Cần giám sát để chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả

00:00 12/10/2020

"Ban chỉ đạo phòng chống dịch cần xây dựng quy trình giám sát cụ thể đối với các giải pháp trong Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ, tránh tình trạng doanh nghiệp không tiếp cận được chính sách hỗ trợ," TS. Lê Đức Hoàng, Phó Trưởng bộ môn Tài chính Doanh nghiệp, Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ quan điểm với báo chí về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19.

can giam sat de chinh sach ho tro doanh nghiep phat huy hieu qua

Ảnh minh họa

Theo nhìn nhận của ông, dịch Covid-19 ảnh hưởng thế nào tới doanh nghiệp Việt Nam?

Dịch bệnh Covid-19 đang rất khó lường. Đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, ảnh hưởng của dịch Covid -19 tương đối rõ ràng. Nhiều doanh nghiệp đứng trước khả năng phá sản cao, điển hình trong lĩnh vực dịch vụ, sản xuất, bất động sản…

Theo Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, 74% doanh nghiệp trong số các doanh nghiệp trả lời đối mặt với phá sản.

can giam sat de chinh sach ho tro doanh nghiep phat huy hieu qua

                                                              TS. Lê Đức Hoàng

Với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành, theo ông doanh nghiệp tiếp cận được đến đâu?

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các bộ, ban, ngành đã vào cuộc rất tích cực. Để đảm bảo cho sự ổn định và phát triển các doanh nghiệp, Chính phủ đã kịp thời đưa ra các chính sách hỗ trợ, điển hình nhất là Chỉ thị 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh - xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Tuy nhiên, theo phản ánh của báo chí, trong những ngày gần đây, một số doanh nghiệp chưa tiếp cận được chính sách ưu đãi, thậm chí họ chưa biết sẽ gặp ai để tiếp cận các nguồn này.

Theo tôi, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cần xây dựng quy trình giám sát cụ thể đối với các giải pháp trong Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ, tránh tình trạng doanh nghiệp không tiếp cận được chính sách hỗ trợ. Như hiện nay, một số nước đã thành lập ủy ban vừa chỉ đạo và giám sát các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Về các chính sách cụ thể, theo ông, Chính phủ có nên hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn ngắn hạn?

Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đều ở quy mô nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ. Khi khủng hoảng diễn ra, tác động đầu tiên tới các doanh nghiệp này là gián đoạn hoạt động ngắn hạn, thậm chí một số doanh nghiệp phải đóng cửa giải thể.

Vì vậy, việc hỗ trợ dòng tiền và tiếp cận vốn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt cho một số ngành, lĩnh vực kinh doanh đặc thù chịu tác động mạnh của dịch Covid-19 như du lịch, vận tải, xuất nhập khẩu hết sức cần thiết.

Dịch Covid-19 lan tràn cũng có thể làm suy giảm khả năng tài chính của một doanh nghiệp nhỏ để lập bảng lương, duy trì hàng tồn kho và đáp ứng với biến động của thị trường (cả nhu cầu giảm đột ngột và tăng đột biến).

Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, trước mắt là các khoản vay vốn lưu động, giúp khắc phục tổn thất tạm thời về doanh thu mà họ đang gặp phải, cụ thể như: Hỗ trợ vốn lưu động, tái cấp vốn, giãn nợ, cấp hạn mức tín dụng đặc biệt cho mùa dịch, tài trợ hàng tồn kho; Cho vay hỗ trợ xuất khẩu, cung cấp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt được doanh số tiêu thụ, đồng thời hỗ trợ điều tiết thi trường thông qua kênh phân phối trong nước; Chương trình cho vay xuất khẩu nhanh cho phép tiếp cận vốn nhanh chóng cho các doanh nghiệp cần tài trợ.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc miễn, giảm, giãn thuế chỉ có ý nghĩa với doanh nghiệp không thực sự khó khăn, vì có lãi mới phải đóng thuế. Vậy cần thêm chính sách “sát sườn” nào cho những doanh nghiệp khó khăn, thua lỗ, có nguy cơ phá sản?

Theo tôi, Chính phủ nên cho phép miễn đóng bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh, chuyển dịch sang năm 2021.

Cùng đó, cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ thương mại điện tử cho doanh nghiệp, hoàn thiện các văn bản pháp lý, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia “sân chơi” này. Ngoài ra thuế xuất, nhập khẩu cần điều chỉnh giảm nhằm tạo cơ chế hợp lý để thông quan hàng hóa.

Nhìn ra các nước, liệu có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khác mà chúng ta có thể học hỏi?

Ở nhiều nước trên thế giới, Chính phủ đã ban hành khẩn cấp các gói cứu trợ, điển hình như Mỹ,Anh, Đức đã miễn giảm thuế, nhận nguồn tài trợ, ưu đãi lãi vay đặc biệt cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng.

Các giải pháp hỗ trợ trực tiếp đối với doanh nghiệp và rất cụ thể. Ví dụ, chính phủ Anh, Mỹ cho phép trì hoãn nộp thuế tháng 3, 4, 5 và cho phép doanh nghiệp nộp vào tháng 7/2020; một số loại thuế được giãn đến tháng 1/2021.

Do vậy, chúng ta cũng nên xem xét việc miễn giảm thuế cụ thể, ví dụ như về thời gian, số tiền nộp... để doanh nghiệp dồn lực khắc phục những vấn đề do dịch Covid gây ra.

Bên cạnh đó, cần thêm giải pháp đối với người lao động. Ví dụ, Anh và Mỹ đã kích hoạt gói hỗ trợ cho người lao động về lương hay tiếp cận tín dụng với lãi suất ưu đãi trong thời gian dịch bệnh.

Với chúng ta, thuế thu nhập cá nhân nên miễn giảm (do luật mới chưa được thông qua), hoặc chuyển tới thời kỳ cuối năm 2020, hoặc được hưởng tỷ lệ chiết khấu nếu nộp thuế trong thời điểm này…

Xin cảm ơn ông!

Bảo Linh (t/h)