Ấn Độ đang vượt qua nhiều đối thủ châu Á về đầu tư vào trung tâm dữ liệu

17:23 04/06/2024

Dịch Covid đã thúc đẩy hầu hết mọi doanh nghiệp – từ ngân hàng đến công ty hàng tiêu dùng... tiến hành quá trình số hóa, làm tăng thêm nhu cầu về trung tâm dữ liệu địa phương.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo một báo cáo mới đây của Công ty đầu tư và kinh doanh dịch vụ bất động sản có trụ sở tại Hoa Kỳ, CBRE, Ấn Độ đang vượt qua Nhật Bản, Singapore và Hồng Kông về đầu tư vào trung tâm dữ liệu, xu hướng này được thúc đẩy bởi các cam kết đầu tư của Amazon và các tập đoàn trong nước như Reliance Industries.

Các nhà phân tích cho biết, sự bùng nổ  trung tâm dữ liệu của Ấn Độ là không thể tránh khỏi, do dân số hiểu biết về Internet và mức độ sử dụng thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử và các dịch vụ số khác ngày càng tăng. Mặt khác, Ấn Độ cũng được nhiều công ty công nghệ lựa chọn đặt văn phòng tại đây do có mật độ dân số cao và nguồn nhân tài dồi dào.

Amazon Web Services đã cam kết đầu tư 12,7 tỷ USD vào hoạt động kinh doanh điện toán ở Ấn Độ đến năm 2030. Công ty đang vận hành các trung tâm dữ liệu ở thủ đô tài chính Mumbai, ra mắt vào năm 2016 và tại thành phố phía nam Hyderabad, ra mắt vào năm 2022.

Trong khi đó, Trung tâm Dữ liệu Toàn cầu ST Telemedia có trụ sở tại Singapore sẽ bơm khoảng 900 triệu USD vào Ấn Độ vào khoảng năm 2033. Trong vài năm qua, họ đã ký các biên bản ghi nhớ với các bang Tamil Nadu, Karnataka và Uttar Pradesh của Ấn Độ. Công ty đã có trên 28 cơ sở tại 10 thành phố của Ấn Độ. Hay Colt Data Center Services Holdings, một công ty của Anh, đã công bố kế hoạch vào tháng 3 để bổ sung một trung tâm dữ liệu ở Chennai vào năm 2027 với công suất tối thiểu 70 MW. 

Các công ty lớn của Ấn Độ bao gồm Adani Group và Reliance Industries cũng đã tham gia cạnh tranh. AdaniConneX, một liên doanh giữa Adani Enterprises và nhà cung cấp trung tâm dữ liệu EdgeConneX, cho biết vào tháng 4 rằng, họ đã đảm bảo khoản vay 1,44 tỷ USD từ các nhà đầu tư để tài trợ cho việc xây dựng hai địa điểm mới ở Chennai và Mumbai với công suất tích lũy là 67 MW. AdaniConneX đặt mục tiêu xây dựng công suất 1GW vào năm 2030, với tổng vốn đầu tư là 5 tỷ USD.

Reliance cũng thành lập liên doanh với Brookfield vào tháng 7 năm ngoái, đầu tư 122 triệu USD vào nước này.

Theo hãng dịch vụ đầu tư và bất động sản CBRE có trụ sở tại Mỹ, Ấn Độ dự kiến sẽ có thêm nguồn bổ sung 850 MW trong ba năm tới đến năm 2026, tăng gần gấp đôi so với công suất khoảng 950 MW vào cuối năm 2023. Số công suất bổ sung sẽ giúp Ấn Độ vượt lên trên các đối thủ châu Á như Singapore dự kiến bổ sung thêm 500 MW, Hàn Quốc thêm 495 MW, Nhật Bản thêm 407 MW và Úc thêm 314 MW trong cùng kỳ.

Nhu cầu sử dụng dữ liệu đang tăng lên trên toàn cầu, nhưng tốc độ này đặc biệt nhanh ở Ấn Độ với dân số khổng lồ và tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. GDP của Ấn Độ tăng 8,4% trong quí cuối năm 2023 và Chính phủ dự kiến tốc độ tăng trưởng quí đầu 2024 dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao từ 8%. Các con số chính thức dự kiến sẽ được chính phủ công bố vào ngày 7-6 tới.

Anshuman Magazine, lãnh đạo cấp cao của CBRE India nói rằng, các ngân hàng, công ty bảo hiểm và các công ty dịch vụ tài chính khác có thể sẽ là động lực chính cho các trung tâm dữ liệu mới của Ấn Độ. “Hơn nữa, các công ty kỹ thuật và sản xuất, cùng với các công ty công nghệ, có khả năng thành lập các trung tâm dữ liệu riêng cho các phòng nghiên cứu và phát triển (R&D) của riêng họ”.

Dịch Covid đã thúc đẩy hầu hết mọi doanh nghiệp – từ ngân hàng đến công ty hàng tiêu dùng... tiến hành quá trình số hóa, làm tăng thêm nhu cầu về trung tâm dữ liệu địa phương. Công ty tư vấn Bain & Company ước tính Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế tiêu dùng số trị giá 1.000 tỉ đô la vào cuối thập niên này, tức trước 2030.

“Nếu bạn nhìn vào cán cân so sánh giữa Ấn Độ và Trung Quốc và năng lực dữ liệu hiện nay, chúng ta rất dễ nhận thấy cơ hội tăng trưởng ở Ấn Độ. Hiện Ấn Độ có dân số đông hơn Trung Quốc, có lượng người dùng cuối trẻ tuổi cao hơn. Trong khi các trung tâm dữ liệu ở Singapore hoặc Hồng Kông thì phải phục vụ luôn nhu cầu ở nước ngoài, bởi nhu cầu nội địa nhỏ hơn”, theo nhà nghiên cứu cấp cáo Mikhail Jaura của hãng tư vấn công nghệ IDC.

Jaura cho biết, các yếu tố khác thuận lợi cho Ấn Độ bao gồm giá đất tương đối rẻ và khả năng xảy ra thiên tai ít hơn so với một số quốc gia châu Á khác, như Nhật Bản và Indonesia chẳng hạn.

Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi có thể giành được vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu, như bổ sung nhân lực phần cứng, Franco Chiam, Phó Chủ tịch Nhóm nghiên cứu đám mây, trung tâm dữ liệu, viễn thông và cơ sở hạ tầng tại IDC, cảnh báo.

Ông nói: “Một trong những thách thức lớn nhất… là sự ổn định của cơ sở hạ tầng. Điều này cần được giải quyết trước như bước đầu tiên để tạo niềm tin rằng các doanh nghiệp sẽ có thể vận hành các trung tâm dữ liệu trong môi trường đó”.

Tú Anh (T/h)