Chiến lược Đại dương xanh và Đại dương đỏ trong kinh doanh

16:28 05/01/2024

Trong khi nhiều doanh nghiệp ưa chuộng việc tận dụng thị trường thông qua chiến lược đại dương xanh, có những tổ chức lại lựa chọn đối mặt trực tiếp với đối thủ thông qua chiến lược đại dương đỏ. Vậy sự khác nhau giữa 2 chiến lược này là gì?.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Hiện nay, nhiều ngành kinh doanh đang phải đối mặt với tình trạng cung quá vượt cầu trong cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường nhằm duy trì sự thành công của doanh nghiệp. Để thực sự đạt được kết quả cao và bền vững, doanh nghiệp cần mở rộng tầm nhìn hơn việc chỉ đơn thuần là cạnh tranh lành mạnh với đối thủ. Để tận dụng những cơ hội mang lại lợi nhuận và đạt được tăng trưởng cao, doanh nghiệp cần định hình và tạo ra những đại dương xanh.

Để có cái nhìn sâu sắc và chiến lược hiệu quả trong quá trình hoạt động kinh doanh, người lập kế hoạch chiến lược cần thấu hiểu và làm rõ các khía cạnh về chiến lược Đại dương xanh và Đại dương đỏ.

Đại dương xanh hay chiến lược Đại dương xanh đề cập đến những khoảng trống trên thị trường chưa được khám phá. Tuy nhiên, khoảng trống này lại rất giàu tiềm năng và chứa đựng nhiều cơ hội phát triển để mang lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp. Trong cơ cấu đặc biệt này, sự cạnh tranh không còn là yếu tố cần thiết, vì quy tắc trò chơi chưa được thiết lập sẵn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trái lại, Đại dương đỏ đề cập đến thị trường truyền thống đã bị bão hòa, nơi mà các đối thủ cạnh tranh đã chiếm phần lớn ưu thế và khai thác sâu. Trong lĩnh vực này, ranh giới được xác lập và chấp nhận với quy luật cạnh tranh được định rõ. Các doanh nghiệp phải nỗ lực vượt lên trên để giành được thị phần lớn hơn trong thị trường này. Khi có nhiều bên tham gia, thị trường rộng lớn này sẽ chia thành các phân khúc nhỏ hơn. Do đó, khả năng đạt được lợi nhuận và tăng trưởng sẽ giảm đi một phần.

Về giá trị, chiến lược Đại dương xanh tạo ra giá trị đột phá cho người mua và doanh nghiệp, mở ra thị trường mới không có cạnh tranh. Sự đổi mới giá trị là nền tảng của chiến lược này, từ đó giúp doanh nghiệp chuyển từ việc đánh bại đối thủ sang việc làm cho quá trình cạnh tranh trở kém quan trọng. Điều này là kết quả của tư duy và triển khai chiến lược mới để tránh cạnh tranh.

Thực tế, hầu hết các chiến lược Đại dương xanh cuối cùng đều bị sao chép và nhân bản. Để tránh điều này, doanh nghiệp cần giám sát giá trị của công ty trên bản đồ chiến lược, việc này giúp xác định khi nào cần tái đổi mới Đại dương xanh, đồng thời cảnh báo khi cần xây dựng chiến lược mới để tránh sự hội tụ với đối thủ cạnh tranh.
Tuy nhiên, thay vì chú trọng đến chiến lược Đại dương xanh hay Đại dương đỏ, doanh nghiệp nên tập trung vào việc mở rộng và cải tiến các hoạt động hiện tại. Điều này bao gồm mở rộng địa lý và cải tiến vận hành để đạt được lợi thế kinh tế theo quy mô và chiếm thêm thị phần. Quyết định lựa chọn giữa đại dương xanh và đại dương đỏ nên dựa trên mục tiêu cụ thể của doanh nghiệp, từ đó tạo ra nhiều cơ hội hơn để xây dựng lợi thế cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp.
H.C (t/h)