Nhu cầu đi lại cao, giá vé hợp lý thúc đẩy ngành đường sắt đạt lãi cao

16:18 02/05/2024

Chỉ sau 3 tháng đầu năm, Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn đã hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm lần lượt khoảng 2,8 lần và 3 lần. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Nhu cầu đi lại tăng cao, giá vé hợp lý giúp Đường sắt Hà Nội và Sài Gòn báo lãi quý đầu năm gấp 3 lần kế hoạch đề ra.

Báo cáo tài chính mới đây cho thấy, Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội (HRT) đạt doanh thu quý I hơn 710 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ 2023. Chỉ tiêu này đạt mức cao nhất gần 9 năm qua. Doanh nghiệp báo lãi hơn 34 tỷ đồng sau thuế, tăng 87%. Mức trên cải thiện đáng kể so với khoản lỗ gần 84 tỷ đồng quý cuối năm ngoái.

Tương tự, Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn (SRT) ghi nhận doanh thu 3 tháng đầu năm tăng hơn 13% lên khoảng 556 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu cao nhất gần 5 năm qua. Lợi nhuận sau thuế tích lũy thêm 25%, đạt gần 33 tỷ đồng, cải thiện hơn hẳn mức lỗ gần 70 tỷ cuối năm 2023.

Đáng chú ý, hồi đầu năm, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) chỉ thận trọng đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 đạt 6.258 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 5 tỉ đồng trong bối cảnh lo ngại nền kinh tế và thu nhập người dân chưa phục hồi ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, lạm phát tăng, đẩy giá nhiên liệu lên cao. Như vậy, chỉ sau 3 tháng đầu năm, Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn đã hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm lần lượt khoảng 2,8 lần và 3 lần. 

Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn là hai thành viên có quy mô lớn nhất thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. HRT quản lý các tuyến từ Hà Nội đi TP HCM, Lào Cai, Đồng Đăng, Hải Phòng và hai tuyến Yên Viên - Quán Triều, Kép - Cái Lân. Công ty còn tổ chức vận chuyển hàng hóa, hành khách quốc tế qua hai cửa khẩu Hà Khẩu và Hữu Nghị. Doanh nghiệp này cho biết, đang sở hữu 600 toa vận chuyển khách hàng, 3.300 toa vận chuyển hàng hóa với 5.000 lao động.

Trong khi đó SRT quản lý các tuyến từ TP HCM đi Hà Nội, Nha Trang, Tuy Hòa, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Lào Cai, Hải Phòng, Lạng Sơn... Công ty này còn kinh doanh tour du lịch tới các điểm danh lam, thắng cảnh. Ngoài ra, SRT còn sở hữu địa điểm kinh doanh tại những nhà ga lớn trên cả nước như Sóng Thần, Sài Gòn, Nha Trang, Đà Nẵng, Giáp Bát, Hà Nội, Lào Cai và Đồng Đăng.

Trong năm nay, Tổng công ty quyết tâm hoàn thành kế hoạch được giao, phấn đấu duy trì đà tăng trưởng của các chỉ tiêu hợp nhất về doanh thu, lợi nhuận, thu nhập người lao động, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước và thực hiện tốt nhiệm vụ công ích về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.

Từ sau đại dịch Covid-19, ngành đường sắt ghi nhận bước phục hồi và tăng trưởng ngoạn mục. Liên tiếp các đoàn tàu mới "sang chảnh" ra mắt giúp các tuyến tàu hỏa nhanh chóng "chen chân" vào bản đồ sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút sự lựa chọn của rất nhiều đối tượng hành khách. Cùng với đó, ngành đường sắt bắt nhịp "cuộc đua" tàu liên vận quốc tế khá nhanh, góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển, nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế của đường sắt. 

Theo kế hoạch trong năm nay, VNR sẽ tiến hành hợp nhất 2 công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn nhằm nâng cao được năng lực cạnh tranh, tăng sản lượng, doanh thu và giảm chi phí.

Hiện các phương án về nhân sự, tài chính, lao động, phương án hoạt động đã được xây dựng và trình xin ý kiến các cấp có thẩm quyền. Dự kiến sớm nhất quý 2, Tổng công ty sẽ thực hiện hoàn tất. Song song, triển khai đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngày 28/2/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.

Vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc-Nam, các hành lang vận tải chính Đông-Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn. Đây có thể được ví như “phát pháo lệnh” nhằm chấn hưng một phương thức vận tải có nhiều ưu việt, nhưng đang chậm đổi mới, lạc hậu.

Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải đã hoạch định chiến lược, xác định phát triển ngành đường sắt dựa trên ba trụ cột: Kết cấu hạ tầng (gồm bảo trì và quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng), vận tải và công nghiệp đường sắt. Bộ sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách với lĩnh vực đường sắt; đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu chính sách về công nghiệp đường sắt và công nghiệp hỗ trợ (cơ khí, chế tạo, luyện kim...) giúp ngành phát triển bền vững, nhất là đối với đường sắt tốc độ cao chuẩn bị đầu tư trong thời gian tới.

Thu Trà (T/h)