Bạc Liêu phát huy vai trò của các tổ chức tín dụng, ngân hàng giúp tăng cường đầu tư vốn cho nền kinh tế

22:21 07/07/2021

Để ứng phó với đại dịch COVID-19, Tỉnh ủy -UBND tỉnh Bạc Liêu tích cực chỉ đạo phát huy vai trò của các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng cường đầu tư vốn cho nền kinh tế, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và đảm bảo việc làm cho người lao động.

Về ưu tiên vốn đầu tư cho phát triển sản xuất - kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các TCTD tập trung vốn cho sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng Việt Nam đồng đối với lĩnh vực này thấp hơn từ 1 - 1,5% năm so với các lĩnh vực thông thường khác. Đồng thời, triển khai chương trình, chính sách tín dụng đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn trong một số ngành, lĩnh vực như: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Các ngân hàng thương mại ký cam kết đầu tư vốn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh năm 2021.
Các ngân hàng thương mại ký cam kết đầu tư vốn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh năm 2021.

Thực hiện chỉ đạo này, các TCTD đã đẩy mạnh và triển khai nhiều chương trình, chính sách tín dụng, không ngừng cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.

Đặc biệt, thực hiện tốt việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu; giảm lãi vay các khoản cho vay mới để hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại.

Điển hình như Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) - Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu, trong 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động kinh doanh tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đã đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn vay của khách hàng, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Tính đến ngày 30/6/2021 dư nợ cho vay các thành phần kinh tế tăng 200 tỷ đồng so với đầu năm. Riêng tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp đạt 3.400 tỷ đồng; trong đó dư nợ doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hơn 1.800 tỷ đồng, chiếm 50% thị phần khách hàng xuất khẩu trên địa bàn.

Cùng với tăng cường và ưu tiên đầu tư vốn cho phát triển sản xuất - kinh doanh, Agribank Bạc Liêu còn cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi cho 27 lượt khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 với số tiền 1.045 tỷ đồng. Trong đó, cho vay mới với lãi suất ưu đãi 785 tỷ đồng, cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 121 tỷ đồng. Ngoài ra, Agribank Bạc Liêu còn tiết giảm chi phí để chủ động giảm lãi suất cho nhiều khách hàng truyền thống, đặc biệt là khách hàng xuất khẩu, với tổng dư nợ được giảm lãi suất hơn 600 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng khác còn mạnh dạn ưu tiên đầu tư vốn cho các lĩnh vực thế mạnh và kinh tế mới của tỉnh. Tiêu biểu như Ngân hàng HDBank - Chi nhánh Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư 40 tỷ đồng cho các nông dân áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao và hàng chục tỷ đồng cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất tham gia thực hiện Chương trình OCOP. Đồng thời, triển khai gói tín dụng đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo - vốn là lĩnh vực mới của tỉnh.

Với sự tích cực đầu tư vốn từ các TCTD đã góp phần cho tổng dư nợ đến cuối tháng 6/2021 đạt 31.500 tỷ đồng, tăng 1.384 tỷ đồng, tăng 4,60% so với đầu năm.

Tuy nhiên, theo các kiến nghị và đề xuất của doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại cần điều chỉnh lại lãi suất cho vay ở mức từ 6%/năm và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ tín dụng khác, nhất là các lĩnh vực ưu tiên đầu tư. Ngoài ra, cần tăng cường và tái đầu tư vốn, nâng cao hạn mức tín dụng, thẩm định giá tài sản thế chấp sát với giá thị trường để doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay nhiều hơn…

Theo ông Lê Văn Măng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu: Với phương châm đồng hành và chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các TCTD tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi COVID-19 như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới…

Bên cạnh đó, các TCTD thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp. Từng TCTD căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác; công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết. Hướng dẫn cụ thể và tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về quy trình thủ tục, các dịch vụ trực tuyến, dịch vụ thanh toán của ngân hàng, tạo điều kiện cho khách hàng không phải trực tiếp đến ngân hàng giao dịch nhằm đảm bảo vừa phòng chống dịch vừa đáp ứng dịch vụ ngân hàng trên địa bàn./.

PV (theo Báo Bạc Liêu)