Cao Bằng: Ban Dân tộc tỉnh đổi mới công tác xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách dân tộc

19:59 09/05/2023

Ngày 3/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 58/SL quy định về cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số (DTTS). Đây là cơ quan quản lý nhà nước đầu tiên về lĩnh vực dân tộc của nước ta.

Sau nhiều lần đổi tên, ngày 23/10/1992, thực hiện Thông báo của Bộ Chính trị, Chính phủ quyết định hợp nhất Ban Dân tộc Trung ương với Văn phòng Miền núi và Dân tộc thành Ủy ban Dân tộc và Miền núi. Ngày 16/5/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2003/NĐ-CP đổi tên Ủy ban Dân tộc và Miền núi thành Ủy ban Dân tộc. 

Trong 77 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác dân tộc và chính sách dân tộc, nhất là khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Thông qua thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế…, đời sống đồng bào DTTS và miền núi trên khắp cả nước có những chuyển biến tích cực. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn, miền núi được củng cố và tăng cường; các công trình thiết yếu điện, đường, trường, trạm, chợ thương mại được xây dựng khang trang; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS những năm gần đây giảm nhanh, bình quân từ 3 - 4%/ năm.

Đối với tỉnh Cao Bằng, cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh được thành lập từ năm 1946 - 1982, trực thuộc Tỉnh ủy, giai đoạn 1982 - 1996 công tác dân tộc thuộc Ban Dân vận Tỉnh ủy. Từ năm 1996, Ban Dân tộc được thành lập trực thuộc UBND tỉnh. Sau nhiều lần sáp nhập và đổi tên, đến năm 2000, thành lập Ban Dân tộc và Tôn giáo. Từ năm 2008 đến nay đổi tên là Ban Dân tộc trực thuộc UBND tỉnh.

Những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh chủ động phối hợp với các cấp, ngành tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt các chương trình, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; đặc biệt trong những năm gần đây, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng, trên các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.

Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thành công 3 kỳ đại hội đại biểu các DTTS cấp huyện, cấp tỉnh vào các năm 2009, 2014, 2019. Tổ chức đưa đoàn đại biểu của tỉnh tham dự 2 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam, lần I (năm 2010) và lần II (năm 2020).

Các chương trình, chính sách dân tộc được triển khai khá toàn diện, bao quát các lĩnh vực đời sống xã hội vùng DTTS và miền núi. Giai đoạn 2006 - 2020, Chương trình 135 được thực hiện trên địa bàn 185 xã/199 xã, phường, thị trấn (tương đương 93% đơn vị cấp xã). Tổng số vốn của chương trình hơn 2.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng 1.591 công trình hạ tầng; hỗ trợ thực hiện 194 mô hình giảm nghèo; gần 1.000 dự án phát triển sản suất, đa dạng hóa sinh kế... Hỗ trợ cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg là 78 tỷ 605 triệu đồng. 

Ban Dân tộc tỉnh tổ chức 14 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho 1.003 lượt người có uy tín; cung cấp thông tin thời sự 123 cuộc cho 18.607 lượt người có uy tín; các cấp biểu dương, khen thưởng 1.271 lượt người uy tín; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ, tặng quà 723 lượt người… Giai đoạn 2016 - 2021, toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo 20,59%, giảm bình quân 4,12%/năm, năm 2022, theo chuẩn nghèo đa chiều, tỉnh còn có 28,94% hộ nghèo. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được nâng lên, quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Với những thành tích đạt được, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen và Cờ thi đua; 1 cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhì.

Ban Dân tộc tỉnh là một trong những đơn vị được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Ban Dân tộc tỉnh là một trong những đơn vị được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Phát huy thành tích đạt được, tiếp nối truyền thống đoàn kết, vượt khó vươn lên, thời gian tới, đội ngũ cán bộ, công chức, người làm công tác dân tộc các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc; Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình hành động số 35-CTHĐ/TU ngày 12/5/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị.

Tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung, dự án của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg) trên địa bàn tỉnh. 

Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số thuộc lĩnh vực công tác dân tộc theo kế hoạch của UBND tỉnh; tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc khác đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Duy trì các chương trình phối hợp công tác với một số sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội. Thường xuyên nắm bắt tình hình đời sống đồng bào DTTS và triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc tại cơ sở để kịp thời đề xuất giải quyết các vướng mắc thuộc thẩm quyền.

Ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng (người mặc áo sáng màu) đang thực địa tại cơ sở
Đại diện Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng thực địa tại cơ sở.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới, đội ngũ công chức, người lao động làm công tác dân tộc tỉnh cần chủ động và nhạy bén hơn nữa trong việc nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng trong đồng bào các dân tộc; tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp xử lý kịp thời những phát sinh từ cơ sở, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025, phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh