WB lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, dự báo sẽ đạt 4,7% trong năm 2023

21:38 10/08/2023

Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 4,7% trong năm 2023. Sau đó, đà tăng trưởng sẽ hồi phục lên 5,5% vào năm 2024 và 6% tại năm 2025.

Theo bản cập nhật kinh tế mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) có tựa đề “Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng” công bố tại họp báo sáng nay 10/8, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại từ 8% năm 2022 xuống còn 3,7% trong nửa đầu năm 2023. Báo cáo dự báo mức tăng trưởng 4,7% vào năm 2023, sau đó tăng dần lên 5,5% vào năm 2024 và 6% vào năm 2025.

Chính sách tài khóa chủ động hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn, loại bỏ các hạn chế đối với việc thực hiện hiệu quả đầu tư công và giải quyết các điểm nghẽn cơ sở hạ tầng có thể giúp nền kinh tế đạt được các mục tiêu này và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong nửa đầu của năm chỉ đạt 3,7% (so cùng kỳ năm trước) và thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,4% của 6 tháng/2022.

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cho biết nguyên nhân của đà giảm này là sức cầu bên ngoài giảm mạnh. Điều này thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu giảm 12% so cùng kỳ. Trên bình diện đó, nhu cầu nội địa đã chững lại khi hiệu ứng “xuất phát điểm thấp” của giai đoạn phục hồi sau COVID-19 đã giảm. Hơn thế, niềm tin của người tiêu dùng cũng dần yếu, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng chi tiêu xuống còn 2,7% so với cùng kỳ.

Nhấn mạnh tổng cầu giảm đã phản chiếu vào khu vực sản xuất (tổng cung), bà Dorsati dẫn chứng mảng công nghiệp ghi nhận mức đóng góp cho tăng trưởng giảm 0,4 điểm phần trăm trong nửa đầu năm. Ảnh hưởng của “cú sốc” về nhu cầu xuất khẩu còn trầm trọng hơn, do tình trạng thiếu điện liên tục ảnh hưởng đến miền Bắc trong tháng Năm và Sáu, khiến các hoạt động kinh tế bị gián đoạn với tổn thất ước tính ở mức 0,3% GDP.

Ngoài ra, khảo sát đối với 10.000 doanh nghiệp trong bốn tháng đầu năm của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (WB) cũng cho thấy 60% các doanh nghiệp cho hay doanh thu đã giảm ít nhất 20%; 59% doanh nghiệp chia sẻ đơn hàng bị giảm, 71% phải cắt giảm ít nhất 5% lao động. Dẫn chứng tại khu vực Đông Nam Bộ-một trong số các địa bàn xuất khẩu trọng tâm, đã chứng kiến số người được phê duyệt nhận trợ cấp thất nghiệp tăng vọt gần 62% trong quý 2.

"Mặc dù sức cầu có chững lại song đây vẫn là động lực chính cho tăng trưởng của năm 2023. Dự kiến, tiêu dùng tư nhân sẽ đứng vững với tốc độ tăng 6% (so cùng kỳ 2022) và đóng góp 3,4 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP," bà Dorsati nói.

Trên cơ sở đó, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 4,7% trong năm 2023. Sau đó, đà tăng trưởng sẽ hồi phục lên 5,5% vào năm 2024 và 6% tại năm 2025.

Bên cạnh đó, chỉ số CPI dự kiến tăng nhẹ từ mức bình quân 3,1% trong năm 2022 lên bình quân 3,5% trong năm 2023. Nguyên nhân do tăng trưởng chững lại và chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% được triển khai trong nửa cuối năm. Theo đó, lạm phát CPI tiếp tục bình ổn ở mức 3% trong năm 2024 và 2025 (trên cơ sở kỳ vọng giá năng lượng và thương phẩm sẽ ổn định).

Ngọc Phi (TH)

Tags: