CEO Trần Nguyễn Duy Tuấn: Đừng nói không biết nếu chưa lao vào tự làm, tự học

09:29 22/11/2021

Trần Nguyễn Duy Tuấn là đồng sáng lập, CEO Airiot, siêu anh hùng Iron Man từ những bộ phim khoa học viễn tưởng là nguồn cảm hứng để Trần Nguyễn Duy Tuấn quyết tâm theo đuổi giấc mơ làm ra những sản phẩm khác biệt.

 

Trần Nguyễn Duy Tuấn đồng sáng lập, CEO Airiot. Nguồn: Internet
Trần Nguyễn Duy Tuấn đồng sáng lập, CEO Airiot. Nguồn: Internet.

Duy Tuấn kể rằng có sở thích từ nhỏ về việc sáng chế. Lên cấp 3, Tuấn cùng người bạn học tên Khanh đã bắt đầu thiết kế những thiết bị nhà thông minh và làm trợ lý ảo như trong phim Iron Man. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Tuấn và Khanh đi xin đầu tư vào dự án Nhà thông minh điều khiển hoàn toàn bằng trí tuệ nhân tạo nhưng không được hưởng ứng. Khanh đi học đại học, Tuấn Đỗ FPT nhưng được một tháng rồi bỏ dở. Sau này, Khanh cũng là người sáng lập Airiot.

Sau đó, tình cờ Tuấn gặp được anh Đức, chủ công ty chuyên hỗ trợ các start-up. Anh Đức đồng ý hỗ trợ cho Dự án, nhưng sau một thời gian tiếp tục triển khai, nhận thấy có quá nhiều thử thách về mặt công nghệ, Tuấn và Khanh quyết định dừng lại.

Khi đó, anh Đức kinh doanh một số phòng nghỉ thông qua Airbnb - ứng dụng kết nối trực tiếp người có phòng cho thuê với người thuê phòng. Nhiều khách thuê phòng của anh thường không tắt các thiết bị điện trước khi ra khỏi phòng. Tuấn và Khanh tìm cách giải quyết vấn đề này bằng IoT và nghiên cứu được một thiết bị đóng ngắt điện tự động phiên bản đầu tiên.

Đội ngũ cũng nghiên cứu thị trường và nhận thấy, ở Việt Nam, từ hộ gia đình đến các đơn vị kinh doanh đều gặp vấn đề về việc sử dụng tiết kiệm điện năng.

“Trái đất đang nóng lên và con người ngày càng có nhiều nhu cầu sử dụng điện nhiều hơn cho các hoạt động, tạo thành một vòng tác động lặp lại: trái đất nóng lên - sử dụng các thiết bị làm mát nhiều hơn - thải ra khí nóng - trái đất lại nóng lên hơn. Chúng tôi nghĩ, nên có một giải pháp nào đó để làm chậm quá trình này lại để chúng ta và cả con cháu đời sau có thể tiếp tục sống trên quả địa cầu này”, Tuấn chia sẻ.

Mặc dù đã làm ra được thiết bị đóng ngắt điện tự động, nhưng sản phẩm ban đầu chưa thực sự phù hợp với các chủ nhà cho thuê trên Airbnb. Nhóm của Tuấn đã mất thêm 2 năm nghiên cứu, tìm hiểu, chỉnh sửa để cho ra đời phiên bản khá hoàn chỉnh như hiện nay.

Tháng 8/2018, Airiot được Christina’s - một start-up trong ngành du lịch hỗ trợ để có thể thử sản phẩm ở các căn nhà của họ và cung cấp nguồn lực để Tuấn và Khanh có thể phát triển sản phẩm hoàn chỉnh.

Sau đó, nhóm có thêm 2 thành viên tham gia và Airiot được thành lập, cung cấp giải pháp tiết kiệm điện cho chủ nhà Airbnb với hệ thống thông minh, giúp đóng ngắt thiết bị tự động khi khách ra ngoài, tiết kiệm tối đa điện năng...

Tại cuộc thi Việt Nam Startup Day 2019 quy tụ gần 200 dự án khởi nghiệp đến từ Việt Nam và 11 quốc gia của 4 châu lục được tổ chức tại TP.HCM, Airiot đã xuất sắc giành giải quán quân.

Trần Nguyễn Duy Tuấn chia sẻ: Xuất phát là dân kỹ thuật lại chưa qua trường lớp nào, những điều này mình cứ học từ kinh nghiệm của chính bản thân. Nghĩa là khi không có ai làm, mình sẽ phải tự làm. Lần đầu không tốt thì lần thứ 2 phải tốt hơn, lần thứ 3 tốt hơn nữa. Với những thứ không tự làm được, buộc phải thuê dân chuyên nghiệp thì mình học hỏi từ nhân viên rồi tự tìm hiểu thêm. Ngoài ra còn một nguồn cung cấp kiến thức hữu ích nữa là từ các anh chị đi trước trong network và từ các startup khác. Cái gì cũng vậy, cứ lao vào học và làm là biết hết.

Vì phải học hỏi nhiều nên mình rất khuyến khích các bạn sinh viên khởi nghiệp dù nhóm này thường không thành công. Thứ nhất là để đảm bảo việc học và khởi nghiệp sẽ khó gấp đôi bởi áp lực từ 2 phía sẽ kẹp bạn ở chính giữa, khiến bạn phải từ bỏ 1 trong 2. Thứ 2 là nhà đầu tư cũng không đầu tư vào sinh viên vì với họ, phải nhìn thấy cơ hội có lời từ startup thì mới xuống tiền nhưng điều này khá bấp bênh ở sinh viên. Ngược lại, giá trị khi sinh viên startup lại nằm ở kinh nghiệm, là những thứ vô cùng quan trọng cho chặng đường sau này của các bạn.

My An (tổng hợp)