Tăng cường quảng bá, giới thiệu di sản, văn hóa Việt trên không gian thực tế ảo

20:40 14/07/2022

Dự án “Đường vào vương quốc các Vua Hùng trên không gian thực tế ảo” do văn phòng UNESCO tại Việt Nam phối hợp với một số đơn vị triển khai sẽ có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, quảng bá, giới thiệu Di sản, văn hóa Việt tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế; góp phần tạo sản phẩm du lịch thực tế ảo phục vụ du khách...

Xây dựng bản đồ điểm đến tâm linh phục vụ du khách trên không gian mạng

Dự án “Đường vào vương quốc các Vua Hùng trên không gian thực tế ảo” chính thức được khởi động ngày 10/4 tại Hà Nội. Đây là một hoạt động văn hóa đặc biệt trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương nhân kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2012-2022). 

Ảnh minh họa
Họp báo công bố dự án.

Dự án được hợp tác triển khai bởi Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Chương trình Truyền thông Việt đồng hành cùng doanh nghiệp (TTV), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nền tảng không gian số vì sức khỏe cộng đồng (CCH), Công ty Cổ phần Câu lạc bộ Laicity.

Tại lễ công bố khởi động dự án, Ban Tổ chức cho biết, sẽ có nhiều hoạt động trở về cội nguồn lịch sử dân tộc được tổ chức. Trong đó, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tham gia bảo trợ các chương trình nghiên cứu về văn hóa Hùng Vương, trong đó có lĩnh vực Phật giáo thời kỳ Hùng Vương. Một trong những điểm nhấn của dự án là chương trình nghệ thuật đặc biệt "Vua Hùng dựng nước" được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình An Viên; Phát triển chuyên mục “Đường vào vương quốc các vua Hùng” trên Truyền hình An Viên và các nền tảng mạng xã hội Phật giáo Butta, Laicity. 

Ảnh minh họa
Chương trình Linh thiêng cội nguồn - Đất Tổ Hùng Vương nhằm giáo dục truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Đồng thời, nhiều hoạt động khác của dự án Đường vào Vương quốc các vua Hùng trên không gian thực tế ảo sẽ được triển khai với sự hợp tác của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Văn hóa Hùng Vương nhằm giới thiệu và quảng bá văn hóa, Di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; khai thác di sản văn hóa trong phát triển du lịch...; Tổ chức tặng tượng Vua Hùng cho nhiều Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài.

Theo Ban Tổ chức, dự án sẽ góp phần thúc đẩy Lễ Giỗ tổ Hùng Vương toàn cầu và có kế hoạch lan tỏa, giới thiệu tới đông đảo cộng đồng người Việt Nam và bạn bè quốc tế trên thế giới về văn hóa tín ngưỡng của người Việt cùng những tiềm năng thế mạnh của sản phẩm du lịch tâm linh tại Việt Nam. Không chỉ có vậy, ứng dụng không gian mạng lan tỏa truyền thống văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam sẽ góp phần tăng cường đoàn kết tôn giáo, mở không gian đối thoại và chia sẻ sự hiểu biết lẫn nhau giữa các tôn giáo trên thế giới. Hợp tác với nhiều chùa trên cả nước, từng bước triển khai Bản đồ chùa Việt trên nền tảng không gian mạng của Laicity. 

Ảnh minh họa
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 được tỉnh Phú Thọ tổ chức theo quy mô cấp tỉnh.

Chia sẻ với PV Tạp chí Du lịch, đại diện Ban Tổ chức – ông Nguyễn Mạnh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Thường trực TTV cho biết: “Chúng tôi đang bắt tay vào công tác phục dựng lại các di tích đình, chùa Việt, những nơi có thờ Vua Hùng, các quần thể di tích có giá trị lịch sử tại 63 tỉnh, thành trên không gian thực tế ảo. Với các hạng mục này sẽ góp phần giúp du khách trong nước và quốc tế chưa có điều kiện tham quan trực tiếp có thể tham quan qua không gian thực tế ảo này. Tức là chỉ cần đeo kính 3D du khách có thể khám phá các địa danh, vãn cảnh chùa Việt trên nền tảng không gian số...”.

Theo kế hoạch, từ nay đến tháng 9/2022, dự án sẽ triển khai hoàn thiện số hóa 3 di tích tiêu biểu tại 3 miền. Trước tiên, sẽ tiến hành ở các ngôi chùa nổi tiếng, có giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu ở 3 miền Bắc – Trung – Nam để thực hiện công tác số hóa này. Tại Hà Nội, dự án sẽ triển khai ở chùa Đậu.

Kế thừa và phát huy giá trị văn hóa cội nguồn và y học dân tộc

Bên cạnh lễ khởi động dự án, cũng diễn ra lễ ký kết hợp tác chiến lược kế thừa, phát huy cội nguồn văn hóa Việt và Y học cổ truyền trong phát triển sức khỏe cộng đồng.

Để phát huy giá trị nhiều bài thuốc Nam của Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh và một số lương y có bài thuốc giá trị, các đơn vị sẽ nghiên cứu và thực hiện chương trình Bảo dưỡng thân tâm hậu COVID-19. Trong đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ phát động phong trào trồng cây thuốc nam trong khuôn viên các chùa, cơ sở tự viện và phổ biến sử dụng các bài thuốc Nam của Thiền sư Tu Tĩnh trong công tác từ thiện xã hội chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lịch sử Phật giáo Việt Nam đã thể hiện tinh thần nhập thế sâu sắc. Tinh thần nhập thế đó đã tạo ra nhiều thế hệ các Thiền sư, đồng thời là các lương y, thầy thuốc vĩ đại trở thành các vị tổ sư của nền Nam y cổ truyền Việt Nam. Đó là Đại y Tuệ Tĩnh Thiền sư (1330-1400).

Thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư Tiến sĩ Trương Việt Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nam Y Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Nền tảng không gian số vì sức khỏe cộng đồng cho hay, việc phối hợp, hợp tác triển khai các chương trình vì cộng đồng trên không gian mạng sẽ góp phần kế thừa, phát huy cội nguồn văn hóa Việt Nam cũng như y học cổ truyền nhằm gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống thiêng liêng của người Việt Nam trong tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng. Đây là nét văn hóa sâu sắc, đạo lý uống nước nhớ nguồn, và triết lý tri ân báo ân của Đạo Phật. Đồng thời, phát huy tinh thần nhập thế của Phật giáo tạo nên sức mạnh để dân tộc ta luôn đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức với tinh thần độc lập, tự chủ và phát huy mọi nội lực để trường tồn.

Thời gian tới, các đơn vị sẽ phối hợp thực hiện xây dựng dự án Vinh danh Đại thiền sư Tuệ Tĩnh là danh nhân văn hóa thế giới nhằm đẩy mạnh thương hiệu, giá trị của nền y học dân tộc Việt với những nét văn hóa đặc sắc mang tầm quốc tế…

Theo Tạp chí Du Lịch