8 lời khuyên của Jeff Bezos về cách điều hành công ty và quản lý nhóm

17:37 08/05/2024

Jeff Bezos đã dành gần ba thập kỷ ở vị trí lãnh đạo Amazon. Người kế nhiệm ông, Andy Jassy, đã gọi ông là “nhà lãnh đạo doanh nghiệp khác thường nhất trong thời đại của chúng ta”.

Ảnh minh họa

Andy Jassy đã gọi ông là "nhà lãnh đạo doanh nghiệp khác thường nhất trong thời đại của chúng ta". Trong 27 năm lãnh đạo Amazon, Jeff Bezos đã dạy người kế nhiệm của mình, Jassy, và những người khác rất nhiều về cách điều hành một trong những công ty lớn nhất thế giới.

Dưới đây là một số lời khuyên mà ông đã chia sẻ trong nhiều năm qua về việc quản lý một đội nhóm và cả công ty.

Nghĩ về đại cục

Jeff Bezos “luôn có cách khiến người khác suy nghĩ lớn hơn”, Jassy nói tại một buổi nói chuyện năm 2017. 

"Thật ngạc nhiên khi thấy có bao nhiêu ý tưởng được trình bày với ông ấy từ các nhóm, mà tôi nghĩ đó là những ý tưởng rất hay và chúng thực sự là những ý tưởng hay. Jeff lắng nghe, suy nghĩ về chúng và sau đó thực sự xem xét các khía cạnh và giúp giải quyết nó và nói: “Vậy, chúng ta có nên mở rộng ý tưởng này không? Chúng ta có nên xem xét khía cạnh này một cách tự nhiên để thúc đẩy ý tưởng vượt ra ngoài những gì chúng ta đang nghĩ bây giờ, để thực sự thay đổi mô hình chúng ta đã xây dựng không?'" Jassy nói. 

"Những điều lớn lao đều bắt đầu từ những việc nhỏ. Cây sồi lớn nhất bắt đầu từ một quả sồi", Jeff Bezos nói vào năm 2017.

Đặt tiêu chuẩn cao 

Ông Bezos có những kỳ vọng lớn lan rộng khắp công ty. 

"Khi bạn điều hành một tổ chức lớn và bạn không thể tham dự tất cả các cuộc họp, bạn có thể đặt ra những tiêu chuẩn cao hợp lý - thậm chí có thể là những tiêu chuẩn cao vô lý, những tiêu chuẩn cao hợp lý mà mọi người hướng tới - nó tạo cho bạn rất nhiều đòn bẩy trong toàn công ty khi bạn không thể tham gia tất cả các cuộc họp", Jassy nói.

Hãy “kiên nhẫn về mặt chiến lược và thiếu kiên nhẫn một cách chiến thuật” 

Jeff Bezos nhấn mạnh vào tốc độ trong khi vẫn giữ vững tầm nhìn dài hạn của mình cho công ty. 

Ngay cả khi mọi người nói với ông rằng, việc đó là không thể, điều mà mọi người rất thường xuyên nói với ông, Jeff Bezos vẫn luôn có niềm tin vào tầm nhìn dài hạn và đích đến nơi ông muốn đạt được điều gì đó, và ông tin rằng điều đó là khả thi cũng như kiên định với tầm nhìn của mình, CEO Jassy chia sẻ. "Tuy nhiên, trong ngắn hạn, cho dù chúng tôi có thể mất nhiều thời gian để đạt được mục tiêu, ông ấy hiểu rằng tốc độ sẽ không quan trọng một cách tương xứng."

Xác định số lượng người tham gia cuộc họp bằng 2 chiếc pizza

 CEO Bezos nổi tiếng áp dụng "quy tắc hai chiếc pizza" cho các cuộc họp: Ông giới hạn số lượng người tham gia chỉ đủ để ăn được hai chiếc pizza. 

Ông cho rằng, điều này đã giúp nâng cao năng suất, tốc độ và sự hợp tác.

Viết bản tường thuật thay vì thuyết trình PowerPoint 

Jeff Bezos từng nói Amazon có “văn hóa họp kỳ lạ nhất mà bạn từng gặp”. Một trong những điều cần tránh khi tham gia họp với ông là sử dụng PowerPoints, thứ mà ông đã cấm trong các cuộc họp của công ty. 

“Đối với mỗi cuộc họp, sẽ có người chuẩn bị một bản ghi nhớ tường thuật dài 6 trang, với các câu hoàn chỉnh, câu chủ đề và động từ”, ông nói. "Đó không chỉ là những gạch đầu dòng. Nó phải tạo ra bối cảnh cho cuộc thảo luận mà chúng ta sắp có.” 

Ông cho rằng, một cuộc họp hoàn hảo cần nhiều ngày để chuẩn bị và bao gồm “một tài liệu rõ ràng và một cuộc họp phức tạp.” Trong email năm 2004 gửi tới thành viên cấp cao của mình, CEO Bezos đã giải thích lý do tại sao ông không thích PowerPoints. 

Ông viết: “Các bài thuyết trình theo phong cách Powerpoints bằng cách nào đó làm mờ đi các ý tưởng, làm đơn giản hoá mọi ý nghĩa về tầm quan trọng tương đối và bỏ qua mối liên kết bên trong của các ý tưởng”. 

Jeff Bezos đảm bảo những người tham dự cuộc họp sẽ đọc qua các bản ghi nhớ. "Chúng tôi đọc trong phòng họp. Giống như những đứa trẻ trung học, các giám đốc điều hành sẽ giả vờ như thể họ đã đọc bản ghi nhớ rồi. Vì vậy, bạn cần sắp xếp thời gian để mọi người thực sự đọc bản ghi nhớ chứ không phải chỉ ra vẻ đã làm vậy", ông nói.

Nắm được thông tin khách hàng

Địa chỉ email của ông Bezos được để công khai và mặc dù thật khó để tưởng tượng vị tỷ phú giàu có này sẽ trả lời bất kỳ khách hàng nào, ông cho biết đôi khi ông chuyển tiếp những quan ngại hay ý kiến phản hồi của họ đến các bộ phận liên quan.

"Tôi đã đọc hầu hết các email đó. Tôi đọc và chuyển tiếp chúng cho các giám đốc điều hành phụ trách mảng đó kèm theo một dấu chấm hỏi. Đây là cách viết tắt cho “Bạn có thể xem xét điều này không?” “Tại sao điều này lại xảy ra?”, ông nói vào năm 2018.

Ông Bezos đã nhấn mạnh vào quan điểm của Amazon là tập trung vào “nỗi ám ảnh với khách hàng thay vì ám ảnh với đối thủ cạnh tranh.” Ông nói: “Thường thì các công ty nói rằng, họ tập trung vào khách hàng, nhưng thực ra họ dành phần lớn năng lượng của mình để phản ứng và thảo luận về đối thủ cạnh tranh”.

Trên thực tế, phần lớn thành công của Amazon bắt nguồn từ việc CEO Bezos tập trung thu hút ý kiến đóng góp của khách hàng từ những ngày đầu công ty hoạt động. Năm 1997, Bezos gửi email cho 1.000 khách hàng hỏi họ muốn thấy công ty bán sản phẩm gì. Một khách hàng cho biết, họ muốn Amazon bán cần gạt nước kính chắn gió vì họ cần cái mới. “Tôi tự nghĩ rằng, chúng ta có thể bán bất cứ thứ gì theo cách này”, Jeff Bezos nói.

"Bất đồng và cam kết" 

Trong lá thư gửi cổ đông năm 2016, ông Bezos đã nói về tầm quan trọng của chiến lược “bất đồng và cam kết” trong việc ra quyết định. 

“Nếu bạn có niềm tin vào một hướng đi cụ thể, mặc dù không nhận được sự đồng thuận, nhưng sẽ rất hữu ích khi nói: “Hãy xem, tôi biết chúng ta bất đồng về điều này nhưng bạn sẽ đánh cược với tôi về điều đó chứ? Bất đồng và cam kết?” Vào thời điểm đó, không ai có thể biết chắc chắn câu trả lời và bạn có thể sẽ nhanh chóng nhận được câu trả lời "Có", ông viết. 

Phân loại các quyết định và đưa ra quyết định sớm hơn  

CEO Bezos đã viết trong thư gửi cổ đông năm 2015 rằng, ông phân loại các quyết định thành Loại 1 và Loại 2. Các quyết định loại 1 có tác động mạnh và ảnh hưởng lớn đến chiến lược của công ty, trong khi các quyết định loại 2 có mức ảnh hưởng thấp hơn và có thể dễ dàng thay đổi khi cần thiết. 

Ông cho biết, các quyết định loại 1 chiếm phần lớn thời gian của bạn, trong khi các quyết định loại 2 nên được giao lại cho người khác hoặc gộp chung với các quyết định nhỏ hơn khác để xử lý sau. 

Jeff Bezos tin rằng, bạn nên đưa ra quyết định chỉ với 70% lượng thông tin mà bạn cần. Ông làm điều này vì nếu bạn chờ để có được tất cả dữ liệu mong muốn thì bạn đã hành động quá chậm. 

Ngoài ra, Bezos thích đưa ra quyết định vào buổi sáng. “Ông ấy nói: Thông thường, tôi đưa ra những quyết định quan trọng vào khoảng 10:30 sáng. Tôi sẽ thảo luận về nó vào ngày hôm trước, suy nghĩ về nó vào buổi đêm và đến sáng tôi sẽ thực sự đưa ra quyết định", nhà thiết kế thời trang người Ý- Brunello Cucinelli nói với Lane Florsheim của The Wall Street Journal’s vào năm 2020.

Lân Nguyễn