả”… đã đưa ra mức giá 100 triệu đồng cho bản quyền một ca khúc và chỉ bán sỉ 3 bài. Cô đảm bảo rằng, bán giá đó cho những ca khúc “bao ăn khách”, nghĩa là nó có nhiều khả năng trở thành những bản hit.  Giới ca sĩ lập tức đưa ra bình luận về thông tin này. Nhiều người cho rằng, giá bản quyền như vậy là quá đắt, và bán sỉ 3 bài một lúc như thế càng làm khó ca sĩ.

Nhạc sĩ Dương Khắc Lynh phát biểu, anh đảm bảo rằng, không một nhạc sĩ nào khi bán bản quyền ca khúc dám phát biểu thêm một câu “bao ăn khách”. Vì số phận một bài hát phụ thuộc quá nhiều yếu tố, không thể nói chủ quan theo ý nhạc sĩ. Và cũng đừng nghĩ rằng mua một ca khúc giá cao thì nó nghiễm nhiên sẽ trở thành bản hit. Nhiều ca sĩ bỏ một khoản tiền lớn đầu tư sản phẩm, từ khâu mua ca khúc đến khâu sản xuất mà sản phẩm làm ra có khi vẫn nếm mùi thất bại như thường. Nhạc sĩ Dương Khắc Lynh nói thêm, ngay cả khi nhạc sĩ bán 100 triệu/ 1 ca khúc thì cũng không phải con số lớn. Ở nước ngoài, một người nhạc sĩ có thể viết 3 bản hit là có thể về hưu, ung dung sống bằng nghề. Ở ta, thói quen của số đông thường quên nhạc sĩ, và cho rằng, một bài hát hay, được nhớ đến là công của ca sĩ. Họ quên mất rằng, người sáng tác cũng vô cùng quan trọng. Một ca sĩ bỏ một khoản tiền mua ca khúc, nếu thành công, họ có thể sử dụng ca khúc đó trong một thời gian dài và kiếm về rất nhiều tiền so với số tiền ban đầu. Tiên Cookie cũng lên tiếng, rằng cô không nói chuyện “bao ăn khách” về những ca khúc của mình, bởi không người sáng tác nào có thể đảm bảo việc đó. Mà nếu thực sự là có thể “bao ăn khách”, thì ca khúc không phải có giá 100 triệu, nó phải cao hơn thế nhiều.

Sơn Tùng M-TP, gương mặt ăn khách của đời sống giải trí

Hàng hiệu, hàng chợ và câu chuyện tiền nào của nấy

Một số ý kiến cho rằng, việc định giá ca khúc theo kiểu tự do, thuận mua vừa bán đang làm giảm giá trị của tác phẩm nghệ thuật đi. Khi người ca sĩ sẵn sàng bỏ tiền mua ca khúc, và người nhạc sĩ sẵn sàng sáng tác theo đặt hàng của ca sĩ, không quan tâm nhiều đến cảm xúc cá nhân, cái tôi riêng của mình, chỉ đơn thuần chạy theo thị hiếu đám đông thì đời sống âm nhạc mỗi lúc sẽ có thêm những ca khúc cho dù ăn khách đi nữa cũng chẳng để lại mấy giá trị về nghệ thuật. Nỗi lo này không phải không có cơ sở. Nhưng thiết nghĩ, quy luật của đời sống là quy luật đào thải. Những cái nhất thời thì cũng sẽ chỉ tồn tại nhất thời. Người nhạc sĩ nếu sáng tác chỉ để kiếm tiền, thì sớm hay muộn họ cũng sẽ biến mất trong đời sống nghệ thuật. Người ca sĩ nếu chỉ nhăm nhăm chạy theo công chúng, sẽ đến lúc họ bị công chúng bỏ lại đằng sau, khi có những gương mặt mới hấp dẫn hơn. Vấn đề ở đây là khả năng hài hòa của cả người sáng tác lẫn người biểu diễn. Họ phải tự nhận biết vai trò, sứ mệnh của mình khi hoạt động trong môi trường nghệ thuật. Người làm nghề phải thường trực ý thức giữ gìn lòng tự trọng của mình. Phần lớn các nhạc sĩ tên tuổi khi trả lời phỏng vấn thường nói, không phải cứ ca sĩ tìm đến là họ viết theo đặt hàng. Họ có thể từ chối nếu yêu cầu của ca sĩ không phù hợp. Họ hiểu rằng, chẳng có bản hit nào được tạo ra nếu như không có sự “ăn rơ” giữa ca sĩ và nhạc sĩ. Một tác phẩm được định giá bằng tiền, nhưng trong sâu thẳm phải là một sự đồng điệu. Cả nhạc sĩ và ca sĩ đều cần điều đó để cho một ca khúc được thăng hoa. Ca sĩ không “ngu” gì mà bỏ tiền chỗ không phù hợp, không mang về hiệu quả (ít ra là tin như vậy). Cho nên, mọi lo lắng sẽ trở nên dư thừa, chỉ cần chúng ta yên tâm để cho đời sống thị trường điều tiết theo cách của nó. Khi xem ca khúc là một hàng hóa đặc biệt thì chuyện định giá tiền, thuận mua vừa bán cũng là bình thường.

Tiên Cookie, nữ nhạc sĩ trẻ tuổi có nhiều bản hit được công chúng yêu thích

Ca sĩ Hà Anh Tuấn từng phát biểu chí lý: “Chúng ta đừng ngại ngần nói chuyện mua và bán trong nghệ thuật. Bởi mỗi người khi trưởng thành đều phải “bán” một thứ gì đó để tồn tại và chia sẻ với cộng đồng. Đừng quan niệm rằng nghệ thuật thì không thể bán, cho rằng như thế là rẻ tiền, phi nghệ thuật. Chỉ khi nào người ca sĩ đi hát đừng lấy tiền nữa, đừng đòi lợi ích từ công chúng nữa thì hãy nói như vậy”. Cho nên, việc một nhạc sĩ ra giá cho ca khúc hay một ca sĩ trả giá ca khúc đó là hoàn toàn bình thường. Khi hàng hóa là một sản phẩm nghệ thuật, việc định giá sẽ không dễ như khi ta mua một món đồ ngoài siêu thị. Vấn đề nằm ở chỗ cả hai bên đều thấy xứng đáng thì giao dịch sẽ được thực hiện. Những giao dịch như vậy, xét cho cùng cũng là làm minh bạch hóa đời sống biểu diễn của ta, bao nhiêu năm vẫn quen với kiểu “ùm xòe”. Công chúng thì quen thưởng thức nghệ thuật chùa, không muốn trả tiền. Ca sĩ muốn hát mà không phải trả tác quyền. Các đơn vị sử dụng nghệ thuật thì lảng tránh tác quyền. Còn người nhạc sĩ thì loay hoay kiếm sống bằng những nghề khác, không phải bằng âm nhạc. Đã đến lúc mọi thứ cần phải được quân bình lại, để phía người sáng tạo đỡ bị thiệt thòi. Chúng ta đã nhìn thấy trong quá khứ, phần lớn các nhạc sĩ viết ra nhiều bài hát hay đều sống trong thiếu thốn, nghèo khổ, không có tiền. Theo quy luật thị trường, câu chuyện hàng hiệu hay hàng chợ sẽ được phân định lại, khi mà chính những người trong cuộc hiểu được rằng “tiền nào thì của nấy”. Rằng muốn sử dụng chất xám của những người có tầm thì phải trả giá đúng tầm. Khi người sáng tác được coi trọng hơn, kiếm tiền tốt hơn thì họ cũng sẽ dành được nhiều thời gian hơn cho sáng tác, đóng góp những tác phẩm tốt hơn cho đời sống âm nhạc. Khi thị trường có sự phân khúc rõ ràng, sản phẩm tương ứng với mức giá phù hợp, thì hiển nhiên đời sống biểu diễn cũng bớt đi những bát nháo, lộn xộn không cần thiết.

Khi một ca sĩ trẻ mới vào nghề, họ rất cần tạo dấu ấn trong công chúng bằng những bản hit (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, để đi đến mục tiêu đó, “chợ nhạc” hôm nay rất cần sự vào cuộc của các nhà quản lý, các ngành chức năng liên quan đến văn hóa, đời sống biểu diễn. Phải có một cơ cấu quản lý cũng như một hành lang pháp lý đủ chặt chẽ để giao dịch của nhạc sĩ với ca sĩ được bảo hộ về mặt luật pháp. Khi một ai đó bị xâm hại về quyền lợi, họ phải được bảo vệ tốt nhất, tránh những cãi vã, thiệt thòi đáng tiếc.

Bình Nguyên