Cần hiểu rõ về lũy kế thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng

17:50 15/03/2023

Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì tìm được việc làm sẽ được lũy kế thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 5 điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP.

Lũy kế thời gian đóng trợ cấp thất nghiệp chưa hưởng là việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp mà người lao động chưa đến cơ quan bảo hiểm xã hội để làm thủ tục thanh toán, hay nói cách khác dễ hiểu hơn là thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng ở đợt này của người lao động có thể được cộng dồn để hưởng vào lần sau.

Ảnh minh họa

Lũy kế bảo hiểm thất nghiệp được áp dụng trong các trường hợp sau: Người lao động đã nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhưng không lên nhận kết quả theo ngày ghi trong phiếu hẹn trả kết quả. Nếu người lao động không đến nhận quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc không ủy quyền cho người khác đến nhận quyết định và không thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm về lý do không thể đến nhận thì được coi là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp. Khi đó, Trung tâm dịch vụ việc làm sẽ hủy Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng sẽ được lũy kế theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.

Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì tìm được việc làm sẽ được lũy kế thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 5 điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều luật của luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.

Ảnh minh họa

Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp mà không hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng đó được tự động lũy kế cho lần bảo hiểm thất nghiệp tiếp theo.

Về cách tính lũy kế bảo hiểm thất nghiệp, lũy kế bảo hiểm thất nghiệp là bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng và cộng dồn cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo. Do vậy, thời gian bảo hiểm thất nghiệp được lũy kế chính là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đã được bảo lưu.

Công thức tính lũy kế bảo hiểm thất nghiệp được xác định theo công tính tính thời gian bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu như sau: Thời gian lũy kế bảo hiểm thất nghiệp = thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp - thời gian đã hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ảnh minh họa

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính tròn theo tháng, đối với trường hợp người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 12 tháng đến 36 tháng thì sẽ hưởng tất cả 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, đối với trường hợp đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 03 năm (36 tháng) trở lên thì chỉ tính số năm tròn còn những tháng lẻ ra trong quá trình đóng bảo hiểm sẽ được bảo lưu cho lần hưởng sau.

Khi chi trả trợ cấp thất nghiệp cần lưu ý, tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên của người lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp;

Ảnh minh họa

Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động từ tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ 2 trở đi trong thời hạn 05 ngày làm việc, tính từ thời điểm ngày thứ 07 của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp đó nếu không nhận được quyết định tạm dừng hoặc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động. Trường hợp thời điểm ngày thứ 07 nêu trên là ngày nghỉ thì thời hạn chi trả trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày làm việc tiếp theo.

Trong 03 ngày làm việc được ghi trên phiếu hẹn trả kết quả theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này, nếu người lao động không đến nhận quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc không ủy quyền cho người khác đến nhận quyết định và không thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm về lý do không thể đến nhận thì được coi là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Mai Anh